| Hotline: 0983.970.780

Nuôi 300 thùng ong, thu 30 tấn mật, lãi 500 triệu đồng

Thứ Tư 10/04/2024 , 07:00 (GMT+7)

Đó là mô hình nuôi ong lấy mật rất thành công của chị Trương Thị Thuy, 47 tuổi, ở KP2, P. Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Vợ chồng chị Thuy đang thu hoạch mật. Ảnh: HT.

Vợ chồng chị Thuy đang thu hoạch mật. Ảnh: HT.

Trong cái nắng gay gắt đầu tháng tư, chúng tôi theo chân chị Mạc Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành, Bình Phước, đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của chị Thuy.

Hàng trăm thùng ong mật nằm san sát dưới tán vườn cao su, tràm, nhãn mát rượi. Ngoài tiếng gió xào xạc, còn có tiếng cánh ong vù vù bay đi bay về của hàng trăm ngàn con ong thợ đang cần mẫn đi tìm, mang những viên phấn hoa bé xíu về tổ làm mật.

Chị Thuy đang nhẹ nhàng dùng tay gỡ các cầu ong đã kết mật vàng sánh, kéo ra. Bị động, bầy ong bay tứ tán. Vừa làm, chị Thuy vừa nói: “Thùng này vừa quay mật được mấy ngày trước, nhưng ong đã tạo gần 3 cầu mật rồi, đợt này đang nắng nóng, cây trồng phát triển kém, ong kiếm thức ăn khó hơn, nhưng bù lại, mật chất lượng hơn, đặc sánh hơn”.

Nói về cơ duyên với nghề nuôi ong mật, chi Thuy cho biết, cách đây hơn chục năm, gia đình chị nằm trong diện nghèo của địa phương. Đất sản xuất không có, quanh năm vợ chồng mưu sinh bằng nghề cạo mủ cao su thuê.

Rồi một lần được tham gia lớp tập huấn về khởi nghiệp thoát nghèo của Hội Phụ nữ huyện Chơn Thành (theo “Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” gắn với “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo”), được đi tham quan mấy mô hình khởi nghiệp thành công, trong đó có mô hình nuôi ong, chị đã “kết” mô hình ong mật, vì thấy cũng dễ làm. Chị về làm đơn vay vốn của Hội Phụ nữ được hai chục triệu, đầu tư được 20 thùng ong, nuôi trong khoảnh vườn nhỏ của gia đình.

Hiện nay, chị Thuy đang nuôi 300 thùng ong mật, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn mật, lãi nửa tỷ đồng. Ảnh: HT.

Hiện nay, chị Thuy đang nuôi 300 thùng ong mật, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn mật, lãi nửa tỷ đồng. Ảnh: HT.

Ban đầu, chưa có 1 chút kiến thức về nuôi ong nào, chị phải tự mày mò, tìm hiểu từ các mô hình đi trước, tìm đọc tài liệu trên mạng và tư vấn thêm từ các kỹ sư ngành nông nghiệp địa phương. Cứ vậy, chị tích luỹ dần kinh nghiệm và ngày càng nắm chắc kỹ thuật hơn.

Theo chị Thuy, Bình Phước có khí hậu khá phù hợp với con ong mật. Ngoài ra, ở đây còn diện tích điều, cao su lớn nhất nước, 2 loại cây có hoa rất tốt cho mật ong. Đây là một lợi thế rất lớn cho người nuôi ong ở Bình Phước. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là kiến thức và chịu khó.

“Mình phải hiểu tập tính của ong, nắm rõ thời tiết, mùa nào có hoa gì, ở đâu, để mình di chuyển đàn ong đến đó cho chúng lấy mật thuận tiện hơn. Khi nào thấy ong thiếu thức ăn để mình bổ sung. Ngoài ra, muốn cho đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa...

Quan trọng là để mật đảm bảo chất lượng, phải nắm rõ sản lượng hoa trong vùng có đủ cho ong lấy phấn hay không. Các loại cây trong trong vùng là cây gì, có sử dụng các chất hoá học phun xịt trừ sâu bệnh hay không.

Ong rất nhạy cảm khi thay đổi thời tiết hay chuyển mùa, dễ bị thối ấu trùng, ong trưởng thành cũng dễ bệnh. Nếu ăn phải mật hoa có thuốc bảo vệ thực vật thì đàn ong không thể cứu vãn, thiệt hại rất lớn, có khi mất trắng.

Bà Mạc Thị Thanh Bình (thứ 3 từ trái qua), Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành cùng các hội viên Hội Phụ nữ thị xã Chơn Thành đến nghe chị Thuy (đứng) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong. Ảnh: HT.

Bà Mạc Thị Thanh Bình (thứ 3 từ trái qua), Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành cùng các hội viên Hội Phụ nữ thị xã Chơn Thành đến nghe chị Thuy (đứng) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong. Ảnh: HT.

Ngoài ra, mùa ong đánh mật chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 6 Âm lịch), quãng thời gian sau phải đưa đàn ong về dưỡng rồi chia đàn và nhân giống. Trong lúc chia đàn phải tạo ra một con ong chúa cho mỗi thùng, ong chúa có nhiệm vụ đẻ trứng sinh ra ong thợ để đi hút mật và cân đối các cầu ong trong một thùng”, chị Thuy nói.

Hiện nay, mô hình ong lấy mật của chị Thuy là một trong những mô hình điển hình về phát triển bền vững, thành công với hơn 300 thùng ong mật. Trung bình mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 30 tấn mật ong. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động địa phương. “Tôi đang tiếp tục đầu tư, nâng số thùng ong lên khoảng 500”, chị Thuy cho biết.

Nhờ khỏi nghiệp khá thành công, chị Thuy được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành đánh giá cao, được mời tham gia các buổi họp mặt để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các hội viên, người dân có ý định khởi nghiệp.

Chị Thuy cho biết, kinh tế gia đình ổn định như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn có sự hỗ trợ ban đầu về vốn, kỹ thuật của Hội Phụ nữ, ngành nông nghiệp địa phương. Vì thế, để giúp đỡ các hội viên khác khởi nghiệp và thoát nghèo, chị sẵn sàng hỗ trợ mọi thứ, từ vốn, con giống đến kinh nghiệm.

“Những năm gần đây, phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Chơn Thành phát triển mạnh, nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ nổi bật. Không chỉ phát triển kinh tế bền vững, truyền cảm hứng cho các chị em vươn lên làm giàu chính đáng, mà còn thể hiện người phụ nữ năng động, sáng tạo, làm chủ mô hình kinh tế. Mô hình nuôi ong lấy mật của chị Thuy ở khu phố 2, phường Minh Hưng, Chơn Thành, là một trong số đó. Đây là mô hình mà Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành chọn để chuẩn bị đi thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động”, bà Mạc Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.