| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển bằng lồng tròn HDPE phù hợp quy mô nông hộ

Thứ Ba 16/11/2021 , 20:08 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Nuôi biển trong lồng tròn HDPE kiểu Na Uy được triển khai trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp nông hộ và cần được nhân rộng.

Hết lo sợ bão

Ngày 16/11, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tham quan mô hình nuôi cá giò (hay còn gọi cá bớp) trong lồng tròn HDPE kiểu Na Uy trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi cá giò bằng lồng HDPE của gia đình anh Sỹ. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi cá giò bằng lồng HDPE của gia đình anh Sỹ. Ảnh: Tùng Đinh.

Bãi Tranh, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) là khu vực nuôi biển thuộc vịnh Vân Phong được bao bọc bởi nhiều hòn đảo, với làn nước trong xanh, độ sâu trên 10 m, rất thích hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Tại khu vực này, Trần Ngọc Sỹ, chủ lồng bè ở xã Vạn Lương (Vạn Ninh) đang thả 1.000 cá giò trong lồng tròn HDPE, thuộc dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy”.

Khác với các bè cá truyền thống làm từ gỗ, tre, có hình vuông kích thước 4x4m, lồng HDPE có hình tròn, đường kính 10m, thể tích lồng 500 m3.

Lồng tròn dễ dàng chịu trọng tải khoảng 30 người cùng đứng lên. Anh Sỹ cho biết, lồng nuôi này hoàn toàn do Việt Nam sản xuất nên chúng tôi mua chỉ 180 triệu đồng, giảm hơn nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu.

Đặc biệt, lồng nuôi thông thoáng nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt từ 80 - 90%, cao hơn 10% so với lồng truyền thống. Vì vậy, sau 7 tháng thả nuôi, cá đã đạt trọng lượng xuất bán 5kg/con. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá cá thu mua thấp, chỉ khoảng 120 ngàn đồng/kg nên anh Sỹ chưa thu hoạch. Anh đợi thời điểm gần Tết Nguyên đán Nhâm dần, khi nhu cầu thị trường tăng cao, giá cá tăng mạnh sẽ xuất bán để lãi nhiều.

Anh Sỹ cho biết, mô hình nuôi dễ vận hành, chỉ cần 2 người kéo các dây lồng nuôi lên là có thể thu hoạch, không cần máy móc. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Sỹ cho biết, mô hình nuôi dễ vận hành, chỉ cần 2 người kéo các dây lồng nuôi lên là có thể thu hoạch, không cần máy móc. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng theo anh Sỹ, việc nuôi lồng HDPE cách nuôi không khác gì mấy so với nuôi lồng bằng gỗ. Lồng nuôi với thể tích vừa phải, chỉ cần 2 người thao tác là được nên rất phù hợp cho nông hộ. Cùng với đó, việc chăm sóc và thu hoạch hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá, không cần máy móc cầu kỳ. Đặc biệt, từ khi anh chuyển sang lồng nuôi HDPE, không còn lo sợ bão đổ bộ làm thiệt hại nuôi trồng thủy sản.

Còn ông Nguyễn Xuân Hòa, cũng đang nuôi cá giò trong lồng tròn HDPE phấn khởi cho biết, mô hình nuôi lồng HDPE đã giải quyết được nhiều vấn đề người nuôi trồng thủy sản gặp phải, như tỷ lệ sống cao, chống chịu tốt với gió bão. Với hiệu quả lồng nuôi này, gia đình anh Sỹ cho biết thời gian tới, sẽ tiếp tục nhân rộng thêm vài lồng nữa để phục nuôi tôm hùm có giá trị kinh tế cao.

Từng bước chuyển lồng gỗ sang lồng HDPE

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết: Cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ vào Khánh Hòa đã gây thiệt hại rất nặng nề cho người nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè gỗ ở vịnh Vân Phong.

Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, gió bão xẩy ra thường xuyên hơn, Trung tâm đã nghiên cứu, đặt vấn đề và được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” trên địa bàn tỉnh.

Sau 7 tháng thả nuôi, cá giò đã đạt trọng lượng xuất bán, khoảng 4-5kg/con. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau 7 tháng thả nuôi, cá giò đã đạt trọng lượng xuất bán, khoảng 4-5kg/con. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đó, dự án được triển khai năm 2020 và kết thúc vào năm 2022, với quy mô 6 lồng nuôi. Năm 2020, Trung tâm triển khai nuôi 1 lồng, đã cho thu hoạch 5 tấn cá, lãi gần 100 triệu đồng sau 10 tháng nuôi.

Năm 2021, Trung tâm tiếp tục triển khai 2 ô lồng, hiện cá nuôi được 7 tháng, đạt trong lượng 4 - 5 kg/con, tỷ lệ sống rất cao. Trong năm 2022, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 lồng nữa. Từ đó có cơ sở giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong và người nuôi toàn tỉnh học tập, thay đổi phương thức nuôi biển từ lồng truyền thống bằng gỗ sang lồng HDPE.

“Việc phát triển lồng nuôi HDPE hiện rất có nhiều ý nghĩa, như bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm lồng. Đặc biệt, lồng nuôi này, sẽ chống được bão trên cấp 10. Hơn nữa, lồng nuôi thông thoáng, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh và môi trường”, ông Huỳnh Kim Khánh chia sẻ.

Cũng theo ông Khánh, đây là định hướng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cũng như định hướng của tỉnh Khánh Hòa trong việc chuyển hình thức nuôi từ lồng gỗ sang lồng HDPE trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển sang lồng HDPE.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp Khánh Hòa sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ thay đổi lồng nuôi nhằm tạo cảnh quan môi trường, kết hợp với du lịch và tiến tới nuôi biển xa bờ.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ từng bước chuyển lồng nuôi truyền thống sang lồng HDPE để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, tránh thiệt cho người nuôi. Ảnh: Tùng Đinh.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ từng bước chuyển lồng nuôi truyền thống sang lồng HDPE để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, tránh thiệt cho người nuôi. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trên thế giới, người nuôi dùng công nghệ lồng HDPE trong việc nuôi biển khá phổ biến, đặc biệt như Na Uy có diện tích nuôi biển rất lớn. Tuy nhiên họ nuôi ở quy mô công nghiệp, vì vậy khi áp dụng trong điều kiện Việt Nam sẽ không phù hợp với quy mô nuôi nông hộ. 

“Do đó, chúng tôi đã triển khai quy trình nuôi lồng HDPE phù hợp với điều kiện sinh thái, phù hợp hơn điều kiện ngư dân sản xuất của chúng ta. Cụ thể, quy mô lồng nuôi được thu hẹp lại, một số quy trình cũng được điều chỉnh để phù hợp trong điều kiện sản xuất của ngư dân”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Lê Quốc Thanh cũng đánh giá, mô hình nuôi này rất ý nghĩa và cần được nhân rộng ở các địa phương nuôi biển. Vì vậy trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các diễn đàn để giúp nhiều bà con có thể tiếp cận kỹ thuật nuôi này.

Đối với Khánh Hòa, người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện, đưa bà con ngư dân những nơi chưa tiếp cận kỹ thuật này đến tham quan trực tiếp. Từ đó, những ngư dân nơi đây sẽ chuyển giao công nghệ tại chỗ cho những ngư dân khác.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, sau gần 2 năm triển triển khai dự án, do thấy hiệu quả mô hình mang lại nên bà con nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong đã học tập và làm theo, nhân rộng lên đến trên 100 lồng HDPE. Cùng với đó, hiện một số công ty ở các địa phương khác cũng về đây đầu tư, chuyển hệ thống nuôi bằng lồng gỗ sang lồng HDPE.

Cũng theo ông Khánh, trước đây công nghệ lồng nuôi kiểu Na Uy được Việt Nam học tập, tuy nhiên giá lồng rất cao, quá khả năng ngư dân. Do đó, để có lồng nuôi phù hợp, các doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và thay đổi vật tư, vật liệu phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Do đó, giá mỗi lồng nuôi HDPE giảm so với lồng nhập khẩu Na Uy dưới 50%. Độ bền lồng nuôi trên 20 năm, nếu nuôi hiệu quả chỉ sau 3 năm sẽ thu hồi vốn. Từ đó đã khuyến khích người nuôi phát triển lồng nuôi HDPE trong nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm