| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò trên vùng cát trắng, hiệu quả kinh tế khá cao

Thứ Sáu 30/09/2016 , 08:53 (GMT+7)

Bà con nông dân vùng cát trắng Quảng Trị đang nuôi bò theo mô hình ngày thả rông ngoài bãi, đêm nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Dễ thích nghi

Ông Hoàng Văn Triển, một trong những hộ nuôi bò ở thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong cho biết, bò là loại gia súc dễ nuôi ở những vùng cát dọc biển bãi ngang nên được người dân nuôi nhiều trong thời gian qua.

Nhà ông Triển nuôi bò theo hình thức bán thả, tức là ngày thả rông ngoài bãi cỏ, tối lùa bò về nhốt chuồng. Chuồng trại xây đúng quy cách, theo kích thước, khuôn mẫu được bộ phận kỹ thuật của huyện cung cấp một cách bài bản. Bình thường, việc nuôi bò khá nhẹ nhàng. Chỉ khi vào mùa mưa thì vất vả hơn vì phải đi cắt cỏ, ủ rơm cho bò ăn, chứ không chăn thả được.

Không riêng ông Triển, ở xã biển Triệu Vân, thôn nào cũng có nhà nuôi bò. Nhà ít thì 1 đến 2 con, nhà nhiều cũng trên 10 con. Việc nuôi bò trên cát khá thuận lợi vì thức ăn cho bò ngoài nguồn cỏ tự nhiên, người dân còn tận dụng các phụ phẩm trồng trọt như rau, củ, quả nên tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn.

Anh Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết, xã có 210 hộ gia đình nuôi bò trên cát với tổng đàn bò 525 con, trong đó có khoảng 10 hộ nuôi trên 10 con, 30 hộ nuôi trên 6 con…Hầu hết người dân nuôi theo hướng bán chăn thả và tận dụng nguồn cỏ tự nhiên có sẵn ở địa phương.

Để người dân nắm vững kỹ thuật chăn nuôi bò, xã Triệu Vân đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện mở lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò trên vùng cát. Trong đề án chuyển đổi kinh tế vùng cát sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, xã Triệu Vân đã tiến hành quy hoạch đất để xây dựng 8 mô hình trồng cỏ voi cung cấp thức ăn cho đàn bò. 

Tại thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, gia đình ông Phan Văn Thông là một trong những hộ nuôi bò thành công trên vùng cát. Ông Thông chia sẻ, đàn bò nhà ông nuôi thường xuyên từ 14 đến 15 con, lúc cao điểm khoảng 18 đến 20 con với giống bò vàng Việt Nam, bò lai Sind, bò Zebu…

Đàn bò nhà ông chưa lần nào bị dịch bệnh, bởi ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên nắm rất vững kỹ thuật nuôi. Hiện ông Thông cũng nuôi bò theo kiểu bán chăn thả. Trung bình mỗi con bò nuôi khoảng 2 năm là bán được với giá từ hơn 15 triệu đồng. Đối với người nông dân thì đây là một khoản tiền không nhỏ.

 

Đào tạo nghề nuôi bò

Mới đây, ngư dân Phan Văn Huỳnh ở thôn 8 xã Gio Hải, huyện Gio Linh vừa đến Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Cửa Việt vay 70 triệu đồng để chăn nuôi bò. Theo ông Huỳnh, đây là cách chuyển đổi sinh kế, tạm thời nghỉ đi biển sau sự cố ô nhiễm do Formosa gây ra. Ngần ấy tiền ông Huỳnh mua 3 con bò giống cái hết 50 triệu đồng, còn 20 triệu ông dùng cho việc xây chuồng nuôi bò. Nuôi bò vùng biển bãi ngang đang phát triển mạnh ở địa phương này.

"Mục tiêu của Quảng Trị phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản lượng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 40% vào năm 2020. Việc đưa các giống bò ngoại vào cải tiến đàn bò địa phương không những làm tăng năng suất, giá trị kinh tế cao, mà còn tránh được rủi ro trong SX. Hình thành được đàn bò giống thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương…", ông Hưng chia sẻ.

Huyện Gio Linh hiện có tổng đàn bò hơn 9 ngàn con, trong đó đàn bò trên vùng cát có hơn 2 ngàn con, tập trung ở các xã Gio Mỹ, Gio Mai, Gio Hải, Trung Giang. Những năm qua, giá trị sản phẩm của ngành chăn nuôi hàng năm đều tăng khá trong cơ cấu ngành nông nghiệp huyện. Phát triển chăn nuôi gia súc lớn, trong đó có chăn nuôi bò đã giúp tăng thu nhập, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân.

Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết địa phương này đã xây dựng đề án phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa nhằm giúp nghề chăn nuôi bò phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người chăn nuôi. 

Theo ông Nghi, hàng năm huyện đã tổ chức hơn 30 lớp tập huấn và 10 lớp đào tạo nghề nuôi bò với 1.200 lượt người tham gia. Các nội dung chủ yếu là kỹ thuật chăn nuôi bò như đào tạo dẫn tinh viên, kỹ thuật phối giống nâng cao tầm vóc đàn bò vàng Việt Nam thông qua việc thụ tinh nhân tạo với các giống bò lai Red Sind, Brahaman, thiến bò đực cóc tránh việc lai đồng huyết thống…

Ngoài ra, việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi ngày càng được mở rộng như sử dụng chế phẩm EM, urê để ủ thức ăn, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, xây dựng hầm biogas để xử lý môi trường chăn nuôi, sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo... hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học và bền vững. 

Ông Nghi kiến nghị, để việc chăn nuôi bò trên vùng cát đem lại hiệu quả cao, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo chất lượng nguồn giống đàn bò, quản lý chặt chẽ công tác thú y, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh… Có như vậy người chăn nuôi mới yên tâm sản xuất.

GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng cho biết chăn nuôi bò đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu SX nông nghiệp của tỉnh. Trong đó mô hình chăn nuôi bò trên cát có một vai trò rất lớn trong kinh tế hộ. Thực tế, sau sự cố môi trường do Formosa gây ra thì chăn nuôi bò vùng cát bãi ngang càng được chú trọng hơn.

Xem thêm
Trang trại tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu: [Bài 3] Trang trại vượt qua đỉnh lũ

QUẢNG BÌNH Trong đợt lũ lớn mới đây, dù trang trại của anh Hoàng bị chìm trong lũ và sóng dữ nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu.

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

ThaiBinh Seed sẵn sàng cung ứng giống lúa chất lượng trong vụ đông xuân 2024-2025

Ngày 13/11, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) tổ chức Hội nghị khách hàng vụ đông xuân 2024-2025.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).