| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá lồng bè khó khăn chồng chất

Thứ Tư 25/09/2024 , 19:35 (GMT+7)

Vĩnh Long Những năm gần đây, người nuôi cá ở cù lao An Bình luôn đối mặt với nhiều thách thức do chi phí đầu vào tăng, dịch bệnh và sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng.

Người nuôi cá lồng bè đang gặp khó khi giá thức ăn và con giống liên tục tăng. Ảnh: Hồ Thảo.

Người nuôi cá lồng bè đang gặp khó khi giá thức ăn và con giống liên tục tăng. Ảnh: Hồ Thảo.

Huyện Long Hồ là nơi có số lượng lồng bè nuôi cá nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long, với hơn 1.500 chiếc, tập trung chủ yếu tại khu vực cù lao An Bình. Trong đó, cá điêu hồng là loại thủy sản được nuôi nhiều nhất, chiếm khoảng 80% số lồng bè, còn lại là các loại cá khác như cá trắm cỏ, lươn, cá chạch lấu và cá thát lát cườm.

Ông Lê Văn Sang, gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè hơn 20 năm qua, bộc bạch: "Từ sau dịch Covid-19, giá cá điêu hồng lúc lên, lúc xuống thất thường, bà con nuôi lỗ nhiều hơn lời. Vụ vừa rồi, tôi bán cá được 25.000 đồng/kg, lỗ 1 kí hơn 10.000 đồng. Hy vọng vụ sau gỡ lại, chứ giờ mà nghỉ thì không có tiền trả lãi ngân hàng".

Ông Sang cũng cho biết, nghề nuôi cá ngày càng khó khăn hơn do tỷ lệ hao hụt cao. Trước đây, thả 1 tấn giống có thể thu hoạch 10 tấn thịt, nhưng hiện tại chỉ còn được 7-8 tấn, tương đương tỷ lệ hao hụt 50-70%. Nguyên nhân do môi trường nước biến động, ô nhiễm từ hoạt động đánh thuốc tôm, cá gần bờ khiến cá bị bệnh sốt huyết, thậm chí nổ mắt và không thể bơi nổi.

Để khắc phục, ông phải tạt thuốc tím hoặc treo vôi bột trên đầu nguồn để xử lý nước. Vụ này, ông Sang đã chuyển sang nuôi cá trắm cỏ bởi loại cá này có tỷ lệ hao hụt thấp và ít nhiễm bệnh hơn so với cá điêu hồng.

Theo thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ, diện tích nuôi trồng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt diện tích ao treo đối với cá da trơn tăng 118%, do chi phí đầu vào tăng cao và dịch bệnh hoành hành.

Ông Văn Vui Vui (bên phải) lo lắng bởi cá dễ nhiễm bệnh do ô nhiễm môi trường nước. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Văn Vui Vui (bên phải) lo lắng bởi cá dễ nhiễm bệnh do ô nhiễm môi trường nước. Ảnh: Hồ Thảo.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cho biết, hiện khu vực cù lao An Bình có 500 lồng bè cá phải di dời do nằm trong khu vực sạt lở. Vào tháng 9 năm ngoái, một vụ sạt lở trong đêm đã nhấn chìm bè cá của ông Nguyễn Văn Vui (ấp An Thuận, xã An Bình), gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. 

Hiện tại, ông Vui rất lo lắng vì gia đình ông vừa thả nuôi lại 7 lồng bè cá sau khi thua lỗ và vay ngân hàng 2 tỷ đồng để đầu tư. Ông cho biết khu vực này lòng sông sâu và nước chảy xiết đang có hiện tượng lở đất phía bờ sông. "Trước đây, bà con nuôi cá thua lỗ nhưng còn đất để thế chấp vay ngân hàng. Giờ, sạt lở liên tục và nếu kéo dài vài năm nữa, tôi sợ mình sẽ không còn đất để vay vốn", ông Vui than thở.

Lão nông mong chính quyền sớm hỗ trợ di dời đến khu vực an toàn trước mùa nước nổi năm nay để gia đình an tâm sản xuất.

Khu vực sạt lở từng nhấn chìm bè nuôi cá của người dân cù lao An Bình. Ảnh: Hồ Thảo.

Khu vực sạt lở từng nhấn chìm bè nuôi cá của người dân cù lao An Bình. Ảnh: Hồ Thảo.

Để hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng bè, Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về an toàn sinh học và nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nuôi thủy sản, giúp nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra. Về lâu dài, huyện dự kiến thành lập vùng liên kết chuỗi thủy sản An Bình, đồng thời hợp tác lâu dài với các đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ các sản phẩm an toàn thực phẩm đạt chuẩn VietGAP tại Long Hồ.

Về vấn đề sạt lở, ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Đang khẩn trương di dời khoảng 500 lồng bè nuôi thủy sản ra khỏi khu vực sạt lở tại cù lao An Bình. Các phương án hỗ trợ đang được chuẩn bị để giúp các chủ bè cá di chuyển đến khu vực tạm thời. Hiện tại, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt dự án xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên tại khu vực này.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.