| Hotline: 0983.970.780

Nuôi chim công Ấn Độ sinh sản, vừa bán được giống lại thu cả lông

Thứ Ba 19/01/2021 , 13:06 (GMT+7)

Hiện chim công xanh trưởng thành trên thị trường đang được bán với giá 13 - 15 triệu đồng/cặp, riêng chim công khổng tước và ngũ sắc giá lên tới 20 - 25 triệu đồng/cặp.

Từ 10 con công giống ban đầu mua tại Nghệ An, nay anh Hợi đã nhân đàn lên 300 con trưởng thành. Ảnh: Hoàng Dân.

Từ 10 con công giống ban đầu mua tại Nghệ An, nay anh Hợi đã nhân đàn lên 300 con trưởng thành. Ảnh: Hoàng Dân.

Chim quý nhưng dễ nuôi

Là người đam mê các dòng chim cảnh, anh Trần Huy Hợi ở xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã thử nuôi rất nhiều dòng vật nuôi đặc sản như gà Quý Phi, chim trĩ 7 màu để phát triển kinh tế, nhưng vì đầu ra khó, giá cả bấp bênh, không giúp anh ổn định cuộc sống.

Tình cờ biết được thông tin về mô hình nuôi chim công, dễ nuôi trong khi thị trường khan hiếm, năm 2015 anh Hợi mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi chim công khi lặn lội vào Nghệ An để mua 10 con chim công giống Ấn Độ với giá gần 100 triệu đồng về nuôi.

Với kinh nghiệm nuôi gia cầm sẵn có cùng những kiến thức học hỏi từ sách, báo, internet nên anh Hợi không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình nuôi chim công. Chỉ với 10 con công giống ban đầu, anh đã liên tục tăng đàn, đến nay đàn công của anh Hơi đã lên tới 300 con trưởng thành.

Anh Hợi chia sẻ: “Chim công là động vật hoang dã, những dễ thuần và dễ nuôi. Chim công có sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống cao, trong quá trình nuôi tôi nhận thấy chim chỉ mắc một số bệnh tương tự gia cầm. Đặc biệt, thức ăn cho chim công tương tự như gà, bao gồm chủ yếu là ngô, thóc, rau xanh, thân cây chuối rất dễ kiếm”.

Chim công trắng hay còn gọi là khổng tước hiện có giá bán trên thị trường từ 20 - 25 triệu đồng/cặp. Ảnh: Hoàng Dân.

Chim công trắng hay còn gọi là khổng tước hiện có giá bán trên thị trường từ 20 - 25 triệu đồng/cặp. Ảnh: Hoàng Dân.

Anh Hợi lưu ý, chim công ưa khô ráo vì vậy nơi cho ăn, uống yêu cầu phải sạch sẽ và có hệ thống thoát nước tốt. Diện tích xây dựng của chuồng nuôi cần rộng rãi, có khu che mưa và sân ngoài trời đề chim tắm nắng, bay nhảy.

Lịch phòng vacxin với chim công tương tự như gà, riêng với chim công con có chế độ chăm sóc riêng. Theo đó, khi chim công mới nở đã có khả năng tự ăn như gà con, thức ăn sử dụng 100% cám tổng hợp dùng cho gà. Sau 30 ngày tuổi có thể cho ăn kết hợp thêm ngô, thóc nghiền theo tỉ lệ cám tổng hợp 70%, thực phẩm bổ sung 30%.

Mặc dù được nuôi dưỡng và thuần hóa, nhưng với bản tính hoang dã, người nuôi chim công cần lưu ý xây dựng chuồng trại xa khu dân cư, xa đường giao thông, tạo môi trường yên tĩnh để chim không bị stress, sinh trưởng và phát triển tốt. bên cạnh đó, chim công có bộ lông vũ dày, vì vậy vào mùa hè chuồng trại cần thoáng mát, có bóng cây xanh, tăng khẩu phần thức ăn từ rau xanh.

Chim công nuôi được 24 tháng bắt đầu sinh sản cần tách thành các khu riêng biệt với tỷ lệ 1 trống 5 mái. Mùa đẻ trứng hàng năm của công là từ tháng 3 đến tháng 8, sản lượng trứng hàng năm khoảng 30 quả trứng.

Nuôi chim công sinh sản vừa bán được giống lại có thể tận thu cả lông để gia tăng thêm thu nhập. Ảnh: Hoàng Dân.

Nuôi chim công sinh sản vừa bán được giống lại có thể tận thu cả lông để gia tăng thêm thu nhập. Ảnh: Hoàng Dân.

Nhỏ hay to đều chưa lo đầu ra

Theo anh Hợi, chim công là vua của các loài chim, chim công được ví là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý và nuôi chim công mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Với ý nghĩa đó, hiện chim công trở thành vật nuôi được nhiều hộ gia đình hay những khu du lịch sinh thái, nhà vườn mua về nuôi làm cảnh.

Do thị trường cung cấp con giống còn hạn chế, nên giá bán chim công khá ổn định ở mức giá cao. Hiện tại, trang trại của anh Hợi duy trì 300 con chim công sinh sản, 1 năm anh xuất bán trên 1.000 con chim công giống dưới 30 ngày tuổi với giá bán trên dưới 1 triệu đồng/1 con.

Đối với chim công trưởng thành, anh Hợi bán theo cặp, giá trị được tính theo độ tuổi và phụ thuộc vào độ đẹp, độc lạ của bộ lông chim. Chim công ngũ sắc hội tụ đủ 5 màu giá bán từ 20 - 25 triệu đồng/1 cặp, chim trắng hay còn gọi là khổng tước giá bán 20 triệu đồng/1 cặp, chim công xanh giá 13 - 15 triệu đồng/cặp.

Không chỉ có nguồn thu ổn định từ bán con giống, hết mùa sinh sản, đuôi của chim công đực rụng xuống, anh Hợi thu gom lại bán với giá 10 - 20 nghìn đồng/1 chiếc, còn nếu chế tác thành đồ trang sức như, quạt, đồng hồ, lọ hoa, đồ mỹ nghệ, lông công sẽ có giá cao gấp từ 3 - 5 lần.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.