Đến thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Công ở thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội chúng tôi thấy, hơn 100 con lợn ở đây chăn nuôi trong chuồng hở và từng phải sống chung với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), nhưng vẫn tăng trưởng ổn định.
Không chỉ có vậy, số lợn này còn được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) phân tích mẫu bệnh phẩm 2 lần (cả mẫu môi trường và mẫu máu lợn) đều cho kết quả âm tính - không DTLCP. Ngoài ra trang trại này còn chăn nuôi ngót 1.000 con gia cầm các loại.
Nói số lợn trên đã từng sống chung với DTLCP là do tháng 5/2019 mới đây, anh Công đã phải tiêu hủy toàn bộ 100 con lợn thịt nhiễm dịch (nuôi gọn trong một dãy chuồng). Riêng 90 con lợn thịt và 30 lợn nái bố mẹ nuôi ở 2 dãy chuồng liền kề, anh Công xin để lại, phần vì tiếc công, xót của, phần muốn thử nghiệm cách phòng dịch mà anh mới nghĩ ra, hy vọng có được phép màu nhiệm nào đó?
Bất ngờ sau 4 tháng, kể từ khi phát sinh dịch trên địa bàn, tất cả số lợn anh Công xin để lại, vẫn khỏe mạnh và âm tính với dịch như đã nói ở trên.
Tuy là giải pháp tình thế nhưng đã phần nào ngăn chặn được bệnh dịch. |
Cách phòng dịch của anh Công rất đơn giản và hiệu quả, chỉ cần dùng lưới cước hoặc lưới chắn muỗi inox (loại SUS 304) bao quanh các chuồng nuôi, tuyệt đối không để côn trùng (ruồi, muỗi, gián, chuột...) xâm nhập sinh tồn trong trại lợn.
Nghĩ ra cách dùng lưới bao ngăn côn trùng để phòng dịch, là do anh Công nhận định: côn trùng chính là môi giới lây truyền DTLCP, bởi thường ngày anh vẫn mua khá nhiều cá tạp về chế biến chín, sau trộn lẫn cám ngô, cám gạo cho lợn và gia cầm ăn, đã kéo theo rất nhiều ruồi, muỗi, gián chuột... thường xuyên theo bám trích hút trên các loại vật nuôi, bao gồm cả đàn lợn.
Dù đã phòng ngừa hiệu quả DTLCP như vậy, nhưng anh Công vẫn cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. DTLCP có thể còn lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau. Nên việc tuân thủ chặt chẽ qui trình chăn nuôi an toàn sinh học vẫn được coi là giải pháp phòng DTLCP căn cơ triệt để nhất.
Lưới chắn muỗi quanh chuồng nuôi phòng trách lây nhiễm dịch. |
Vốn là người hiểu biết và giàu kinh nghiệm chăn nuôi, anh Công đã khuyến cáo:
Các hộ nuôi lợn trong trại kín: Cần thiết kế lối đi giữa 2 dãy chuồng là rãnh chứa nước vôi, vừa giúp làm mát và sát trùng, vừa tránh lây chéo giữa các chuồng lợn khi đi lại chăm sóc. Nếu là chuồng 1 dãy cũng nên có rãnh chứa nước vôi trước mặt để đi lại. Cửa vào khu chăn nuôi nên làm 2 khoang, khoang 1 chứa thức ăn (tiện cho việc diệt ruồi, muỗi, côn trùng), khoang 2 là khu chăn nuôi.
Nên chia nhỏ quy mô chuồng thành các ô xây ngăn cách nhau, để khi xảy ra dịch chỉ tiêu hủy từng ô chuồng bệnh, không tiêu hủy toàn trại, vì các ô chuồng khác chưa chắc đã nhiễm dịch, theo đó sẽ giảm thiểu thiệt hại. Chỉ mua cám công nghiệp từ các cơ sở sản xuất có uy tín cao, có chứng nhận không vi rút tả Châu Phi.
Các hộ chưa có điều kiện đầu tư chuồng trại kín (nuôi lợn trong chuồng hở): Chỉ mua cám công nghiệp từ một đại lý nào đó, trước khi sử dụng cần gửi mẫu tới phòng thí nghiệm chuyên ngành, kiểm tra xem cám có hay không vi rút tả Châu Phi.
Nếu hộ tự cung cấp được thức ăn thì phải nấu chín kỹ trước khi sử dụng cho lợn (nấu cho lợn ăn tới khi nào có vacxin tả Châu Phi mới có thể dừng). Không sử dụng nước mặt (ao hồ, sông trục...) cho lợn ăn uống. Tắm rửa chuồng trại phải dùng nước đã khử trùng bằng hóa chất diệt mầm bệnh. Thực hiện tốt qui trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Lối đi giữa hai chuồng là rãnh nước chứa vôi. |
Không để ruồi, muỗi côn trùng xâm nhập chính hút gây hại lợn. Chia nhỏ quy mô chuồng nuôi. Bình tĩnh khi có dịch xảy ra. Chỉ tiêu hủy những ô chuồng nhiễm dịch. Vì bệnh chỉ lây lan qua con đường tiếp xúc. “Nên chăng nhà nước cho tái đàn với các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng dịch”, anh Công kiến nghị.
Chứng minh cho kiến nghị từ anh Công, chúng tôi đã đến nơi phát sinh DTLCP đầu tiên trong cả nước – trại chăn nuôi của anh Lê Văn Thịnh ở thôn Khóa Nhu 2, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên được biết: Ngay sau khi tiêu hủy toàn bộ số lợn trong trang trại, anh Thịnh đã tiến hành vệ sinh tiêu độc trong và ngoài trại nuôi đúng qui định, rồi tiếp tục tái đàn 26 lợn hậu bị bố mẹ, cho ăn bằng bã đậu và cám ngô, cám gạo tự cung cấp, đến nay qua 6 tháng chăn nuôi, cả đàn lợn của anh Thịnh vẫn an toàn và tăng trọng tốt.
“Cách phòng dịch hiệu quả của anh Công đã tạo được ảnh hưởng lan tỏa, giúp các trại chăn nuôi trên địa bàn, cơ bản không còn phát sinh bệnh tả lợn Châu Phi”, ông Bùi Thế Việt - Trưởng thôn Hưng Giáo cho biết.