| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà H'Mông an toàn sinh học

Thứ Sáu 11/08/2023 , 06:36 (GMT+7)

Nuôi gà H'Mông đặc sản theo hướng an toàn sinh học đang là hướng đi mà bà con nông dân ở huyện Thuận Châu (Sơn La) chọn để phát triển kinh tế.

Gà H'Mông là giống gà đặc sản có nguồn gốc từ vùng cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Gà H'Mông là giống gà đặc sản có nguồn gốc từ vùng cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Gà H'Mông có nguồn gốc ở các vùng núi cao, được đồng bào người dân tộc Mông và các dân tộc thiểu số chăn nuôi với mục đích để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Gà H'Mông có nhiều màu lông, nhưng phổ biến là 3 màu hoa mơ, đen, trắng tuyền. Đặc điểm nổi bật nhất của gà H'Mông là xương đen, thịt đen, phủ tạng đen, da ngăm đen và chân đen màu chì.

Tại Sơn La, gà H'Mông được chú ý là vật nuôi từ những năm 1999 - 2000, của người dân đang sinh sống tại các bản làng vùng cao của các huyện như Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu…

Gà được đồng bào các dân tộc Mông thuần dưỡng và là vật nuôi quen thuộc qua nhiều đời nay. Gà không chỉ là món ăn ngon, chắc thịt, mà còn giống như một vị thuốc quý, bổ dưỡng tự nhiên.

Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên, gà tự kiếm ăn trên nương, đồi và chuồng trại thô sơ, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nên gà phát triển chậm và kém năng suất. Người dân cũng không phòng bệnh bằng vắc xin cho gà, nên khi có dịch bệnh xảy ra gà hay bị chết hàng loạt.

Chính vì thế, để bảo vệ giống gà quý, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp bảo tồn và nhân rộng cho người dân nuôi phát triển kinh tế. Để nuôi gà H'Mông mang lại hiệu quả cao thì việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại, chăn nuôi, phối trộn thức ăn, nuôi giun quế để bổ sung dinh dưỡng cho gà, giúp gà tăng trọng nhanh hơn…

Huyện Thuận Châu là địa phương đầu tiên của tỉnh Sơn La triển khai chăn nuôi gà H'Mông theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Toán Nguyễn.

Huyện Thuận Châu là địa phương đầu tiên của tỉnh Sơn La triển khai chăn nuôi gà H'Mông theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Toán Nguyễn.

Huyện Thuận Châu là địa phương đầu tiên của tỉnh Sơn La triển khai việc nuôi gà H'Mông thương phẩm thả vườn đồi, theo hướng an toàn sinh học. Từ năm 2021, đã triển khai mô hình tại 3 bản Nà Muông, Nà Hem và bản Tở của xã É Tòng, với 5 hộ tham gia thực hiện nuôi 3.500 con gà đen H'Mông thuần chủng.

Ban đầu các cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi, như thiết kế chuồng trại, làm quây úm gà, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh cho đàn gà... Chỉ sau 4 tháng nuôi, gà H'Mông đã đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2kg. Đây là điều khác biệt hoàn toàn với cách chăn nuôi thả tự do như cũ, phải mất từ 10 - 12 tháng gà mới đạt trọng lượng 1,5kg.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu phối hợp với các xã trên địa bàn mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà đen H'Mông thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho các hộ thực hiện mô hình và người dân. Từ đó, giúp người chăn nuôi nắm được đặc điểm sinh trưởng, phát triển ở gà, kỹ thuật thiết kế chuồng nuôi, kỹ thuật úm, nuôi dưỡng chăm sóc, biện pháp kỹ thuật phòng và trị một số bệnh thường gặp...

Anh Lò Văn Pâng là một trong những người đầu tiên ở huyện Thuận Châu thành công với mô hình nuôi gà H'Mông theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Toán Nguyễn.

Anh Lò Văn Pâng là một trong những người đầu tiên ở huyện Thuận Châu thành công với mô hình nuôi gà H'Mông theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nuôi gà thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của huyện miền núi như Thuận Châu về đất đai, khí hậu, nguồn nước và lao động. Ngoài ra là tiềm năng để phát triển nuôi thành hàng hóa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Hiện tại, xã É Tòng cũng đã xuất hiện một số mô hình nuôi gà H'Mông có hiệu quả. Như hộ anh Lò Văn Pâng, với quy mô đàn gà khoảng 1.000 nuôi theo hình thức thả đồi.

Anh Pâng chia sẻ, anh là người say mê nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm từ ngày nhỏ, nhưng ngày đó không có điều kiện để thực hiện được ước mơ. Lớn lên, Pâng được đi học nghề khuyến nông, trở về làm khuyến nông viên xã được 10 năm. Đến nay anh nghỉ hẳn việc và tập trung vào chăn nuôi con gà đen H'Mông.

Hiện nay, ở xã É Tòng, huyện Thuận Châu cũng đã thành lập HTX nông nghiệp sinh thái EFARM, với 7 thành viên tham gia, chủ yếu hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó HTX này tập trung chủ lực vào chăn nuôi gà H'Mông thương phẩm, theo hướng an toàn sinh học.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.