Bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi là bản nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cả bản có 121 hộ dân, không còn hộ nghèo từ năm 2018 đến nay, nhiều hộ khá giả có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Ông Đặng Duy Bích - Phó trưởng bản Nghĩa Hưng chia sẻ, khi có chính sách xây dựng nông thôn mới, người dân bản Nghĩa Hưng rất tích cực đóng góp tiền, công sức và hiến đất. Bà con trong bản phần lớn là người dưới xuôi lên khai hoang, nên rất năng động trong phát triển kinh tế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng ngô, cây ăn quả và chăn nuôi. Nhiều người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũ sang các mô hình sản xuất có giá trị từ rất sớm, từ đó tạo thành phong trào phát triển kinh tế.
Một số hộ dân từ hàng chục năm nay đã biết buôn bán, thu gom nông sản trong vùng rồi bán về xuôi, sau đó lại nhập hàng thiết yếu về bán. Nhiều hộ dân tập hợp thành tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nhau sản xuất, tạo vùng hàng hóa; xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi quy mô vài chục con trâu, bò và từ lâu đã biết trồng cỏ làm thức ăn…
Theo như Phó trưởng bản Đặng Duy Bích, có khoảng 1/3 số hộ dân ở bản có thu nhập lên tới hơn 500 triệu đồng/năm. Vì vậy mà Nghĩa Hưng trở thành bản nổi bật trong phòng trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Phù Yên.
Là địa phương vùng cao, nhưng đến nay huyện Phù Yên đã có tới 10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm Gia Phù, Huy Bắc, Mường Cơi, Huy Hạ, Quang Huy, Tường Phù, Tân Lang, Huy Thượng, Huy Tân; Tường Thượng). Bình quân chung toàn huyện Phù Yên đạt 11 tiêu chí/xã; 4 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí.
Địa phương cũng rất quan tâm tới việc rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Bằng chứng là chỉ trong 6 tháng năm 2023, các cấp trên toàn huyện Phù Yên đã ban hành tới 117 văn bản triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhờ những nỗ lực như vậy, hiệu quả của công tác xây dựng nông thôn mới ở huyện Phù Yên là sự thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn, với những con đường nhựa, bê tông hóa vươn dài đến từng ngõ, xóm. Xuất hiện nhiều vùng sản xuất hàng hóa nói chung, trong đó có các vùng trồng cây ăn quả có múi (bưởi, cam), vùng trồng ngô… đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhân dân.
Theo bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, địa phương phải tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, chỉ như vậy mới sớm hoàn thiện được hạ tầng nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế. Từ đó dần dần rút ngắn khoảng cách, chênh lệch về kinh tế, chất lượng cuộc sống của các vùng, miền nói chung. Điều này cũng góp phần mang đến những đổi thay tích cực, mức độ hưởng thụ về văn hóa, y tế, giáo dục của người dân được nâng lên.
Huyện Phù Yên cũng đề ra mục tiêu tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cấp cơ sở, để người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia vào các phong trào xây dựng nông thôn mới.
Về sản xuất, huyện Phù Yên chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh thực hiện liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác theo chuỗi sản xuất và bán sản phẩm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).