| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà lai Đông Tảo 3 máu, lúc nào cũng 'cháy hàng'

Thứ Năm 17/11/2022 , 09:42 (GMT+7)

HƯNG YÊN Gà lai 3 máu với con trống lai Đông Tảo đầu dòng đã rất mau lớn, nuôi 3,5 tháng đã cho xuất chuồng, chất lượng thịt ngon không kém gà lai Đông Tảo.

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà tạm, anh Nguyễn Văn Gắng, chủ trang trại nuôi gà chuyên đẻ ở Văn Lâm, Hưng Yên hồ hởi cho hay, từ đầu năm đến nay, việc chăn nuôi gà khá thuận lợi, cho lợi nhuận rất tốt. Hiện trang trại của anh Gắng nuôi 6.000 con gà đẻ và hậu bị đẻ, bình quân mỗi ngày cung ứng ra thị trường 1.000 giống gà con 1 ngày tuổi. 

Thành công với gà lai 3 máu

Vẫn trong niềm vui được mùa chăn nuôi, anh Gắng kể, nuôi gà liên tục 15 năm nhưng chưa năm nào anh được lãi lớn như năm nay, cứ được như thế này chẳng mấy năm nữa gia đình anh sẽ đổi đời. Những năm trước, cũng có năm được năm thua, nhưng hễ có lãi là anh lại dồn vào cho nâng cấp chuồng trại và mở rộng quy mô đàn gà.

Trang trại chăn nuôi gà khép kín theo hướng công nghệ cao của anh Gắng

Trang trại chăn nuôi gà khép kín theo hướng công nghệ cao của anh Gắng. Ảnh: Hải Tiến.

Nhớ lại những ngày đầu mới chuyển ra khu quy hoạch chăn nuôi của xã, anh Gắng cho biết, lúc đó cả mấy chục hộ ở đây đều coi ao hồ là kế sinh nhai, làm giàu, vì xa xưa nhà nông nước ta đã tổng kết, “nhất canh trì, nhì canh viên”. Riêng anh Gắng lại chọn chăn nuôi gà làm sản xuất chính, có đào ao thả cá cũng cơ bản chỉ để làm hồ điều hòa không khí nội tại khu trang trại chăn nuôi.

Do chọn cho mình một lối đi riêng là nuôi gà nên mọi kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại… anh Gắng đều phải trông đợi vào lực lượng khuyến nông "cầm tay chỉ việc". Được hướng dẫn tận tình như vậy, nhưng thoạt đầu anh cũng chỉ dám nuôi giống gà lông trắng chuyên thịt, số lượng đủng đỉnh 200 - 300 con/lứa, chăn nuôi trong trại hở, vừa để quay vòng nhanh đồng vốn đầu tư, vừa đúc rút thêm kinh nghiệm, sau đó mới mở rộng quy mô đàn gà nuôi lên 1.000 - 2.000 con mỗi lứa.

Cứ từng bước, từ chuyên nuôi gà thịt, chuyển sang nuôi gà đẻ, ấp nở trứng gia cầm và xuất bán gà con, đến nay, anh Gắng đã có được trang trại khép kín, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà, quy mô nuôi thường xuyên 3.000 con chuyên đẻ, 3.000 con hậu bị đẻ.

Lồng chuồng nuôi nhốt gà trống lai Đông tảo đầu dòng

Lồng chuồng nuôi nhốt gà trống lai Đông Tảo đầu dòng. Ảnh: Hải Tiến.

Trong chăn nuôi gà đẻ, anh Gắng cũng có cách làm riêng như chọn cơ cấu đàn gà đẻ, gồm con trống lai Đông Tảo đầu dòng và mái mẹ lông màu thuần chủng Trung Quốc nhập nội, sau đó khai thác tinh gà trống phối cho con mái, tạo ra con giống thương phẩm 3 máu. Theo anh Gắng, gà mái Trung Quốc thuần chủng có nhiều ưu điểm vượt trội so với con mái lai gà Đông Tảo ở chỗ đẻ nhiều và đều, bình quân mỗi con/tháng đẻ được 20 trứng, thời gian cho khai thác trứng kéo dài tới 10 tháng, tỷ lệ đẻ đạt 60 - 70% tổng đàn. Đặc biệt, gà mái sau chu kỳ đẻ hàng tháng không ấp bóng, nên đảm bảo sức khỏe ổn định, ít bị thải loại do gầy yếu, kém đẻ.

Đáng chú ý, con lai thương phẩm lai 3 máu nói trên rất mau lớn, nuôi 3,5 tháng đã cho xuất chuồng, con trống nặng 3 - 3,2kg, mái 2 - 2,2kg, chất lượng thịt ngon không kém gà lai Đông Tảo. Xuất chuồng gà ở trọng lượng này rất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các hộ trong nước, kể cả sử dụng cho các công việc đại sự như lễ hội, cưới hỏi, giỗ chạp, tuần tiết, Tết nhất...

Anh Gắng cho rằng, ăn uống giờ đã bão hòa, tiệc tùng không còn phải mâm cao cỗ đầy như trước. Chẳng hạn với món thịt gà luộc, mỗi mâm chỉ cần bày 1kg/đĩa là vừa. Con gà khoảng 2,2kg, chế biến hao ngót đi còn suýt soát 2kg, chia đôi bày vào 2 đĩa chia ra 2 mâm là vừa khéo.

Gà mái mẹ thuần chủng nhập nội từ Trung Quốc

Gà mái mẹ thuần chủng nhập nội từ Trung Quốc. Ảnh: Hải Tiến.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân, gà con ấp nở từ trại anh Gắng luôn “cháy” hàng. Lợi nhuận chăn nuôi cao. Được biết trong 2 năm xảy dịch Covid-19, hầu hết các trang trại gà trong khu vực đều thâm vào vốn, riêng trại gà của anh Gắng không bị hao ngót chút nào.

“Những năm 2007 - 2012, điện thoại thông minh nối mạng còn là món đồ xa xỉ với các nhà nông, không thể tra cứu thông tin kỹ thuật trên website thuận tiện bây giờ. Vì vậy vai trò của khuyến nông rất quan trọng, ví như "bà đỡ" trong nghề nông ở các địa phương, cơ sở. Nhờ đó tôi mới gặt hái được nhiều thành công như hiện tại”, anh Gắng bày tỏ.

15 năm, chưa dính dịch bệnh nghiêm trọng

Nuôi gà hơn 15 năm nay, nhưng chưa năm nào đàn gia cầm của anh Gắng bị dịch bệnh lớn gây thất thoát kinh tế. Nguyên nhân, do anh Gắng luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình VietGAHP trên gia cầm như tiêm vacxin phòng dịch gà đúng lịch thú y; chọn con giống khỏe; cho ăn đầy đủ dinh dưỡng và các chất khoáng; làm đệm lót sinh học cho trại nuôi; rửa sạch máng ăn, bình uống cho gà hàng ngày; định kỳ vệ sinh tiêu độc chuồng trại…

Gà lai Đông tảo đầu dòng

Gà lai Đông Tảo đầu dòng. Ảnh: Hải Tiến.

Đặc biệt, chuồng trại được xây dựng rất xa các khu dân cư, chăn nuôi theo hướng khép kín, có quạt lưu thông không khí với bên ngoài, có hệ thống làm mát trong và ngoài trại nuôi, đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ luôn thích hợp cho gà tăng trọng và sinh sản. Các trại nuôi gà còn được làm trên mặt ao nuôi thả cá, xung quanh bờ trồng nhiều cây ăn trái. Coi như đây là bí quyết căn bản, giúp trang trại luôn an toàn dịch bệnh, kể cả những năm anh Gắng đang còn chăn nuôi trong trại hở.

Anh Gắng cho biết, trong quá trình nuôi, gà hay mắc bệnh hen và Ecoli nhất, bệnh xảy ra chủ yếu vào lúc thời tiết giao mùa, đang nắng/nóng chuyển sang mưa/lạnh và ngược lại. Theo đó, cần sử dụng các loại kháng sinh đặc hiệu để phòng trị bệnh cho gà theo hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn. Các bệnh khác cứ vacxin phòng dịch đúng lịch thú y là an toàn.

Nhìn mấy người khách đến thăm phải xắn quần đi bộ vào trang trại, anh Gắng ví von, chỉ những tay "lái lụa" mới có thể điều khiển xe máy theo lối mòn độc đạo vào đây. Do đó gần như hàng ngày chỉ có vợ chồng anh ra vào trang trại. Đấy là một nguyên nhân chính giúp trại gà của anh Gắng không dính dịch. “Nhiều người vẫn hỏi tôi bí quyết nuôi gà ít thua lỗ? Tôi bảo, vì đường đất khó đi, nên dịch bệnh hại gà cũng ngại vào lây nhiễm”, anh Gắng nói vui.

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...