Hươu sao đã được thuần hóa và nuôi trong các hộ gia đình ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ lâu. Nhiều gia đình ở đây đã nuôi hươu từ nhiều đời nay. Ngày xưa chăn nuôi hươu phải là những gia đình phong lưu, khá giả.
Họ nuôi hươu không những để lấy nhung (làm thuốc và bồi bổ sức khỏe) mà còn là thú vui với cảnh điền viên. Ngày nay chăn nuôi hươu được phát triển rộng khắp ở Hương Sơn, thực sự là một lĩnh vực SX mang lại lợi nhuận cao – từ việc khai thác tiềm năng, lợi thế ở địa phương.
Về quy mô, toàn huyện Hương Sơn hiện tại có trên 18.500 con hươu. Trong đó các địa phương chăn nuôi hươu nhiều nhất là Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung, Sơn Ninh, Sơn Châu, Sơn Tây, Sơn Kim, Sơn Hồng… Mỗi xã có từ 1.500 – 2.000 con hươu. Đặc biệt như xã Sơn Lâm có hai phần ba số hộ gia đình chăn nuôi hươu. Hiện nay trên địa bàn huyện Hương Sơn có 18 hộ nuôi từ 10 – 30 con hươu, mỗi năm thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/hộ.
Hươu thường ăn các loại lộc, lá cây tự nhiên, ngoài ra có thể bổ sung các loại hạt ngũ cốc ngô, lạc, đậu vào thời kỳ hình thành và phát triển nhung (đối với hươu đực) hoặc chửa, đẻ và nuôi con (đối với hươu cái). Kinh nghiệm cho hay nếu con hươu nào ăn được càng nhiều lá cây tự nhiên ở vùng rừng, núi, nhất là các loại lộc, lá có vị đắng, chát (mà một số động vật có vú khác không ưa thích) như lá xoan, lá ngón, lá chim chim, ngũ gia bì, kim ngân hoa v.v… thì năng suất, chất lượng nhung càng cao, hươu con khỏe mạnh, phát triển nhanh. Có lẽ chính vì vậy mà đàn hươu ở đây có điều kiện phát triển, sản phẩm nhung hươu được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Hiện nay sản phẩm nhung hươu của Hương Sơn đang chủ yếu tiêu thụ ở dạng sản phẩm thô (dùng tươi hay sấy khô) ngâm rượu hoặc cắt mỏng, tán nhỏ nấu cháo ăn để bồi bổ sức khỏe sau ốm hoặc phụ nữ sinh đẻ. Ngoài ra chữa một số bệnh đường ruột (theo bài thuốc cổ truyền). Vừa qua Cty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học – Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu, chế tạo thành công một số biệt dược cao cấp được chiết xuất từ nhung hươu, hiện đang mời gọi liên doanh đầu tư SX.
Mặc dù đang bán ra thị trường sản phẩm thô, song hàng năm trên địa bàn Hương Sơn có khoảng 3 – 4 tấn nhung hươu đều tiêu thụ hết với mức giá bình quân 5 triệu đồng một kilôgam (theo thời giá năm 2008). Mỗi con hươu cái từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm đẻ một lứa, một con cho giá trị từ 4 – 5 triệu đồng. Như vậy, với tiềm năng và lợi thế của Hương Sơn – là huyện miền núi với hơn 80% diện tích rừng và đất rừng – thì việc phát triển chăn nuôi hươu đang là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp và thực sự là con đường làm giàu của các hộ nông dân.