| Hotline: 0983.970.780

Nuôi le le hoang dã

Thứ Tư 05/12/2012 , 13:19 (GMT+7)

Nếu bắt được le le con trong tự nhiên, thì việc nuôi sẽ đơn giản hơn; chúng mau lớn không khác gì nuôi gà thịt và mất đi bản năng quay về với tự nhiên.

Thịt le le là món ngon đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực, có giá 500.000 - 600.000 đồng/con/300gr, nhưng rất hiếm, không đủ số lượng cung cấp cho thị trường.

Với giá bán này, phong trào săn bắt chim hoang dã le le bán cho các nhà hàng diễn ra rầm rộ ở nhiều vùng nông thôn ĐBSCL. Thậm chí ngày càng có nhiều người săn bắt le le tự nhiên không chỉ để làm món đặc sản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường mà còn tìm cách nuôi và cho sinh sản le le như một nghề chăn nuôi mới, có lãi cao; gián tiếp góp phần bảo tồn một loài chim có giá trị kinh tế, vốn có trong tự nhiên nhưng cũng đang ngày một khan hiếm.

Ông Sa Lê (người Chăm) là một trong những người nuôi le le thành công ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang). Đây cũng là một trong những mô hình nuôi le le độc đáo nhất ở miền Tây. Le le là giống chim quen sống trong tự nhiên, nên để thuần hóa, anh không nhốt chuồng mà thả rong cho le le, khoảng vài trăm con, tự do bơi lội tự nhiên trên mặt nước rộng khoảng 1.000 m2. Xung quanh hồ có bờ bao và hàng rào bao bọc, để ngăn chúng về với rừng.

Nếu bắt được le le con trong tự nhiên, thì việc nuôi sẽ đơn giản hơn; chúng mau lớn không khác gì nuôi gà thịt và mất đi bản năng quay về với tự nhiên. Trên bờ anh cất láng trại để cho le le vào làm tổ. Le le đẻ từ tháng 9 và mỗi con đẻ trung bình từ 8 - 10 trứng. Từ lúc trứng nở đến lúc trưởng thành, khoảng 8 tháng là có thể bán thịt.

Theo ông Sa Lê, le le vốn thích sống ở những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, bàu, đầm lầy, nhất là các khu rừng tràm yên tĩnh ít có bóng người qua lại. Le le không những biết bay mà còn bơi lội và lặn rất tài tình. Chúng thường đi ăn thành bầy nhưng rất nhát, vừa thấy bóng người là lặn mất hoặc cao chạy xa bay. Muốn săn đuổi chúng, nhiều người phải tìm cách bao vây hoặc dùng bẫy, lưới mới có thể bắt được.

Trong thiên nhiên, le le thường đẻ vào đầu mùa mưa, nhiều nhất là từ tháng 7 - 8, mỗi con đẻ từ 8 - 15 trứng. Sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn trên khắp các cánh đồng, nhiều nhất là vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Vào mùa này, người đi đồng mỗi khi phát hiện thường vây bắt đem về thuần dưỡng, nuôi như nuôi vịt. Con to nhất nặng khoảng 300gr. So với vịt trời, trọng lượng chỉ bằng phân nửa; nhưng thịt le le ngon hơn, giá trị kinh tế cao gấp hai ba lần vịt trời.

Ngoài việc chăn nuôi, ông Sa Lê còn tìm cách thu mua nguồn le le từ thiên nhiên, gồm le le con và le le thịt đem về nuôi theo kiểu bán hoang dã; đồng thời, ông tuyển chọn ra những con khỏe mạnh để cho sinh sản. Theo ông, chuồng nuôi le le phải thông thoáng, giữa có hồ nước rộng, bên trong trồng nhiều cỏ dại như sậy, lục bình, năn, lác để tạo môi trường hoang dã cho chim trú ẩn và tự làm ổ đẻ trứng.

Thịt le le ngày càng trở nên quý hiếm và giá đắt hơn thịt vịt cả chục lần. Trước đây chỉ là chim hoang hoặc có nuôi chỉ để làm cảnh, thì nay nhiều người dân vùng đồng bằng sông nước đã nghĩ đến cách đưa loài chim này về gia đình, nuôi thuần để có nguồn cung ứng lâu bền cho các nhà hàng, quán nhậu. Đây lại là một nghề mới mà người nông dân có thu nhập đáng kể. 

Trong môi trường bán hoang dã chúng sống rất khỏe mạnh, hầu như chưa bao giờ bị dịch bệnh. Nhằm đảm bảo an toàn, đề phòng chuột, mèo phá hoại, ông đã bao quanh chuồng một lớp hàng rào lưới dày và chắc chắn. Ngoài ra, trước khi thả ông còn cắt tỉa bớt lông cánh cho chim không thể bay cao khỏi lưới rào. Theo kinh nghiệm riêng của ông, le le con bắt từ thiên nhiên sẽ dễ nuôi hơn và mau lớn như gà vịt. Thức ăn chính của chúng là lúa, ngoài ra chúng còn ăn cả rong rêu và lục bình. Sau 8 tháng nuôi, le le sẽ trưởng thành. Hiện nay các thương lái tìm đến trại ông đặt hàng, nhưng không đủ để cung cấp.

Với diện tích chuồng trại gần 1.000 m2, đầu năm 2012, ông Sa Lê đã thả trên 400 con lớn nhỏ, trong số đó có nhiều con đang bắt cặp, đang cho đẻ. Hiện nay, nhiều người đã thu mua le le thịt với giá khá cao 500.000 - 600.000 đ/con) để bán sang Trung Quốc nhưng ông Sa Lê không bán le le thịt mà chỉ bán con giống để nuôi cho sinh sản.

Nhiều nhà hàng đã coi món le le như một món ăn đẳng cấp và thường dành cho giới thượng lưu. Riêng những người sành điệu ẩm thực thì coi le le là “hàng độc”, là món đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực. Do vậy, hiện nay trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản miền Tây đều giới thiệu món le le xào bầu, le le quay nước dừa…và coi đó là món ngon hảo hạng. Lại có người cho rằng thịt le le rất bổ dưỡng, từng là món tiến vua một thời nên ai cũng muốn thưởng thức.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.