| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong du mục, thu hàng trăm triệu đồng

Thứ Tư 10/05/2023 , 18:03 (GMT+7)

YÊN BÁI Vào mùa hoa, người nuôi ong thường phải di chuyển đàn ong hàng trăm km, đổi lại họ cũng thu về hàng trăm triệu đồng.

Hiện đang vào mùa thu mật ong. Ảnh: Tuấn Anh.

Hiện đang vào mùa thu mật ong. Ảnh: Tuấn Anh.

Ong mật có hai giống chính là ong nội và ong ngoại. Ong mật nội là giống ong bản địa, con ong nhỏ, có màu nâu sẫm hoặc vàng, là loài ong bản địa, phù hợp với điều kiện tự nhiên nên được người dân nuôi và phát triển mạnh mẽ. Giống ong ngoại là loài ong nhập từ nước ngoài về, con ong ngoại thường to hơn ong nội, háu ăn và thường xuyên đến phá những tổ ong nội để cướp mật nên không được nuôi phổ biến.

Đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật tại gia đình anh Nguyễn Văn Tiến tại thôn Minh Phú, xã Vân Hội (huyện Trấn Yên, Yên Bái), anh Tiến chia sẻ: Để đàn ong khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo cẩn thận của người nuôi khi chăm sóc đàn ong. Cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong để đảm bảo “nhà” của chúng luôn khô ráo, sạch sẽ nhằm phòng tránh bệnh.

Trong quá trình kiểm tra đàn ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh mặc áo có màu sắc sặc sỡ khiến cho đàn ong bị xáo trộn. Đối với từng thời điểm, cần có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong.

Anh Nguyễn Văn Tiến đang kiểm tra những thùng ong chuẩn bị thu mật. Ảnh: Tuấn Anh.

Anh Nguyễn Văn Tiến đang kiểm tra những thùng ong chuẩn bị thu mật. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại mô hình nuôi ong của anh Tiến, một năm thường có hai mùa khai thác mật ong chính và cho lượng mật cao, chất lượng mật tốt, được mọi người ưa chuộng là mùa mật hoa nhãn và mùa mật hoa bồ đề. Để có những đàn ong khỏe mạnh, sung sức, từ tháng 12 âm lịch, đàn ong cần được chăm sóc cẩn thận. Thay chúa mới là một trong những bước quan trọng quyết định đến sự thành công trong mùa mật mới. Ong chúa khỏe, sinh sản tốt sẽ cho những đàn ong mạnh, năng suất lấy mật cao.

"Vào mùa hoa tôi thường di chuyển đàn ong của mình từ 70 - 100km để khai thác mật theo mùa vụ, mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 1 - 2 tháng. Đến nay, với 70 đàn ong cho, tôi thu từ 500 - 600 lít mật, giá bán từ 250.000 - 300.000 đồng/lít, mỗi năm đem lại thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng", anh Tiến cho biết.

Hiện anh Tiến còn liên kết cùng một số hộ nuôi ong khác thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong mật Vân Hội. Các thành viên trong HTX cùng trao đổi kỹ thuật nuôi, nhân giống ong. Để xây dựng thương hiệu mật ong, năm 2021, sản phẩm mật ong của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm được nâng cao uy tín thương hiệu, được nhiều khách hàng biết đến, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Hiện nay, sản phẩm mật ong của HTX Mật ong Vân Hội không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà còn xuất bán cho một số khách hàng ngoài tỉnh như Lào Cai, Hà Nội…

Những cầu ong căng đầy mật. Ảnh: Tuấn Anh.

Những cầu ong căng đầy mật. Ảnh: Tuấn Anh.

Anh Hoàng Trung Kiên ở thôn Minh Phú (xã Vân Hội) cho biết: "Tôi bắt đầu nuôi ong mật từ năm 2016, đến nay cũng được gần chục năm. Trước đây, không có thị trường tiêu thụ nên mật ong làm ra chủ yếu nhờ người quen bán hộ. Từ khi tham gia HTX Mật ong Vân Hội, nhờ có HTX mà thị trường mở rộng, sản phẩm mật ong được tiêu thụ tốt hơn".

Với 40 đàn ong, từ đầu năm đến nay gia đình anh Kiên đã thu được khoảng 150 lít mật ong, hiện đang mới vào chính vụ hoa bồ đề và hoa rừng nên sẽ cho mật đến khoảng giữa tháng 6 (âm lịch), dự kiến anh Kiên có thể thu được thêm khoảng 120 lít mật nữa. Dự kiến cả năm, anh Kiên sẽ thu được gần 300 lít mật, với giá hiện tại 250.000 đồng/lít, anh thu về khoảng 80 triệu đồng.

Nuôi ong lấy mật không khó, chi phí đầu tư không nhiều, từ khoảng 600.000 - 800.000 đồng là có thể sở hữu một đàn ong giống. Với những người mới nuôi, chỉ cần mua 4 - 5 đàn ong về nuôi sau khoảng 2 năm là có thể nhân giống lên được 20 - 30 đàn.

Nuôi ong mật vất vả nhất là khoảng tháng 7 - 9 hàng năm. Đây là mùa ong rừng (ong săn mồi) phát triển mạnh, chúng thường về phá tổ bắt ong mật làm thức ăn. Mùa này người nuôi ong cần thường xuyên kiểm tra xua đuổi ong rừng, tránh tình trạng ong mật bay bỏ tổ do bị ong rừng phá

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.