| Hotline: 0983.970.780

Nuôi rắn hổ hèo

Thứ Năm 18/07/2013 , 10:26 (GMT+7)

Anh Mai Hữu Tâm không chỉ có biệt tài nuôi và phòng trị bệnh cá sấu thương phẩm mà còn thành công với mô hình nuôi rắn hổ hèo.

Anh Mai Hữu Tâm, ngụ ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) không chỉ có biệt tài nuôi và phòng trị bệnh cá sấu thương phẩm mà còn thành công với mô hình nuôi rắn hổ hèo.

Sau những chuyến lặn lội đi tìm hiểu về nghề nuôi rắn hổ hèo ở nhiều địa phương, giữa năm 2012, anh lên Long An rồi xuống Cà Mau cũng chỉ mua được khoảng 30 con rắn hổ hèo con (còn gọi là rắn ráo trâu) để nuôi thử nghiệm. Do loại rắn này ít được nuôi ở địa phương, nên không ai có kinh nghiệm cũng như rành về kỹ thuật nuôi.

Vì vậy, khi bắt đầu mô hình mới này, anh phải tự mày mò đóng lồng, tìm thức ăn cho rắn, cách chăm sóc… Không ít người ở địa phương đã bàn ra, tán vào chuyện nuôi rắn của anh vì nó quá mạo hiểm. Những lúc như thế, anh chỉ cười, vì có mấy ai biết anh đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện.


Anh Tâm chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn hổ hèo

Anh Tâm chia sẻ: “Người ta nói mình mạo hiểm cũng đúng, vì từ trước tới giờ ở đây đâu có ai nuôi loại rắn này. Nhưng trước khi bắt tay vào nuôi, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về quá trình sinh trưởng, tập tính của loài rắn này từ thực tế”.

Theo anh Tâm, rắn hổ hèo là loại rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, thích ứng với mọi điều kiện nuôi dưỡng. Thức ăn chính của chúng là cóc, ếch, nhái, chuột… nhưng phải còn sống và cứ khoảng 4 ngày mới cho ăn 1 lần.

Để rắn không bị mất sức do tranh mồi với nhau và cũng để cho việc gây giống thuận tiện, anh bắt tay làm chuồng thành từng lồng riêng biệt, chia ra nuôi trong 4 lồng, mỗi lồng đều có cửa, lỗ thông hơi và vật chứa nước cho rắn uống, rồi thả rắn giống vào nuôi.

Với mỗi lồng 5 con, ngoài việc cho ăn, anh chỉ tốn công làm vệ sinh chuồng. Sau 10 tháng nuôi, con lớn nhất ước chừng hơn 1 kg, con nhỏ nhất cũng khoảng 700 gr. Với trọng lượng trên, nếu xuất bán ở thời điểm hiện nay chỉ được giá khoảng 400.000 đ/kg, vì mới vô loại 3. Khi rắn đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,4 kg, sẽ có giá từ 700.000 - 800.000 đ/kg và nếu đạt từ 1,5 kg trở lên, giá trên 1 triệu đồng.

Đối với rắn hổ hèo, ngoài giá trị làm thuốc để chữa bệnh hay bồi dưỡng sức khỏe, còn là vật nuôi có giá trị kinh tế, đem lại nguồn thu nhập cao, tạo việc làm ổn định. Nếu như trước đây, rắn là loài bò sát đáng sợ thì hiện nay, với việc nuôi rắn trong chuồng, tiếp xúc hàng ngày cũng tạo cho chúng thân thiện với con người hơn.

“Đây không phải là loài rắn độc nguy hiểm mà có nhiều công dụng trong y học, nhất là SX thuốc chữa bệnh nên giá thành rất cao. So với trồng lúa, nuôi rắn hổ hèo có nhiều thời gian nhàn nhã để người nuôi có thể đầu tư vào những công việc khác”, anh Tâm chia sẻ.

Anh Tô Ngọc Đấu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Lộc cho biết: “Hội sẽ phối hợp với anh Tâm trong việc theo dõi quá trình phát triển của rắn hổ hèo để đúc kết kinh nghiệm, rút ra quy trình nuôi và nhân rộng mô hình này đến những hộ khác, giúp mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nông dân”.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.