Tại Cà Mau, ngoài tôm, cua là hai loại thủy sản chủ lực đem lại hiệu qủa kinh tế bền vững của tỉnh, thì hiện nay mô hình nuôi sò huyết cũng bắt đầu được nhiều hộ dân phát triển mạnh. Mô hình này đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình ở vùng ven biển.
Mô hình nuôi sò huyết đang tập trung và phát triển mạnh tại các huyện Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển…của tỉnh Cà Mau. Mô hình nuôi sò huyết được nhiều người dân đánh giá là loài thủy sản dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, quan trọng là đầu ra ổn định.
Ông Lê Văn Hướng ở xã Trần Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau) là một trong những nông dân tiên phong với mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm. Hiện nay, mô hình này được nhân rộng với hơn 200 hộ nuôi, chiếm trên 70% tổng số hộ nuôi tôm trong toàn ấp.
Ông Hướng cho biết, trước đây gia đình chủ yếu nuôi tôm cua kết hợp, lúc đầu cũng hiệu quả, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên vài năm trở lại đây thời tiết thay đổi thất thường sáng nắng, chiều mưa thu nhập từ tôm, cua cũng giảm dần. Sau đó, tìm hiểu thông tin thấy mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm thấy thích quá nên tôi chuyển qua nuôi sò huyết tới nay. Hiện nay, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm hiệu quả rất cao. Về đầu ra thì sò huyết luôn ổn định so với các đối tượng khác như tôm, cua.
Ông Lê Văn Dẫn, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau chia sẻ: So với con tôm, con cua thì giá sò huyết lúc nào cũng cao và ổn định hơn. Hiện nay, giá thị trường ổn định ở mức từ 100-130 nghìn đồng/kg loại từ 80 con/kg. "Từ lúc tôi nuôi đến nay cũng được vài năm rồi tôi chưa thấy giá sò huyết dưới 100 nghìn đồng/kg", ông Dẫn nói.
Nói về kỹ thuật nuôi sò huyết anh Nguyễn Văn Quyền, cán bộ khuyến nông xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết: Trước khi thả nuôi sò thì phải cải tạo ao đầm. Thứ hai là chọn giống ở những nơi có uy tín. Khâu quan trọng là công tác quản lý, đối với trời nắng thì hạn chế xả nước ra môi trường bên ngoài vì nhiệt độ cao, sau từ 9 – 10 tháng thì có thể thu hoạch sò huyết.
Ông Trần Hoàng Đạo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cái Nước, cho biết: Hiện toàn huyện có trên 3.200ha chuyên nuôi sò huyết và 6.000ha nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm, cua. Huyện Cái Nước đứng trong nhóm đầu của tỉnh Cà Mau về diện tích và số hộ nuôi sò huyết.
Theo ông Đạo, sò huyết với ưu điểm dễ thích nghi với nguồn nước phù sa, không làm ảnh hưởng đến năng suất khi nuôi xen trong vuông tôm. Đặc biệt là không cần tốn chi phí thức ăn, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ nuôi.
Còn tại huyện Ngọc Hiển, Hội Nông dân huyện cũng tích cực tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân mở rộng mô hình kết hợp nuôi sò huyết trong vuông tôm. Đặc biệt là những hộ dân nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, kết hợp nuôi sò huyết góp phần nâng cao thu nhập từ vài trăm triệu đồng/ha mỗi năm.
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội nông dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cho biết: Để triển khai mô hình này thì trước khi thả nuôi Hội đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện tập huấn kỹ thuật thả nuôi cho bà con. Hướng tới thì khuyến khích bà con thả nuôi trong mô hình tôm sinh thái, vì điều kiện và môi trường đảm bảo để cho sò phát triển tốt.
Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đang mang lại hiệu tích cực cho đời sống người dân tại tỉnh Cà Mau. Tạo động lực cho các hộ dân khác mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế quy mô lớn, đem lại nguồn thu nhập khá ở Cà Mau.
Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, giúp bà con nuôi sò huyết nắm bắt quy trình, kỹ thuật để giảm rủi ro, tăng hiệu quả. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm. Theo đó đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.