Từ bao đời nay, xứ Đồng Ghè, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh vốn chỉ được biết đến là vùng nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, quảng canh quy mô nhỏ, thiếu sự đầu tư và gần như hoàn toàn “ăn may” ở thời tiết.
Khoảng năm 2020 - 2021, Thành ủy, UBND thành phố quyết định quy hoạch, thức dậy xứ Đồng Ghè bằng những quyết sách hỗ trợ về thủ tục hành chính, cho thuê đất, hỗ trợ nguồn giống, kỹ thuật giúp bà con nuôi trồng thủy sản thay đổi tập quán sản xuất, từng bước chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Theo ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh, ngoài việc ưu tiên thử nghiệm nuôi trồng một số đối tượng nuôi mới, thành phố hỗ trợ triển khai nhân rộng các mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn tại vùng nuôi Đồng Ghè.
“Năm 2022, TP Hà Tĩnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND về một số cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung khuyến khích người dân phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao bằng việc hướng dẫn tham gia liên kết, trở thành thành viên các HTX, đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng (đào ao, lót bạt, đắp bờ, làm nhà màng…); ưu tiên cải tạo môi trường để nuôi trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ; cho vay vốn theo chính sách ưu tiên… Đến nay, thành phố đã có hơn 5 ha nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành động lực để tiếp tục xây dựng các mô hình trong thời gian tới”, ông Hưng chia sẻ.
Là mô hình đầu tiên trên địa bàn thành phố đầu tư nuôi tôm 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn, tháng 3/2022 ba con người cùng chung chí hướng là anh Dương Quốc Khánh, Nguyễn Công Bảo và Trần Duy Ngoạn hùn vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng nuôi tôm tại xứ Đồng Ghè.
Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê 4ha đất với thời hạn 20 năm, chủ mô hình xây dựng hệ thống ao nuôi tôm lót bạt; đầu tư bể lắng lọc tuần hoàn nước trước khi đưa vào ao nuôi; bên trên hồ phủ bạt chống nóng cho tôm.
Theo anh Dương Quốc Khánh, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn gồm 1 giai đoạn ương dưỡng, 2 giai đoạn nuôi. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế 3 ao, gồm: ao ươm, ao nuôi giai đoạn 1 và ao nuôi giai đoạn 2. Các ao có diện tích 1.500 - 1.800m2/ao, hình tròn hoặc vuông bằng khung sắt mạ kẽm để chống gỉ, lót bạt HDPE xung quanh. Người nuôi sử dụng công nghệ vi sinh, diệt khuẩn và tảo để làm sạch môi trường cho ao.
Mô hình cũng tiến hành sử dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn (RAS) - là một trong những công nghệ nuôi tôm hiện đại tại Việt Nam hiện nay. Nước sau khi được xả từ ao nuôi và ao lắng lọc rộng khoảng 35 m2 sẽ được xử lý và loại bỏ hoàn toàn phân, tạp chất rồi tiếp tục cung cấp lại cho ao nuôi qua các đường ống, trở thành 1 hệ thống tuần hoàn.
“Ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm nước, tỷ lệ tôm sống cao, đạt trên 85%, có thể nuôi nhiều vụ trong năm (2 - 3 vụ), năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng tôm nuôi được đảm bảo và quan trọng không gây ô nhiễm môi trường nhờ xử lý triệt để phân, tạp chất, vi khuẩn trong nước”, anh Khánh nói.
Đầu tháng 7/2023, mô hình của hộ anh Khánh thu hoạch lứa tôm đầu tiên sau 90 ngày nuôi. Với diện tích tích 5.000 m2, thả nuôi mật độ 150 con/m2, tôm phát triển đạt kích cỡ 38 - 40 con/kg, năng suất đạt hơn 10 tấn. Với giá bán 165.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mô hình này thu lãi hơn 600 triệu đồng.
Hiện vụ tôm thứ hai anh Khánh đã nuôi được gần 60 ngày, với số lượng giống 90 vạn con. Tôm đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
Khi được hỏi về lý do mạnh tay đầu tư nuôi tôm 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn, anh Khánh nói: “Cả xứ Đồng Ghè chỉ được một cái mương vừa lấy nước cấp vào ao nuôi vừa xả nước thải sau khi nuôi ra môi trường nên nguy cơ dịch bệnh gây hại cho con tôm rất cao.
Việc đầu tư hệ thống tuần hoàn nước sử dụng chế phẩm vi sinh sẽ loại bỏ được hết vật chủ trung gian gây bệnh cho tôm và quan trọng, người nuôi chủ động điều chỉnh được các thông số kỹ thuật về nguồn nước nên hạn chế việc sử dụng kháng sinh trên con tôm, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Ngoài mô hình của anh Dương Quốc Khánh, hiện xứ Đồng Ghè đang có thêm 3 mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp, được đầu tư bài bản theo phương châm sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường. Đây là hướng đi tất yếu, phù hợp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, liên kết sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Trước đây, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như: huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân nhưng hiện nay, ở những vùng nuôi bằng ao đất, các chủ ao đầm ở xã Mai Phụ, Hộ Độ (Lộc Hà); xã Kỳ Hà, Kỳ Thư (Kỳ Anh), Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh)… cũng đã mạnh dạn áp dụng, triển khai các công nghệ mới.