Là địa phương ven biển, tỉnh Trà Vinh có đường bờ biển dài trên 65km, mang lại nhiều lợi thế phát triển trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thời tiết và môi trường nuôi thay đổi thường xuyên, khiến nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh.
Với sự định hướng và hỗ trợ từ ngành nông nghiệp địa phương, bà con nông dân huyện ven biển Duyên Hải và thị xã Duyên Hải đã và đang tập trung mở rộng mô hình nuôi tôm sinh thái (mô hình nuôi tôm rừng). Mô hình này vừa góp phần giúp bà con miền biển gia tăng giá trị kinh tế, vừa tăng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn.
Nói về quá trình tiếp cận phương pháp nuôi tôm mới này, nông dân Nguyễn Quốc Anh ở địa bàn xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải kể cho chúng tôi nghe về thời gian gắn bó với cách nuôi tôm truyền thống. Cứ mua tôm giống về rồi thả xuống chờ ngày thu hoạch. Khi tôm được khoảng 20 ngày trở lên tỷ lệ chết rất nhiều. Hơn nữa tôm cũng thường xảy ra dịch đỏ thân, đốm trắng, nên tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 10-15%.
Nông dân Nguyễn Ngọc Vô ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải cũng cho hay, tôm giống một lần thả cả trăm nghìn con, nhưng đến khi thu hoạch chỉ vào khoảng 1.000 – 2.000 con. Chuyển qua mô hình nuôi tôm rừng, tôm được nuôi trong môi trường tự nhiên, nông dân còn phải học thêm kỹ thuật cải tạo môi trường ao nuôi trước khi thả tôm, từ đó mới cho ra được con tôm khỏe, đạt được sản lượng cao.
Để hỗ trợ và khuyến khích mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, vừa qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đã lựa chọn 22 hộ dân ở huyện Duyên Hải tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí giống tôm sú, thức ăn viên công nghiệp, bộ dụng cụ đo môi trường nước, một phần thuốc phòng trị bệnh và hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi. Sau khi tham gia mô hình, bà con nông dân đều rất phấn khởi khi trừ hết chi phí, các mô hình thu lãi hơn 90 triệu đồng/ha, cao hơn gần 60 triệu đồng/ha so với cách nuôi truyền thống.
Nuôi tôm giữ đất, giữ rừng, một số nông dân còn sáng tạo khi kết hợp phát triển du lịch. Đến thị xã Duyên Hải, nhiều du khách cũng không quên ghé thăm vườn sinh thái của ông Lê Minh Nguyện, nằm trên địa bàn xã Trường Long Hòa. Trên diện tích 4ha, ông Nguyện xây dựng mô hình nuôi tôm rừng, kết hợp trồng cây rừng và đào ao để thả nuôi một số loài thủy sản khác. Rồi ông trồng thêm các loại hoa để tạo cảnh quan, mở ra các dịch vụ du lịch miệt vườn như: câu tôm, cua, cá, phục vụ ẩm thực để đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Nguyện tính toán rất kỹ, rừng sẽ chiếm tỷ lệ 40% diện tích và 60% còn lại là phần mặt ao. Theo tính toán của ông Nguyện, chi phí đầu tư cho mô hình nuôi tôm rừng không đáng kể, nhưng mang lại nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.
Nuôi tôm rừng kết hợp du lịch sinh thái là mô hình khá mới và đầy tiềm năng tại tỉnh Trà Vinh. Theo UBND xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, định hướng đến năm 2025, xã sẽ trồng mới khoảng 800 ha rừng, đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, tạo sinh kế bền vững cho nông dân vùng ven biển.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 10.000 ha diện tích rừng, trong đó có hơn 3.400 ha được người dân tự trồng và bảo vệ, kết hợp nuôi tôm. Lợi thế của mô hình nuôi tôm rừng là bà con nông dân có thể chủ động được thời gian thu hoạch tôm. Khi tôm đạt kích cỡ loại I, khoảng 10 con/kg sẽ được tuyển chọn thu hoạch dần. Hơn nữa giá tôm luôn được các đại lý thu mua với mức giá cao hơn khoảng 20% so với tôm nuôi thâm canh.
Ngày 11/3/2022, UBND thị xã Duyên Hải có Quyết định số 390/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn thị xã Duyên Hải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, kế hoạch hướng đến xây dựng và phát triển ngành thủy sản địa phương một cách hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các xã ven biển, các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.