Ngày 29/5, tại tỉnh Trà Vinh diễn ra buổi toạ đàm với chủ đề “Nuôi tôm thẻ chân trắng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Xét ở ấp 17, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh - người nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao, được 3 năm, cho biết: “Mô hình nuôi công nghệ cao trong hồ tròn đảm bảo ATTP vì thả dày và xử lý chất thải rất tốt so với nuôi trong ao đất. Tôi không dùng kháng sinh, chỉ đánh khoáng, men và thuốc vi sinh. Tôm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ”.
Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Để nuôi tôm ATTP trước hết phải chọn địa điểm nuôi. Sau đó mới chọn vị trí nuôi. Vị trí nuôi phải xa khu công nghiệp không có nguồn nước thải. Nguồn nước cấp, thoát phải đảm bảo an toàn. Nếu khu vực rộng thì vùng nuôi phải được các cơ quan thẩm quyền xác định đó là vùng nuôi tôm ATTP.
Đối với người nuôi, điều đầu tiên là không sử dụng hoá chất kháng sinh nằm trong danh mục cấm của Bộ NN-PTNT ban hành theo Thông tư số 26. Trong quá trình nuôi, người nuôi phải thực hiện ghi chép sổ tay, nhật ký hàng ngày để truy xuất nguồn gốc. Nếu có sử dụng kháng sinh thì phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, phải chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng của địa phương.
“Hiện chúng tôi đã làm mô hình tại Sóc Trăng không cần phải sử dụng kháng sinh hoá chất. Hoàn toàn sử dụng chế phẩm sinh học không thôi. Đáp ứng tiêu chí tôm nhanh lớn và ATTP. Nhưng khuyến cáo bà con sử dụng chế phẩm vi sinh. Bà con chú ý phải sử dụng chế phẩm vi sinh tốt. Thứ hai là tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất. Thứ ba, thời điểm sử dụng phải trước khi thả tôm, sẽ tốt hơn đợi đến nước ô nhiễm rồi mới sử dụng vi sinh”, ông Kim Văn Tiêu cho biết.
Hiện nay, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến con tôm. Theo Tổng cục Thuỷ sản, từ đầu năm đến nay đã có gần 16.000 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Đang vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt thay đổi rất lớn giữa ngày và đêm. Biên độ nhiệt dao động cao tôm thường giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh phát sinh do vi khuẩn vi rút xâm nhập. Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng vào lúc giao mùa, ông Kim Văn Tiêu khuyến cáo bà con nông dân nên duy trì mực nước từ 1,5-1,8 m.
Đồng thời phải tạo không khí, quạt nước liên tục để trung hoà nhiệt độ giữa tầng mặt và tầng đáy. Nếu nắng quá thì che lưới lại, giảm bớt nhiệt độ, giảm bớt tảo phát triển. Xi phông đáy ngày có thể 2-3 lần nếu nuôi ao lót bạt hoặc hồ tròn. Bên cạnh đó, nhiệt độ trên 35 độ C thì người nuôi nên giảm 40-50% thức ăn, cho ăn vừa. Mưa to thì phải có ống tràn để gạt bỏ nước mưa, bón vôi để nâng độ pH, đảm bảo mức độ 7,5 - 8,5 cho phù hợp với con tôm.