| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trồng thủy sản ở Cát Bà theo hướng bền vững, thân thiện môi trường

Thứ Ba 14/12/2021 , 20:40 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có hướng dẫn tạm thời đối với việc nuôi trồng thủy sản lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thời gian tới.

Nuôi cá lồng bè tại vịnh Bến Bèo, Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi cá lồng bè tại vịnh Bến Bèo, Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khi được UBND TP Hải Phòng phê duyệt các vị trí nuôi thủy sản lồng bè giai đoạn 2021-2025 tại Cát Bà, Sở NN-PTNT TP Hải Phòng đã có văn bản hướng dẫn tạm thời đối với vấn đề này theo hướng hướng thân thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà phải thực hiện đăng ký và bảo đảm hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển được an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Việc nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.

Bên cạnh đó, cơ sở nuôi cá lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản khu vực biến được cơ quan có thẩm quyền cho phép cũng như có quyết định giao, cho thuê khu vực biến nuôi trồng thủy sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về cơ sở vật chất phục vụ nuôi thủy sản lồng bè và an toàn thực phẩm trong kỹ thuật nuôi phải đảm bảo an toàn, không có mối nguy làm ô nhiễm môi trường và khu vực nuôi.

Thời gian tới, việc nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Cát Bà sẽ được thực hiện theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quang Dũng.

Thời gian tới, việc nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Cát Bà sẽ được thực hiện theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quang Dũng.

Với vật liệu, thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi, việc thiết kế lồng, bẻ đảm bảo dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di dời, lắp đặt, chịu được sóng gió, an toàn cho người lao động và khuyến khích có khả năng đánh chim khi có bão.

Còn vật liệu làm lồng, bè, phao nổi phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được công bố tiêu chuẩn cơ sở hoặc hợp chuẩn, hợp quy theo quy định cũng như đảm bảo chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với sóng, gió, các chất khử trùng, tiêu độc và không ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, thời gian tới, theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT, các cơ sở nuôi trồng được khuyến khích ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng, phao nổi bằng vật liệu nhựa HDPE, còn động cơ và thiết bị máy móc sử dụng phải đảm bảo không rò rỉ xăng, dầu ra môi trường.

Các cơ sở không được sử dụng phao xốp trực tiếp hoặc bọc bằng bạt, lưới làm phao nổi, còn khung lồng, phao, lưới phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường và có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy.

Riêng với các công trình phụ trợ, khu ăn, nghỉ, sinh hoạt của người lao động phải sạch sẽ và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kho chứa thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi thủy sản phải có mái che, thông thoáng, không ẩm ướt, ngăn được côn trùng và động vật gây hại.

Các cơ sở nuôi trồng được khuyến khích ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng, phao nổi bằng vật liệu nhựa HDPE, không sử dụng các vật liệu như hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.

Các cơ sở nuôi trồng được khuyến khích ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng, phao nổi bằng vật liệu nhựa HDPE, không sử dụng các vật liệu như hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.

Mỗi cơ sở phải lắp đặt thùng rác có nắp và chuyển đến nơi thu rác tập trung, nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết, không xả rác, thủy sản chết và các loại chất thải ra vùng nuôi và môi trường nước tự nhiên làm ảnh hưởng đến cảnh quan và ô nhiễm môi trường.

Ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, trong giai đoạn tới đây, các hộ đăng ký nuôi thủy sản phải cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng trị bệnh, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường.

Mặt khác, trong quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới để lồng nuôi luôn được thông thoáng, sạch sẽ, hàng ngày theo dõi môi trường nước và hoạt động của đối tượng nuôi, nếu thấy môi trường nước xấu, cá kém ăn hoặc xuất hiện bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời và không di chuyển đổi tượng nuôi từ lông, bè này sang lổng, bè khác khi đang có bệnh xảy ra.

Các chủ cơ sở nuôi chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường dùng cho nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam, còn hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc kháng sinh phải xác định rõ tác nhân gây bệnh, sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật.

Về thu gom rác thải được thực hiện nghiêm túc, rác phải được thu gom để xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, nguồn nước. Các cơ sở không xả rác, thức ăn thừa, thủy sản chết, xuống khu vực lông, bè và môi trường xung quanh.

Việc nuôi trồng thủy sản lồng bè đang được tổ chức lại theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường. Ảnh: Quang Dũng.

Việc nuôi trồng thủy sản lồng bè đang được tổ chức lại theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường. Ảnh: Quang Dũng.

“Cơ sở nuôi phải ghi chép việc sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường, khi đối tượng nuôi chết do bệnh hoặc do các nguyên nhân khác thì phải thu gom, đưa ra khỏi vùng nuôi và tiêu hủy theo đúng quy định. Khi có hiện tượng đối tượng nuôi chết bất thường hoặc dịch bệnh, có dấu hiệu lây lan thì hộ nuôi phải thông báo với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý chuyên môn liên quan để có hướng xử lý kịp thời”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo UBND huyện Cát Hải, trên các vịnh của quần đảo Cát Bà hiện có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể, 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở.

Các cơ sở này tập trung tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu, vịnh Gia Luận, trong đó, có 371 cơ sở nuôi có chủ là người có hộ khẩu Hải Phòng, 69 cơ sở có chủ cơ sở là người từ các địa phương khác.

Sau khi thực hiện tháo dỡ, theo đề án của Sở NN-PTNT Hải Phòng, vị trí neo đậu nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thời gian tới sẽ tập trung tại 2 khu vực.

Trong đó, khu vực từ cửa Hang Vẹm đến Vụng O vịnh Bến Bèo thuộc thị trấn Cát Bà, diện tích quy hoạch nuôi là 41 ha, bố trí khoảng 118 cơ sở nuôi với 1.888 ô lồng. Còn tại bến Gia Luận, diện tích quy hoạch nuôi là 15 ha, bố trí khoảng 12 cơ sở nuôi với 192 ô lồng.

Ông Hoàng Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, trước mắt, mỗi hộ được nuôi với quy mô 16 lồng và 2 ngôi nhà nổi để trông coi.

Huyện Cát Hải đã mời doanh nghiệp thiết kế lồng bè theo hướng thân thiện môi trường, cảnh quan, với mức giá trung bình khoảng 500 triệu đồng/1 hộ.

Vấn đề vốn, huyện Cát Hải đang đề xuất UBND TP Hải Phòng có chính sách cho các hộ nuôi cá lồng bè được vay ngân hàng dưới 1 tỷ đồng với ưu đãi được hỗ trợ lãi suất 3 năm đầu.

Các hộ nuôi các lồng bè ưu tiên là người Cát Bà sẽ được giao mặt nước, không phải mất tiền thuê hàng năm, với những hộ không phải người Cát Bà thì sẽ phải đấu thầu và trả tiền thuê mặt nước theo quy định.

Xem thêm
Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 3] Sắp xếp lại lồng bè

Các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sẽ bố trí, sắp xếp lại lồng bè, lập đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản để người dân yên tâm sản xuất.

Cảng cá sửa chữa kéo dài, ngư dân Quảng Bình đôn đáo tìm nơi cập bến

QUẢNG BÌNH Hiện chỉ còn cảng cá Nhật Lệ phục vụ nên tàu của cá ngư dân Quảng Bình phải ‘tăng bo’ đến các cảng cá tỉnh bạn để bốc dỡ hàng…

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển