| Hotline: 0983.970.780

Nuôi và xuất khẩu tôm hùm buộc phải thay đổi: Cần sớm khắc phục

Thứ Tư 25/09/2019 , 09:07 (GMT+7)

Để tôm hùm đi vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, các địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp hướng dẫn người nuôi tuân thủ quy hoạch, theo hướng an toàn sinh học, đồng thời hỗ trợ DN tham gia xuất khẩu đáp ứng các hồ sơ, thủ tục theo quy định của thị trường này.

Nuôi tôm hùm đi vào quy củ

Có thể nói, nơi “bát nháo” nhất trong hoạt động nuôi tôm hùm lồng ở khu vực Nam Trung bộ là tại vịnh Xuân Đài thuộc TX Sông Cầu (Phú Yên).

17-38-58_1
Nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, Phú Yên) phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Kim Sơ.

Vịnh Xuân Đài được UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch diện tích mặt nước biển nuôi tôm hùm là 747ha, trung bình 1ha nuôi 30 lồng, vị chi vịnh Xuân Đài chỉ “kham” nổi khoảng 22.500 lồng nuôi. Ấy vậy nhưng diện tích lồng bè nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài hiện đã tăng nóng đến hơn 1.440 bè nổi và gần 83.750 lồng nuôi.

Trước thực trạng quá tải như trên, tôm nuôi bị chết do ô nhiễm nguồn nước đã đành, sống trong môi trường như thế những con tôm sống sót sẽ khó đảm bảo các tiêu chí về ATVSTP mà phía Trung Quốc đang yêu cầu nghiêm ngặt.

Do vậy, theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ngay trong năm 2019, tỉnh này sẽ quy hoạch lại việc nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài, yêu cầu bảo đảm mật độ lồng nuôi không quá 60 lồng/ha theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT); đồng thời, giảm dần diện tích quy mô đến năm 2020 và giữ nguyên đến năm 2030 số lồng nuôi dưới 20.000 lồng.

Bên cạnh đó, ngành chức năng ở Phú Yên cũng đã tuyên truyền những nguyên nhân khiến tôm hùm bị “tắt” đầu ra đối với thị trường Trung Quốc khi XK bằng đường tiểu ngạch; phổ biến, hướng dẫn những việc cần phải làm cho người nuôi tôm hùm trên địa bàn biết để thực hiện.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, tỉnh cũng đã phổ biến các quy định, hồ sơ, thủ tục XK chính ngạch cho các doanh nghiệp XK tôm hùm. Đồng thời, ngành thủy sản đang tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các quy định quản lý mới trong nuôi trồng thủy sản, như hộ nuôi phải thực hiện đăng ký nuôi, cam kết hoặc đăng ký chứng nhận nuôi trồng ATVSTP, đăng ký cấp phép nuôi biển.

17-38-58_2
Tôm hùm muốn XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc phải đảm bảo nhiều yêu cầu, nhất là về VSATTP. Ảnh: Kim Sơ.

“Đây là cơ sở để hướng đến chứng nhận tính pháp lý cho các vùng nuôi theo quy hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu về XK chính ngạch cho các sản phẩm thủy sản. Đồng thời vận động các DN, cơ sở thu mua xây dựng các chuỗi liên kết với các hộ nuôi để chủ động quản lý chất lượng và nguồn cung hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu để XK tôm hùm chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác”, ông Phương chia sẻ.
 

Doanh nghiệp phải vào guồng

Trong thời gian vừa qua, có lẽ những người thấm đòn nhất trong sự cố tôm hùm XK sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch là thương lái ở Khánh Hòa. Bởi, đến cuối tháng 8/2019, tại cửa khẩu Móng Cái vẫn còn tồn đến 123 tấn tôm hùm chưa đi được vào thị trường Trung Quốc, sự thể này đã khiến các thương lái lao đao vì thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, việc tôm hùm rớt giá đã được đơn vị thông báo cho các địa phương và người nuôi biết, đồng thời nhấn mạnh không chỉ Trung Quốc, mà thị trường các nước khác đang muốn Việt Nam phải XK thủy hải sản bằng đường chính ngạch, để truy xuất nguồn gốc.

“Vừa qua trước tình hình tôm rớt giá và DN xuất hàng gặp khó, lãnh đạo Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, hướng dẫn người nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Về quy trình nuôi, hiện Chi cục đã triển khai cho các địa phương và khuyến cáo người nuôi phải tuân thủ các quy định, để sản phẩm đủ điều kiện xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, ông Chánh chia sẻ.

17-38-58_3
Để sản phẩm được thuận lợi khi xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, người nuôi phải tuân thủ hướng dẫn của ngành chức năng. Ảnh: Kim Sơ.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh này có gần 50 DN chuyên thu mua và XK tôm hùm, ốc hương sang thị trường Trung Quốc. Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua đơn vị đã tổ chức làm việc với một số DN để nắm bắt tình hình; cũng như thông báo, hướng dẫn cho các DN hoàn thành các thủ tục theo quy định từ phía Trung Quốc để xuất hàng thuận lợi.

Cũng theo ông Việt, đối với mặt hàng thủy sản, để xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các DN, cơ sở SX phải có tên trong danh sách được phép XK do Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) công nhận, từng lô hàng phải có chứng thư. Và, để được cấp chứng thư, các lô hàng phải lấy mẫu kiểm định các chỉ tiêu vi sinh và hóa học theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, trong đó yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với các chỉ tiêu kháng sinh.

“Hiện nay chúng tôi đã phổ biến các yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc cho các DN. Khuyến cáo các DN muốn XK chính ngạch thì việc cần làm trước mắt là phải xây dựng nhà xưởng, sau đó phải được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh kiểm tra cấp mã cod XK; cũng như xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, bao bì, nhãn mác, thông tin về sản phẩm truy xuất nguồn gốc, phân tích đánh giá các chỉ tiêu theo yêu cầu XK”, ông Việt nhấn mạnh.

Lâu nay các DN thu mua tôm hùm xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Một số hướng dẫn nuôi tôm hùm đảm bảo ATVSTP:

Địa điểm thả nuôi phải tuân thủ theo quy hoạch của địa phương, xa khu vực chứa, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải và các nguồn gây độc hại từ hoạt động của các ngành kinh tế khác, đảm bảo ATTP đối với thủy sản nuôi.

Con giống phải có giấy chứng nhận kiểm dịch theo yêu cầu; thả giống đúng lịch mùa vụ của địa phương và chất lượng giống đảm bảo yêu cầu với từng đối tượng nuôi.

Thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được SX tại cơ sở SX có giấy chứng nhận đủ điều kiện SX theo quy định; đã công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy theo quy định; còn hạn sử dụng; không chứa chất bị cấm sử dụng theo quy định. Vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng theo hướng dẫn của nhà cung cấp, nhà SX.

Về thuốc thú y thủy sản phải được sử dụng theo hướng dẫn của nhà SX, đơn thuốc của cá nhân hành nghề thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; không sử dụng nguyên liệu thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh; không sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bị cấm sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Hộ nuôi phải có nơi chứa, xử lý chất thải và tách biệt với khu vực nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Ghi chép hoạt động sản xuất từ thả giống đến quản lý thủy sản nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Vướng mắc cần được tháo gỡ

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa, hiện nay trên địa bàn tỉnh này đã có 3 doanh nghiệp được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Trung bộ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (mã cod xuất khẩu), đồng thời đã gửi danh sách qua phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các DN nói trên vẫn chưa có tên trong danh sách được phép XK sang Trung quốc, do đó, hiện các DN nói trên vẫn chưa có lô hàng nào được XK sang thị trường này. Đây là vướng mắc cần được tháo gỡ.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất