Thường thì chim yến chỉ sinh sống và làm tổ ngoài đảo giữa biển khơi hay ở những vùng ven biển, nhưng loài chim “quý tộc” này còn dập dìu trên những cánh rừng biên giới huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
TÁO BẠO
Một buổi chiều, trong chuyến đi công tác về vùng cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên, chúng tôi tình cờ thấy căn nhà cao chót vót, nổi bật giữa vùng quê biên giới. Lại gần, bất chợt nghe những âm thanh ríu rít, rộn rã của hàng trăm cặp chim yến.
Không khỏi tò mò, tôi hỏi thăm mới biết, đây là căn “biệt thự” dành cho yến của anh Trần Văn Hạnh, 56 tuổi, một nông dân Việt kiều Campuchia ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Anh cho biết, do công việc kinh doanh nên thường xuyên sang vùng Krết, tỉnh Kông Pông Chàm, Campuchia thấy rất nhiều chim yến đậu trên cây thốt nốt.
“Nếu tính đường chim bay thì từ đây về đến Tân Lập chỉ vài cây số. Sao mình không thử “dụ” chúng về với mình? Tôi nuôi ý tưởng từ đó. Có lẽ đây là một ý tưởng “điên rồ” và… lạ đời, bởi người ta chỉ dám đầu tư hàng tỷ đồng xây nhà cho yến ở vùng biển, ven biển chứ ai dám bỏ cả đống tiền cho việc làm ngược đời là “dụ” chim từ biển bay lên vùng rừng núi này?
Nhưng, tôi vẫn liều một phen, mời chuyên gia nuôi chim yến từ Khánh Hòa lên khảo sát, tư vấn và hướng dẫn xây nhà nuôi yến”, anh Hạnh kể.
Qua tìm hiểu những tài liệu trên mạng internet và tư vấn của chuyên gia, anh Hạnh cho biết loài chim yến thích sống ở nơi sạch, đẹp, yên tĩnh nên trong năm 2011 anh quyết định mua một phần đất nằm khuất sau quốc lộ 22 đối diện nhà anh ở để xây ngôi nhà lầu 5 tầng, diện tích hơn 1.000 m2, tổng số tiền đầu tư gồm xây nhà, hệ thống giữ nhiệt độ, hệ thống âm thanh… hết hơn 3 tỷ đồng.
“Là “biệt thự” cao sang, nhưng nội thất bên trong thì tối như mực, vì nếu có ánh sáng thì chim yến không ở và dĩ nhiên... phá sản ngay”, anh Hạnh vừa nói vừa rọi đèn pin dẫn đường cho chúng tôi bước vào quan sát từng đôi chim yến nằm ấp trứng trên tổ cặp theo trần nhà.
Căn “biệt thự” tiền tỷ dành cho chim yến ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên của anh Trần Văn Hạnh
Để biết nơi nào chim xây tổ nhiều thì phía dưới nền có rất nhiều phân yến, và tuyệt đối không được hốt dọn hoặc đem bán, dù 1 kg phân chim yến có giá khoảng 20 USD, anh Hạnh “bật mí” thêm.
“Các anh là những người đầu tiên và may mắn được tận mục sở thị nhà nuôi yến, bởi vì ngoài chủ nuôi ra thì không có người lạ nào được bước vào, vì có hơi người lạ là chim yến cũng bỏ đi ít nhiều”, anh Hạnh cười bảo.
VÀ THÀNH CÔNG
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, vợ anh Hạnh kể, sau khi nhà xây xong, lo lắng vì không biết tiền tỷ bỏ ra xây nhà mà chim yến có về hay không, cho nên cứ mỗi buổi chiều đến, cả hai vợ chồng cũng ngồi trước cửa nhà nhìn ngóng sang nóc nhà lầu 5 tầng để đếm xem số lượng chim yến rủ nhau bay về được bao nhiêu cặp.
Lúc đầu thấy được là hai cặp quần lượn trên nóc nhà, dần dần mấy ngày sau thì có 5 - 6 cặp chim vào ở, vợ chồng anh thở phào như trút được gánh nặng. “Giờ thì nhiều lắm, không đếm nổi nữa”, chị Dung phấn khởi nói.
Những chú chim yến đang ấp trứng bên trong căn “biệt thự”
Trung bình mỗi tháng chị mở cửa “biệt thự” để thu hoạch tổ yến một lần, nhưng trong khoảng thời gian đầu thì 2 tháng mới thu hoạch 1 lần, vì sau khi xây tổ rồi đẻ trứng và ấp nở thì cả gia đình yến bay đi sẽ có chim yến khác đến xây thêm tổ để đẻ, những tổ yến như thế này rất nặng cân và chất lượng rất tốt.
Theo tính toán của anh Hạnh từ khi xây xong nhà nuôi yến thì đến năm thứ 3 (năm 2013 này) thì trung bình mỗi tháng thu hoạch được 1 kg tổ yến, nhưng hiện nay mỗi tháng anh thu hoạch được gần 5 kg tổ yến.
Tổ yến thô giá dao động từ 40 - 45 triệu đồng, trong khi tổ yến hồng hoặc yến huyết có giá từ 80 - 110 triệu đồng/kg. Hiện tại tổ yến của anh Hạnh chưa bán cho các công ty SX các sản phẩm từ tổ yến trong và ngoài nước, chỉ bán cho những người thân quen, các gia đình có nhu cầu cần thiết.
“Hiện đàn chim yến của anh Hạnh đã phát triển với một số lượng đáng kể. Hiệu quả về kinh tế trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào sự “định cư” của đàn này. Dù biết rằng nuôi chim yến cho hiệu quả cao, nhưng đây là một mô hình mới, địa phương đang theo dõi, chưa thể khuyến khích mọi người thực hiện vì đầu tư vốn rất lớn”, ông Trần Đình Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập. |