| Hotline: 0983.970.780

Ổ dịch ở Hải Dương có liên quan đến biến chủng siêu lây nhiễm B117

Thứ Sáu 29/01/2021 , 17:57 (GMT+7)

Cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất.

Bên trong trung tâm y tế Thành phố Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: BYT.

Bên trong trung tâm y tế Thành phố Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: BYT.

Ngày 29/1, Bộ Y tế có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, sau 57 ngày không có dịch trong cộng đồng, ngày 27/1 tại Hải Dương, Quảng Ninh đã phát hiện ổ dịch mới trong cộng đồng. Trong đó, những trường hợp ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp nữ công dân Việt Nam được khẳng định tại Nhật Bản đã nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể “siêu lây nhiễm” B117.

Trước tình hình diễn biến hết sức nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương, duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng; đánh giá lại theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Đồng thời, cập nhật kết quả trên phần mềm trực tuyến, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại và tiếp tục rà soát, củng cố thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh. Nghiêm túc triển khai “Thông điệp 5K”; giao thủ trưởng đơn vị thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu cần triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm. Cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế.

Rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Phối hợp với cơ quan Kiểm soát bệnh dịch các tỉnh hoặc các bệnh viện có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế.

Đối với các bệnh mạn tính với thời gian điều trị dài, các cơ sở y tế cần thực hiện việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị tối đa 3 tháng cho tất cả các đối tượng.

Xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh để phát hiện sớm, ngăn ngừa, cách ly triệt để, tuyệt đối không để dịch Covid-19 lây lan trong các bệnh viện; lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên người bệnh nội trú trong bệnh viện, ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao.

Ngoài ra, Bộ Y tế lưu ý đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng cần tổ chức điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. Nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất.

Cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Khám phá 5 lợi ích vàng của mứt vỏ bưởi đối với sức khỏe

Mứt vỏ bưởi không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giảm cân, tăng đề kháng và bảo vệ tim mạch.

Bình luận mới nhất