| Hotline: 0983.970.780

OCOP sau 3 năm và câu chuyện Thánh Gióng

Thứ Sáu 31/12/2021 , 15:47 (GMT+7)

Chương trình OCOP đang tạo ra động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Ông Đặng Văn Cường (VP Điều phối NTM Trung ương) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Chương trình OCOP đang thực sự tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Nhìn nhận lại kết quả thực hiện Chương trình quy mô quốc gia này, PV đã có buổi trao đổi với ông Đặng Văn Cường - chuyên gia từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

- Ông có thể nhận xét về kết quả triển khai Chương trình OCOP năm 2021 thế nào?

Ông Đặng Văn Cường:

Khép lại một năm 2021 đầy khó khăn, biến động, tới giờ này, tất cả chúng ta đều đã thấm với sự tàn phá của Covid-19 với nhiều mất mát, đau thương, nhiều cơ sở sản xuất đã phải chuyển đổi mô hình, thay đổi sản phẩm chiến lược, thậm chí phá sản.

Tăng trưởng kinh tế chung của cả nước chậm hẳn lại, một lượng lớn lao động thất nghiệp từ các đô thị, khu công nghiệp đang quay trở lại các vùng quê, tạo áp lực cho khu vực nông thôn. Nhiều lĩnh vực lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy, nhất là du lịch, một ngành mà chỉ năm 2019 thôi còn có quy mô gần 720 ngàn tỷ đồng, năm nay sụt giảm xuống dưới con số 200.

Đây lại là ngành tôi ví như bà đỡ mát tay tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Điều đó cho thấy OCOP cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với một chương trình mới chỉ triển khai được 3 năm. Nhưng các bạn biết câu chuyện Thánh Gióng rồi đấy, chỉ mới 3 tuổi nhưng đã làm nên huyền thoại, và chỉ khi đất nước thực sự khó khăn, chỉ khi “triều đình” mời gọi, chỉ khi cộng đồng dồn sức lo thêm cơm, gạo, ngựa, áo... cậu bé ấy mới trổ hết được tài năng của mình.

Ông Đặng Văn Cường - Chuyên gia từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Ông Đặng Văn Cường - Chuyên gia từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

OCOP năm 2021 tuy bị hạn chế về các hoạt động trực tiếp như tổ chức các hội chợ truyền thống, lễ hội, đi lại giao thương, tham quan học hỏi... nhưng làm OCOP không phải làm thời vụ, không phải mỗi chuyện bán hàng, chúng ta đã làm được rất nhiều việc cũng như còn rất nhiều việc cần làm hiện nay để tạo nền tảng cho một chiến lược dài hạn.

Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 5.693 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, có 93 sản phẩm đạt và tiềm năng đạt 5 sao, gần 2.000 sản phẩm OCOP được bảo hộ tài sản trí tuệ, trong đó chủ yếu là bảo hộ nhãn hiệu.

Nghe thì nó chỉ là con số, nhưng đằng sau đó là cả một khối lượng công việc rất lớn, không phải chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, mà là của gần chục ngàn doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất khi tham gia vào chương trình OCOP. Nó đang làm thay đổi rất lớn tư duy về sản xuất, về kinh doanh, nó giúp các chủ thể OCOP nhận thức rõ hơn nhiều về vấn đề thị trường, về mẫu mã bao bì, về quản trị kinh doanh, về sở hữu trí tuệ, về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Tôi hay lấy ví dụ, một người bình thường khi thấy cháy thì thường sẽ lấy nước để dập. Nhưng nếu được trang bị kiến thức, khi thấy cháy mà do xăng dầu, họ sẽ lấy chăn để dập thay vì đổ nước. Làm OCOP cũng vậy, quá trình tham gia OCOP sẽ giúp các chủ thể tìm hiểu được nguyên nhân của các tồn tại, nguyên nhân của thất bại, để từ đó tìm trúng giải pháp.

Sản phẩm OCOP Na dai Đông Triều được bán qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Postmart... Ảnh: Nguyễn Thành.

Sản phẩm OCOP Na dai Đông Triều được bán qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Postmart... Ảnh: Nguyễn Thành.

Điểm nữa, là đội ngũ cán bộ cơ sở đã biết việc, hiểu việc hơn. Năm 2021, ngân sách dành cho Chương trình rất hạn chế, nếu có chủ yếu cho công tác tập huấn, tư vấn lập hồ sơ, nhưng cơ quan thường trực chương trình các cấp đã vận động khéo, hướng dẫn hợp lý giúp các chủ thể tiếp tục tham gia chu trình OCOP thường niên.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các hoạt động “không tiếp xúc” lại được thực hiện khá tốt. Hình thức đào tạo tập huấn online phát huy hiệu quả, ví dụ một lớp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức đã giúp tăng số học viên từ mức 3-400 người/lớp lên gấp 10 lần, tạo cơ hội học tập cho rất nhiều chủ thể, họ được nghe trực tiếp từ các chuyên gia giỏi.

Bán hàng trực tiếp tuy bị ảnh hưởng, nhưng bán hàng OCOP qua không gian mạng, qua các sàn thương mại điện tử lại gia tăng. Sàn Vỏ sò của Viettel hiện có tới 9.280 sản phẩm tham gia OCOP, hiện là sàn lớn nhất quảng bá loại sản phẩm này. Các sàn khác như Shopee, Postmart có khoảng 550, Lazada là 420 sản phẩm. Có một điểm rất thú vị, ví dụ như ở sàn Lazada, tất cả các sản phẩm OCOP đều được khách hàng vote cho 5 sao về chất lượng, nó thể hiện uy tín của OCOP, một cách thực chất.

Một tin vui nữa là Bộ NN-PTNT đã đề xuất và được Chính phủ, Bộ Ngoại giao ủng hộ đưa sản phẩm OCOP quốc gia làm quà tặng đối ngoại chính thức. Bạn có tin được là món miến dong của Bắc Kạn, mật ong bạc hà của Hà Giang, bức tượng gốm của Ninh Thuận... được trang trọng tặng cho Thủ tướng một nước khác không?

- Theo ông, nguyên nhân của những tồn tại đó là gì? Và chúng ta nên làm sao để giúp cho Chương trình trong điều kiện hiện nay?

Ông Đặng Văn Cường:

Nguyên nhân rõ nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tôi không nói thêm nữa. Tuy vậy, phải thấy rõ ràng là còn nhiều địa phương vẫn đang loay hoay nhiều về tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, chưa tận dụng tốt lợi thế đặc sắc văn hóa bản địa của OCOP để quảng bá cho công nghiệp, dịch vụ, chưa đặt OCOP vào đúng tầm trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng quảng bá hình ảnh của địa phương ra quy mô quốc gia.

Một nguyên nhân nữa là còn thiếu sự gắn kết giữa các sở ban ngành để triển khai đồng bộ các yêu cầu của Chương trình OCOP. Nhiều nơi dường như OCOP vẫn chỉ được xem là việc của các anh bên ngành nông nghiệp, những mảng như xúc tiến thương mại của ngành công thương, sở hữu trí tuệ của ngành khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành thông tin truyền thông... vẫn chưa đủ mạnh giúp cho sản phẩm OCOP đứng vững và lan tỏa.

Cả thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch Covid-19 nhưng đây lại là cơ hội vàng để sàng lọc và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Ảnh: Nguyễn Thành

Cả thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch Covid-19 nhưng đây lại là cơ hội vàng để sàng lọc và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Ảnh: Nguyễn Thành

Các chủ thể OCOP thì tuy đang rất “máu lửa” nhưng còn chưa đồng đều ở các vùng miền. Ở nhiều tỉnh, nhất là ở phía Nam, dường như họ cũng chưa mạnh dạn tham gia OCOP, chưa liên kết lại với nhau để tạo dựng một cộng đồng OCOP, để có thể có tiếng nói trọng lượng hơn với các cấp lãnh đạo trong phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn giỏi ở nhiều lĩnh vực, vì OCOP nó rộng lắm, đa ngành, đa lĩnh vực, chỉ có các anh bên nông nghiệp làm không thể toàn diện được.

- Ông nói câu chuyện Thánh Gióng ở trên. Vậy bài học từ câu chuyện trên là gì?

Ông Đặng Văn Cường

Để OCOP đi vững chắc, cần phải làm cả Kéo và Đẩy. Cơ quan quản lý nhà nước phải giúp các việc Kéo: tạo hành lang pháp lý, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức kết nối giao thương, tích cực tôn vinh và bảo hộ cho sản phẩm OCOP. Đẩy là tăng đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tín dụng cho các chủ thể, phát triển quảng bá và mở rộng các kênh phân phối sản phẩm OCOP.

OCOP đang có lợi thế về sự ủng hộ cấp quốc gia, đang được các tỉnh, thành coi là động lực phát triển kinh tế nông thôn, dành nhiều ưu đãi trong quảng bá, xúc tiến thương mại, đang là giải pháp hữu hiệu để giúp các chủ thể mạnh hơn trên thương trường. OCOP là sản phẩm cần dựa vào giá trị đặc sắc bản địa, cái mà các thế hệ cha ông trước đây đã dành tâm huyết, trí tuệ của mình vào từng hoa văn, từng công thức chế biến..., nó đã tồn tại và sẽ đủ sức sống để tiếp tục tồn tại dù dịch Covid có kéo dài thêm nữa.

Các hoạt động như truyền thông, thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, tổ chức các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại... cần được tiếp tục, linh hoạt theo tình hình dịch bệnh. Trong đó đẩy mạnh đào tạo trực tuyến, quảng bá và bán sản phẩm OCOP qua không gian mạng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối giao thương.

Cùng với đó, cũng cần tăng cường công tác giám sát sau công nhận OCOP để đảm bảo uy tín của sản phẩm trên thị trường, phải giữ được bằng được "Sao OCOP" trong lòng người tiêu dùng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chúng ta cần sớm tạo dựng hành lang pháp lý cho Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trong đó rất cần các văn bản hướng dẫn từ các Bộ ngành, nhất là về nội dung và định mức sử dụng ngân sách cho OCOP. Các chương trình cấp quốc gia khác đang được trình duyệt cũng cần theo hướng bổ trợ nhau, bao gồm xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia... Tất cả cần được điều phối đồng bộ để tạo nên làn sóng mới, động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cho xây dựng nông thôn mới.

(Thực hiện)

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.