| Hotline: 0983.970.780

Người thiểu số 'đứng thẳng hơn' nhờ trúc sào

Thứ Sáu 04/02/2022 , 07:25 (GMT+7)

CAO BẰNG Những bản làng xác xơ, quay quắt với cây ngô, cây sắn một thuở ở Cao Bằng ngày nay đã sung túc với màu xanh bạt ngàn của cây trúc sào.

Rừng trúc sào đang tuổi cho thu hoạch bện cạnh tuyến Quốc lộ 34. Ảnh: Toán Nguyễn.

Rừng trúc sào đang tuổi cho thu hoạch bện cạnh tuyến Quốc lộ 34. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xanh lại đất rừng

Cây trúc sào đã bén rễ với mảnh đất huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng từ lâu. Dọc theo Quốc lộ 34 từ huyện Nguyên Bình tới huyện Bảo Lạc, cây trúc sào được trồng bạt ngàn dọc hai bên đường, trên thung lũng, sườn đồi. Chỗ nào đất đồi dốc, cây trúc càng dễ dàng đâm chồi, vươn lên xanh ngút ngàn.

Xã Ca Thành có 100% xóm đều trồng trúc sào với diện tích tập trung lớn nhất huyện Nguyên Bình. Đến nay, cả xã có hơn 600 ha, trong đó khoảng 570 ha cho khai thác. Đa phần các hộ dân trồng từ vài nghìn m2 đến 2ha, nhiều gia đình có từ 4 - 5ha trúc.

Ông Lý Phương Sinh, dân tộc Mông ở xóm Xà Pèng được nhiều người đặt cho biệt danh “vua trúc” bởi là hộ trồng nhiều trúc nhất xã Ca Thành. Ông Sinh trồng trúc từ năm 2000. Thấy cây trúc phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là phát triển tốt dù địa hình đồi dốc nên ông mạnh dạn chuyển nhiều diện tích trồng ngô sang trồng trúc.

Cây trúc sào được sơ chế trước khi đưa vào sản xuất các sản phẩm. Ảnh: Công Hải.

Cây trúc sào được sơ chế trước khi đưa vào sản xuất các sản phẩm. Ảnh: Công Hải.

Đến nay, gia đình ông Sinh đã mở rộng trồng gần 10ha, mỗi năm bán 30 - 40 xe trúc, mỗi xe giá 5 - 6 triệu đồng, cho thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng. Ngoài trồng trúc, ông còn đứng ra thu mua trúc của bà con để bán lại cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Để tiện cho việc vận chuyển trúc, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để mở đường nội vùng vào rừng trúc.

Ông Triệu Vần Chòi, Bí thư Đảng ủy xã Ca Thành thông tin: Xã có 9 xóm, hơn 600 hộ dân, tất cả các xóm đều trồng trúc. So với các loại cây trồng khác, cây trúc dễ trồng, dễ chăm sóc, cho thu nhập cao. Năm 2021, cả xã bán khoảng 1.700 xe trúc, thu gần 10 tỷ đồng.

Nhờ chuyên canh trồng cây trúc sào, trong tương lai sẽ giúp cho người dân giảm nghèo và sẽ có thêm hàng trăm hộ dân có thu nhập tiền trăm triệu, tiền tỷ trong những năm tới.

Bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nguyên Bình cho biết, bắtt đầu từ năm 1993, nhận thấy cây trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương nên huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tận dụng những khe núi, đất đồi để đưa cây trúc vào trồng, mở rộng diện tích.

Người dân bán mỗi xe tải trúc sào loại 4 - 5 tấn sẽ thu về khoảng 5 triệu đồng. Ảnh: Công Hải.

Người dân bán mỗi xe tải trúc sào loại 4 - 5 tấn sẽ thu về khoảng 5 triệu đồng. Ảnh: Công Hải.

Thông qua các chương trình như 327 (giai đoạn 1994 - 2000), Chương trình 5 triệu ha rừng (2000 - 2010), chương trình PAM, dự án trồng trúc sào của tỉnh…, huyện Nguyên Bình tập trung hỗ trợ giống, phân bón, phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào cho bà con.

Được người dân hưởng ứng, nhiều vùng đất trống, những khu đồi bỏ hoang nay đã được phủ một màu xanh của trúc sào. Từ năm 2010 đến nay, huyện Nguyên Bình đưa trúc sào vào chương trình sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp của huyện.

Người dân xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình thu hoạch cây trúc sào. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình thu hoạch cây trúc sào. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cây chủ lực thoát nghèo, làm giàu

Cùng với Nguyên Bình, huyện Bảo Lạc là vùng đất thích hợp cho cây trúc phát triển. Trúc sào trồng ở đây có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được các cơ sở sản xuất rất ưa chuộng. Những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng những khe núi, đất đồi để đưa cây trúc vào trồng, mở rộng diện tích.

Ông Đặng Phu Lìn, người Dao đỏ ở xóm Nặm Cốp, xã Huy Giáp hồ hởi chia sẻ: Thấy nhiều hộ dân trồng trúc phát triển tốt, ban đầu ông cũng trồng thử nghiệm hơn 1ha, đến nay tổng diện tích trúc gia đình đã gần 10ha. Mỗi năm, ông bán bình quân khoảng 30 xe trúc, thu nhập hơn 150 triệu đồng. Nhờ cây trúc, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, cuộc sống không còn vất vả như trước.

Theo thống kê, hàng năm người dân xã Huy Giáp xuất bán hơn 1.000 xe trúc sào, thu nhập hơn 6 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ trồng trúc sào bán 3 - 6 xe trúc/năm; có hộ bán 15 - 30 xe trúc/năm. Với giá bán trúc sào dao động từ 5 - 6 triệu đồng/xe (loại 4 - 5 khối), tùy theo từng loại trúc, nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ tiền bán trúc sào.

Không chỉ giúp bà con vươn lên làm giàu, trúc sào đã giúp xanh lại nhiều cánh rừng ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Không chỉ giúp bà con vươn lên làm giàu, trúc sào đã giúp xanh lại nhiều cánh rừng ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Ông Lương Văn Mão, Chủ tịch UBND xã Huy Giáp cho biết: Trồng trúc không quá khó nhưng phải lâu năm mới cho thu hoạch. Từ năm thứ 7 trở đi mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng để cây cho năng suất cao nhất phải từ năm thứ 10 trở đi. Nhiều năm nay, xã tích cực cử cán bộ xuống từng xóm, từng hộ tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng trúc.

Đồng thời, vận động những đảng viên, người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng xóm đi đầu trong phát triển, mở rộng diện tích trúc. Dần dần thấy cây trúc đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân đã mạnh dạn trồng nhiều như hiện nay và trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo ở xã Huy Giáp.

Đến nay, huyện Bảo Lạc có hơn 1.900ha trồng trúc, trong đó 1.800ha đang cho thu hoạch. Mỗi năm, huyện trồng mới trung bình 20 - 30ha. Diện tích trúc tập trung chủ yếu ở các xã Huy Giáp, Sơn Lộ, Hưng Đạo, Đình Phùng... Mỗi năm, cây trúc đem lại thu nhập trung bình hơn 20 tỷ cho huyện.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc: Phát huy lợi thế diện tích đất lâm nghiệp nhiều tiềm năng, những năm qua huyện Bảo Lạc đã thực hiện có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, chú trọng mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như trúc sào, hồi, quế... Hoàn thành việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đối với từng loại cây trồng chủ lực. Trong đó, trúc sào đã làm cuộc sống người dân thêm ấm no và dần thay đổi cuộc sống, cách nghĩ, cách làm nông nghiệp của người dân nhiều địa phương.

Những chiếc chiếu trúc bền, đẹp được sản xuất từ cây trúc sào. Ảnh: Công Hải.

Những chiếc chiếu trúc bền, đẹp được sản xuất từ cây trúc sào. Ảnh: Công Hải.

Nói về tiềm năng, thế mạnh của cây trúc, ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình khẳng định: Những năm qua, cây trúc được coi như xương sống, trục đỡ chính trong phát triển nông nghiệp của huyện. Huyện Nguyên Bình hiện có gần 2.300 ha trúc sào, trong đó hơn 1.800 ha cho thu hoạch. Có 16/17 xã, thị trấn trồng trúc, tập trung nhiều ở các xã Ca Thành, Thành Công, Minh Tâm, Thể Dục, Triệu Nguyên…

Năm 2021, huyện bán ra hơn 5.500 xe trúc, thu hơn 30 tỷ đồng. Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo từ trồng trúc. Hộ ít thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm, hộ nhiều thu hơn 100 triệu đồng/năm. Từ đó góp phần cải thiện đời sống, giảm dần tình trạng thiếu đói ở các xã, xóm nghèo, đặc biệt khó khăn.

Hiện huyện đang khảo sát một số tuyến đường ở các xã Triệu Nguyên, Vũ Nông, Ca Thành nhằm có hướng đầu tư, cải tạo để bà con có thể vừa mở được diện tích, đồng thời vận chuyển sản phẩm cây trúc sào ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ra trung tâm để bán cho nhà máy chế biến và các thương lái.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.