| Hotline: 0983.970.780

Ôm sổ đỏ 14 năm, đến chết vẫn chưa thấy đất mình được cấp

Thứ Hai 07/08/2023 , 11:18 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH_ Trong số 48 người dân đã được cấp sổ đỏ hàng chục năm nhưng chưa được giao đất thực địa, có người chờ đến chết vẫn chưa thấy đất mình được cấp.

14 năm chờ nhìn thấy đất “chết không nhắm mắt”

Chuyện buồn trôi qua đã 13 năm, bây giờ nhớ lại, ông Nguyễn Hữu Lập (71 tuổi) ở thôn Hoà Dõng, xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn không cầm được nước mắt.

Số là ông Lập có người con rể là anh Vy Văn Sơn (sinh năm 1985), chồng của chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1985), con gái ông Lập, cũng ở thôn Hòa Dõng (xã Cát Tân). Anh Sơn từ miền Bắc vào Bình Định làm ăn, lập gia đình với chị Nguyễn Thị Vân và ở luôn quê vợ. Gia đình anh Sơn thuộc diện nghèo, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp cho lô đất để xây dựng nhà ở có diện tích 140m2, thửa đất số 263, tờ bản đồ số 20, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang ký hiệu H00884, ký ngày 12/11/2009.

Ông Nguyễn Hữu Lập ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) với sổ đỏ được cấp mà không được giao đất. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Hữu Lập ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) với sổ đỏ được cấp mà không được giao đất. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi cầm sổ đỏ trong tay, vợ chồng anh Sơn vô cùng mừng rỡ, bởi nghĩ từ nay gia đình mình sẽ được đổi đời. Không ngờ, sau khi được ngành chức năng cấp sổ đỏ, gia đình anh Sơn mòn mỏi đợi chờ từ ngày này sang ngày khác, suốt 14 năm trời mà không thấy chính quyền địa phương giao đất trên thực địa. Chờ đợi đến năm thứ 13, vào năm 2022, anh Vy Văn Sơn mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, để lại cho vợ là chị Nguyễn Thị Vân nỗi mong chờ được nhìn thấy lô đất mình được cấp.

“Khi con rể tôi mất, trong tay nó cầm sổ đỏ và trăn trối với tôi rằng: Con đi rồi ba giúp vợ con đòi cho được miếng đất vợ chồng con đã được cấp sổ đỏ. Con biết ba đòi đất của ba đã mệt rồi, giờ đòi thêm đất của vợ chồng con nữa ba càng mệt hơn, nhưng xin ba cố gắng đòi giúp để vợ con đỡ khổ. Nó nói mấy lời trăn trối trong nước mắt”, ông Lập nghẹn ngào nhớ lại.

Ông Nguyễn Hữu Lập (bìa phải) kể tình cảnh của con rể là Vy Văn Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Hữu Lập (bìa phải) kể tình cảnh của con rể là Vy Văn Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Cùng cảnh ngộ với con rể Vy Văn Sơn, gần 14 năm qua ông Nguyễn Hữu Lập cũng miệt mài với những lá đơn cầu cứu gửi đến chính quyền các cấp và cơ quan chức năng yêu cầu được giao đất theo sổ đỏ ông đã được cấp. Tuy nhiên, đã gần 14 năm qua mong mỏi của ông Lập chìm trong vô vọng.

Gia đình ông Lập cũng thuộc hộ nghèo, năm 2008, ông được chính quyền địa phương ưu tiên xét cấp đất cho 1 lô đất ở. Đến cuối năm 2009, gia đình ông Lập nhận được giấy thông báo nộp tiền để làm sổ đỏ tại kho bạc. Mừng quá, ông Lập chạy tiền, cố gắng hoàn thành nghĩa vụ tài chính để được cấp sổ.

Anh Vy Văn Sơn qua đời để lại sổ đỏ và đơn kêu cứu, trăn trối nhờ ba vợ là ông Nguyễn Hữu Lập tiếp tục 'gõ cửa' các cấp chính quyền yêu cầu được giao đất thực địa. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Vy Văn Sơn qua đời để lại sổ đỏ và đơn kêu cứu, trăn trối nhờ ba vợ là ông Nguyễn Hữu Lập tiếp tục “gõ cửa” các cấp chính quyền yêu cầu được giao đất thực địa. Ảnh: V.Đ.T.

“Cứ ngỡ gia đình tôi là hộ nghèo được, lại là gia đình có công với cách mạng nên được Nhà nước ưu tiên cấp cho lô đất ở để ổn định cuộc sống. Mừng lắm, không ngờ là mừng hụt. Càng đợi tôi càng thất vọng, ai đời được cấp sổ đỏ gần 14 năm qua mà không thấy đất mình được cấp “méo tròn” ra sao. Giờ tôi phải kiêm luôn việc đòi đất cho con gái mình nữa”, ông Lập than thở.

Ra vay ngân hàng mới biết sổ bị hủy trên hệ thống

Bây giờ về thôn Hòa Dõng, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe đầy tai lời oán thán của những người dân đã được cấp sổ đỏ, nhưng 14 - 15 năm nay vẫn chưa được giao đất.

Trong gần 50 trường hợp lâm tình cảnh nêu trên, hầu hết là những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Muốn có tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính để được cấp sổ đỏ, nhiều hộ phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi. Ví như trường hợp gia đình anh Phan Thanh Tòng (42 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Bích Chi (40 tuổi) cũng ở thôn Hòa Dõng (xã Cát Tân).

Anh Phan Thanh Tòng kể chuyện vay mượn nộp tiền làm sổ đỏ nhưng 14 năm rồi chưa được giao đất. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Phan Thanh Tòng kể chuyện vay mượn nộp tiền làm sổ đỏ nhưng 14 năm rồi chưa được giao đất. Ảnh: V.Đ.T.

Vợ chồng anh Tòng với 2 con nhỏ hiện vẫn đang sinh sống cùng cha mẹ già trong căn nhà nhỏ xập xệ. Ngày 8/9/2009, gia đình anh Tòng vui mừng khi nhận được quyết định số 1162/QĐ-UBND của UBND huyện Phù Cát giao lô đất ở có diện tích 150m2, thửa đất số 247, tờ bản đồ số 20 để gia đình anh sử dụng lâu dài. Ngày 4/11/2009, gia đình anh Tòng vay mượn người thân, bạn bè khắp nơi để có hơn 15 triệu đồng nộp cho kho bạc để làm sổ đỏ, sợ trễ ngày sẽ bị phạt.

Tiền nộp xong, sổ đỏ đã được cấp, nhưng 14 năm nay ngóng đến dài cổ mà gia đình anh Tòng vẫn chưa thấy lô đất mình được cấp nằm ở chỗ nào. Khó khăn bủa vây, quá bức xúc, năm 2015 anh mạnh dạn cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng vài chục triệu đồng để xoay sở làm ăn. Thế nhưng khi ngân hàng kiểm tra, vợ chồng anh mới biết sổ đỏ của gia đình anh đã bị hủy từ trước đó, hiện không có trên hệ thống.

“Nghe ngân hàng thông báo tôi tá hỏa, hóa ra từ bấy lâu nay tôi cầm trong tay tấm giấy lộn mà ngỡ đó là 1 tài sản. Vậy mà khi làm sổ đỏ, chính quyền các cấp hối thúc nộp tiền để nhận sổ, nếu trễ 10 ngày sẽ bị phạt. Vậy mà khi cầm sổ ra ngân hàng vay vài chục triệu để làm ăn thì mới biết sổ đỏ đã bị hủy. Ấy vậy mà gia đình tôi nào có được chính quyền địa phương hay ngành chức năng có 1 lời thông báo về vấn đề hủy sổ đỏ”, anh Phan Thanh Tòng ca thán.

Khi cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay tiền anh Phan Thanh Tòng mới biết sổ của mình đã bị hủy, không có trên hệ thống. Ảnh: V.Đ.T.

Khi cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay tiền anh Phan Thanh Tòng mới biết sổ của mình đã bị hủy, không có trên hệ thống. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng ở xã Cát Tân, có sổ đỏ cấp cho người này mà diện tích đất trong sổ của người khác. Ví như trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Trường Lộc và bà Nguyễn Thị Tình ở thôn Bình Đức. Vào tháng 5/2008, UBND huyện Phù Cát ban hành quyết định giao cho ông Lộc thửa đất số 990, tờ bản đồ số 15, diện tích 220m2 nằm trên địa bàn thôn Bình Đức để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở. Thế nhưng đã hơn 15 năm nay ông Lộc chưa được giao đất thực địa, ông đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Cát Tân yêu cầu giải quyết nhưng chưa có kết quả.

Về vấn đề này, ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân thừa nhận: “Do có sai sót, nên lô đất giao cho vợ chồng ông Lộc không trùng với vị trí, sơ đồ hiện trạng lúc phân lô. Cụ thể, lô đất theo giấy tờ, hồ sơ UBND huyện Phù Cát giao cho vợ chồng ông Lộc ở vị trí khác và hiện do một cá nhân khác sử dụng”.

Những lão niên ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) cùng cảnh ngộ được cấp sổ đỏ đã 14 năm mà không được giao đất. Ảnh: V.Đ.T.

Những lão niên ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) cùng cảnh ngộ được cấp sổ đỏ đã 14 năm mà không được giao đất. Ảnh: V.Đ.T.

Việc cấp sổ, giao đất ở xã Cát Tân loạn cả lên, nên giờ chính quyền địa phương phải “chữa cháy” bằng cách hoán đổi đất, hủy sổ cũ cấp lại sổ mới cho những hộ dân đã được cấp sổ đỏ trước đó. Thế nhưng thông tin này lại mang đến cho người dân liên quan mối lo lắng mới, lo không biết khi hoán đổi đất họ có phải thực hiện thêm nghĩa vụ tài chính nào nữa không.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “Các lô đất được UBND xã Cát Tân bố trí để hoán đổi có diện tích ngang bằng với các lô trước đây đã được cấp sổ đỏ. Khi hoán đổi, UBND huyện sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ sổ đỏ đã cấp, sau đó cấp lại sổ mới phù hợp với lô đất hoán đổi được giao. Theo quan điểm cá nhân của tôi, chính quyền sẽ cố gắng không để người dân phải đóng thêm bất cứ khoản chi phí nào khi hoán đổi đất”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.