| Hotline: 0983.970.780

Óng ánh trà hoa vàng Quế Phong

Thứ Ba 08/12/2020 , 20:18 (GMT+7)

Sản phẩm từ những bông hoa này đang hút khách trong tỉnh, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM không chỉ bởi sắc vàng óng ánh trời cho.

Các cô gái dân tộc Chọn lựa nụ hoa trà vàng để sấy. Ảnh: Vũ Toàn.

Các cô gái dân tộc Chọn lựa nụ hoa trà vàng để sấy. Ảnh: Vũ Toàn.

Ấn tượng đầu tiên thu hút tôi là những bông hoa trà hoa vàng óng ánh đổ ra từ những ống nứa to của bà con dân tộc Thái ở huyện Quế Phong (Nghệ An) đã mang tên khoa học Camellia quephongensis Hakoda et Ninh

Thức dậy sắc hoa vàng

Đang trao đổi về chuyện làm kinh tế ở huyện miền núi nghèo Quế Phong, ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch huyện hào hứng điểm danh mô hình kinh tế mới về cây trà hoa vàng.

Ông nói, cây trà hoa vàng mọc tự nhiên trong rừng từ xưa nhưng trước đây bà con dân tộc Thái chỉ ưa khai thác tự nhiên, khi cần thì vào rừng hái nụ hoa tươi về ngâm rượu hoặc nấu canh như một loại rau rừng hoặc phơi khô, pha nước uống như uống nước chè xanh. Hồi đó, do chưa hiểu, chưa coi trọng loại hoa này nên có năm cây không nở hoa thì bà con chặt tận gốc làm củi.

“Giờ huyện có cơ sở sản xuất trà hoa vàng rồi. Từ tháng 11 năm nay đến tháng 1 năm sau hễ trời nắng là bà con vào rừng hái hoa về nhập. Qua chế biến, bông hoa xinh đẹp, óng ánh màu vàng ươm trở thành sản phẩm trà hoa vàng độc đáo.

Sản phẩm đóng thành gói bán ở địa phương và các đại lí tại TP Vinh, Bắc Từ Liêm (Hà Nội), quận 7 TP.HCM, giá dao động từ 3,5 - 15 triệu đồng/kg (tùy phân loại hoa trà từ đẹp ít đến đẹp nhất). Ở huyện miền núi nghèo như Quế Phong có mặt hàng bán được giá như thế là quý hiếm”, ông Giáp vui nói.

Lò sấy trà hoa vàng. Ảnh: Vũ Toàn.

Lò sấy trà hoa vàng. Ảnh: Vũ Toàn.

Chúng tôi tìm gặp anh Lô Hùng Cường, Phó phòng kinh tế và hạ tầng huyện Quế Phong là người có nhiều duyên nợ với việc biến “bông hoa hoang dại” thành sản phẩm trà hoa vàng, để biết thêm về câu chuyện thú vị này.

Anh mở hộp trà, lấy ba nụ hoa khô khén thả vào cốc nước nóng như cách pha trà thông thường, khoảng hai phút sau thì tôi thưởng thức. Vị trà nóng ấm, thoảng mùi hương nhẹ, vừa thơm vừa lạ.

Anh cho hay, tháng 4/2017 khi huyện chủ trương xây dựng mô hình kinh tế trà hoa vàng, anh đã tư vấn cho ba người dân địa phương góp vốn thành lập Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn. Anh chủ động làm việc với Chi cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An để có giấy chứng nhận “đủ điều kiện sản xuất với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tiếp đó, gia đình anh cho mượn tầng trệt gian nhà mặt quốc lộ 46 chạy qua thị trấn Kim Sơn để làm Văn phòng Công ty và đặt máy sấy.

Để tìm mua được máy sấy trị giá 350 triệu đồng nêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phối hợp huyện Quế Phong tổ chức hội nghị trực tuyến về kết nối cung cầu công nghệ sản xuất trà hoa vàng. Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ Hà Nội đã giới thiệu loại máy sấy với chức năng hút hơi ẩm trong buồng sấy khoảng 40 độ (buồng sấy 100 khay, khoảng một tạ búp trà hoa vàng), đi qua dàn lạnh dưới 5 độ C, nước ngưng tụ rồi chảy ra ngoài. Máy sấy này ưu việt gấp nhiều lần so với sấy thủ công sấy bằng bóng điện (đèn sưởi) mà bà con thường dùng kiểu thủ công. Máy vừa bảo ôn nhiệt vừa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm lại giữ được hoạt chất dược liệu quý trong búp trà hoa vàng.

Công ty có 30 nhân công là đồng bàn dân tộc Thái ở làng Dừa (khối 8, thị trấn Kim Sơn). Sau khi dân bản từ các xã Châu Kim, Mường Noọc, Tiền Phong… đến bán hoa đựng trong những ống nứa to (để tránh dập nát hoa), nhân công tuyển chọn, rửa sạch, phân loại, rồi hấp 4-5 phút bằng lò vi sóng hoặc hấp cách thủy để làm mềm và dẻo cánh hoa. Công đoạn tiếp theo là bóc tách từng cánh hoa, bảo vệ nhụy hoa, xếp vào khay, cho vào máy sấy. Nguyên liệu hoa về ban ngày thì đêm làm ngay vì để qua ngày mai trà mất vị thơm vốn có. Một mẻ sấy của công nghệ sấy - lạnh từ 18-22g. Tiếp đó đưa sản phẩm vào buồng chiếu xạ (diệt nấm mốc, tăng độ an toàn vệ sinh thực phẩm). Khi hơi ẩm tách khỏi cánh hoa thì đóng bao bì sản phẩm. Giá thành phẩm như nêu trên. Lương nhân công từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Theo anh Cường, toàn huyện có hàng ngàn hecta cây chè hoa vàng mọc rải rác ở độ cao 500-800m so với mặt biển. Phần lớn loại cây này mọc trong rừng, xen giữa các nương rẫy hoặc địa hình dốc, nhiều đá lộ đầu hoặc ven khe suối.

Hàng ngàn hecta này mỗi năm có khoảng 10 tấn nụ hoa tươi, tương đương một tấn hoa khô. Ba tháng của mùa sản xuất năm 2019 (bắt đầu từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 1 năm 2020), Công ty tiêu thụ 7 tấn nụ hoa, làm ra 700kg trà hoa vàng. 3 tấn còn lại do bà con sao chế gia công, bán lẻ.

“Hiện, ngoài hàng ngàn hecta cây trà hoa vàng mọc tự nhiên, Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn thuê UBND huyện 20 hecta tại xã Tiền Phong để tạo vùng chuyên canh”, anh Cường nói.

Lộ trình cho trà hoa vàng

Cô gái Thái, chủ tiệm cafe, tranh thủ tuyển chọn trà hoa vàng. Ảnh: Vũ Toàn.

Cô gái Thái, chủ tiệm cafe, tranh thủ tuyển chọn trà hoa vàng. Ảnh: Vũ Toàn.

Ông Trần Quốc Thành, nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Phong (2010 - 2013), hiện là giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho hay, sở dĩ trà hoa vàng có tên khoa học Camellia quephongensis Hakoda et Ninh là bởi năm 2007, đoàn chuyên gia người Nhật do GS Hakoda phối hợp với PGS.TS Trần Ninh (Trường Đại học Quốc gia HN) đến một số vùng rừng Quế Phong tìm kiếm loại cây này. Sau phân tích, đánh giá và đăng bài trên Tạp chí Trà quốc tế (Camellia International Journal), đoàn chuyên gia đặt tên cho loài trà hoa vàng ở Quế Phong là Camellia quephongensis Hakoda et Ninh.

Công trình nghiên cứu của GS Hakoda và PGS.TS Trần Ninh cho biết trà hoa vàng rất tốt cho bệnh cao huyết áp vì khả năng làm giảm và điều hòa huyết áp của nó. Sử dụng trà hoa vàng có thể chữa được rất nhiều bệnh như táo bón, hạ đường huyết đối với người bị tiểu đường. Một số bệnh về đường hô hấp, bài tiết, khí thũng hay co thắt dạ con ở phụ nữ đều có thể sử dụng thức uống này như một phương pháp chữa trị đơn giản lại sớm mang lại kết quả…

Nói về lộ trình cho trà hoa vàng, ông Thành kể: “Năm 2013 rời Huyện ủy Quế Phong về Sở Khoa học và Công nghệ, tôi bắt tay vào việc tìm hiểu thêm cây trà hoa vàng, viết bài đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ của Sở. Chỉ một thời gian sau, thương lái Trung Quốc đến Quế Phong tìm mua (người Trung Quốc gọi là “kim hoa trà”). Rất may, năm 2017 huyện có Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn chuyên kinh doanh sản phẩm này. Hiện Công ty Dược Nghệ An đã sản xuất trà hòa tan và viên nang trà hoa vàng, một dạng thực phẩm chức năng từ thiên nhiên”.

Từ một số kết quả nêu trên, ông Thành đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bảo tồn nguồn gen để vừa giữ gen vừa làm giống. Bởi tạo giống trà hoa vàng rất khó, ươm cành thì kết quả không cao.

Sau bảo tồn gen, ông Thành đang xúc tiến đăng kí Cục Sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu loại trà độc đáo này thông qua cách xác lập chỉ dẫn địa lí thay vì nhãn hiệu chứng nhận hoặc thương hiệu tập thể. Còn amh Cường chuẩn bị xúc tiến làm chứng chỉ cho vùng nguyên liệu trà hoa vàng để tính chuyện xuất khẩu ra một số nước.

Sản phẩm trà hoa vàng trước khi đóng gói. Ảnh: Vũ Toàn.

Sản phẩm trà hoa vàng trước khi đóng gói. Ảnh: Vũ Toàn.

Một lộ trình khác khá hấp dẫn là các chuyên viên của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An vừa phát hiện thêm ba địa phương khác ở miền Tây Nghệ An cũng có hàng chục hecta lộ diện cây chè hoa vàng. Đó là huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Rất có thể Quế Phong sẽ trở thành trung tâm thu mua, sản xuất trà hoa vàng để bán đi khắp cả nước, thu tiền về cho lao động là bà con dân tộc nơi đây.

                                                                                                                

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Gỡ vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mang lại lợi ích lâu dài, nhưng hiện là bài toán khó ở cả thành thị và nông thôn.