| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy miền tây Bắc Trung bộ

'Ông Biển FSC'

Thứ Hai 17/10/2022 , 16:12 (GMT+7)

HÀ TĨNH 6 năm làm 'thủ lĩnh' Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim, ông Biển đã đưa hơn 4.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đem tiền tỷ về cho người trồng rừng Hà Tĩnh.

Hơn nửa thập kỷ “nằm gai nếm mật”

Sáng cuối hè, chúng tôi ngược ngàn hơn 100 cây số đến mảnh đất nổi tiếng với “đặc sản” nắng và gió Lào xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn. Huyện biên giới phía tây Hà Tĩnh này vừa đón nhận niềm vui đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đóng góp vào thành quả ấy, không thể không nhắc đến phong trào phát triển kinh tế tập thể của Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim và vai trò cá nhân của “ông Biển FSC” – cái danh do chính người dân hưởng lợi đặt cho vị Giám đốc HTX.

Empty

"Ông Biển FSC" là cái tên rất đỗi gần gũi mà người trồng rừng ở Hương Sơn. Ảnh: Thanh Nga.

Bài liên quan

Ông Võ Văn Biển, sinh ra, lớn lên ở vùng quê nghèo thôn An Sú, xã Sơn Kim 1. Sau khi xuất ngũ, ông trở về địa phương làm cán bộ Hội Nông dân xã và tổ chức trồng rừng, bảo vệ “lá phổi xanh”. Đến đầu năm 2016, dù đã nghỉ chế độ nhưng ông vẫn tiên phong thành lập HTX Nông nghiệp Đại Thành, quy tụ 28 thành viên tham gia.

“Lúc ấy các thành viên đóng góp được 840 triệu đồng thì mua chiếc xe tải hết mất 720 triệu đồng rồi. Khi giá lợn lên cao, chúng tôi vay thêm vốn liên kết chăn nuôi với 150 hộ dân. Nuôi lợn một thời gian thì giá lợn tụt dốc không phanh, đẩy HTX đến bên bờ vực phá sản”, ông Biển nhớ lại.

Cuối năm 2017, đang ôm nợ hơn 2 tỷ đồng, ông Biển bén duyên với Chương trình UN-REDD Việt Nam và tổ chức chứng nhận GFA của Cộng hòa Liên bang Đức. Sau đó, để xây dựng vùng rừng trồng nguyên liệu đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim ra đời, với sự góp mặt của 5 đơn vị: HTX Nông nghiệp Đại Thành, HTX Lâm nghiệp Trường Sơn, HTX Trung Lưu, HTX Nông nghiệp Sơn Tây và HTX trồng chè công nghiệp và Phát triển rừng, bảo vệ rừng Sơn Tây.

rưng

Một trong những cánh rừng gỗ lớn đầu tiên trên đỉnh Trường Sơn được cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Thanh Nga.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Kiều Hưng đánh giá, Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim là đơn vị hoạt động hiệu quả hàng đầu của huyện.

Riêng cá nhân ông Võ Văn Biển, người dân vẫn quen gọi ông với cái tên thân thuộc “ông Biển FSC”. Vị Giám đốc này là người tâm huyết, đeo bám chứng chỉ rừng FSC quá bền bỉ. Huyện đánh giá cao vai trò của ông Biển cũng như đóng góp của Liên hiệp HTX trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế chung của Hương Sơn.

Đem tiền tỷ về cho người trồng rừng

Kiện toàn xong bộ máy tổ chức, Liên hiệp HTX bắt tay tập huấn cho hàng trăm hộ dân 3 xã Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng về tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững. Kết quả, cuối năm 2018, những đồi keo xanh mơn mởn, đường kính 70 - 80cm trên dãy Trường Sơn thuộc xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ rừng FSC.

Việc nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững cho người dân không chỉ gia tăng hiệu quả kinh tế cho bà con mà còn cải tạo môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn. Ảnh: Thanh Nga.

Việc nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững cho người dân không chỉ gia tăng hiệu quả kinh tế cho bà con mà còn cải tạo môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn. Ảnh: Thanh Nga.

Bài liên quan

Tuy nhiên, kết thúc dự án, người sản xuất lại rơi vào cảnh bế tắc đầu ra, việc mở rộng vùng nguyên liệu khó khăn do thiếu kinh phí. Ông Biển quyết định nâng quy mô Liên hiệp HTX với sự gia nhập của 10 HTX và 2 tổ hợp tác khác ở 11 xã, thị trấn gồm Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Quang Diệm, Sơn Trường, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Tây, Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh, Sơn Hàm và Thị trấn Tây Sơn. Đồng thời, hợp tác với Nhà máy VBE Hà Tĩnh cung ứng nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến sâu cho nhà máy này.

“Trong 2 năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 hoành hành, tất cả các hoạt động gần như đóng băng nhưng với sự hỗ trợ về mặt tài chính của Nhà máy VBE Hà Tĩnh, chúng tôi vẫn đào tạo, nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững cho hơn 2.000 hộ dân và 14 ban chứng chỉ rừng cấp xã.

Riêng năm 2020 có 2.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, năm 2021 hơn 1.500ha, nâng tổng diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC đến thời điểm này là 4.030ha/1.815 chủ rừng cá nhân”, ông Biển phấn khởi nói.

Empty

Sau nhiều năm "nếm mật nằm gai", đến thời điểm này, Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim đã có hơn 4.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Thanh Nga.

Bài liên quan

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu rừng FSC, ông Biển bảo, đầu tiên phải “kéo” được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn xóm cùng vào cuộc. Cán bộ phải hiểu tường tận thế nào là quản lý rừng bền vững, thế nào là chứng chỉ rừng FSC thì mới truyên truyền, vận động được người dân tham gia.

Đặc biệt, phải cho người dân thấy được hiệu quả của việc tham gia quản lý rừng bền vững hơn hẳn sản xuất truyền thống, ắt bà con tự nguyện đăng ký.

Đơn cử là trường hợp ông Nguyễn Sỹ Hùng ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Ông Hùng có 8ha keo đạt chứng chỉ rừng FSC vừa xuất bán đầu năm 2022. Ngoài số tiền bán cây hơn 800 triệu đồng, ông Hùng còn được Liên hiệp HTX chia lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh hơn 40 triệu đồng.

Người trồng rừng phấn khởi nhận hoa lợi từ Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim. Ảnh: Thanh Nga.

Người trồng rừng phấn khởi nhận thu nhập tăng thêm từ Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim. Ảnh: Thanh Nga.

“Trước khi tham gia chứng chỉ rừng FSC, tôi bán cây chỉ thu được tầm 400 triệu đồng nhưng bây giờ bán gỗ lớn hiệu quả sản xuất tăng lên ít nhất 30%, thậm chí hơn 50% so với trước. Dân chúng tôi biết ơn ông Biển và Liên hiệp HTX rất nhiều”, ông Hùng bày tỏ. Đồng thời cho biết, người trồng rừng ở Hương Sơn trước giờ vẫn đè nặng tâm lý đem tiền đi nộp cho HTX chứ chưa bao giờ nghĩ được nhận hoa lợi từ HTX nên khi cầm trong tay những món tiền ngoài việc bán sản phẩm trực tiếp, họ vô vùng phấn khởi.

Ngay bản thân ông Biển, với 16ha keo trồng từ năm 2014, cách đây 4 năm thực hiện tỉa thưa gia đình ông đã thu lại được tiền vốn đầu tư (bình quân đầu tư 30 triệu đồng/ha). Sau khi tham gia chứng chỉ rừng FSC, ông duy trì sản xuất đến đầu năm 2022 mới xuất bán toàn bộ rừng cây, với số tiền lãi thu về gần 1,5 tỷ đồng.

Empty

Chuyên gia nước ngoài kiểm tra, đánh giá khắt khe trước khi cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Võ Văn Biển cho rằng, ngoài gia tăng hiệu quả kinh tế, việc tham gia chứng chỉ FSC đã góp phần thay đổi tâm lý “ăn xổi”, bán keo non của người trồng rừng; hạn chế cháy rừng trong quá trình đốt xử lý thực bì; chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng.

Ngoài ông Hùng, ông Biển, còn có hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn 11 xã của huyện Hương Sơn đã và đang thu về tiền trăm, bạc tỷ nhờ bán rừng gỗ lớn. Xếp hàng sau đó là cả ngàn hộ dân khác đăng ký tham gia chứng chỉ và chỉ chờ cái gật đầu của người đứng đầu Liên hiệp.

Hướng đến “4 nhất”

Theo hợp đồng ký kết giữa Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim và Nhà máy VBE Hà Tĩnh, Nhà máy này sẽ chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ vùng nguyên liệu tham gia chứng chỉ FSC với giá cao hơn tối thiểu 10% so với sản phẩm không tham gia chứng chỉ.  

Mỗi năm có hàng ngàn hộ trồng rừng trên địa bàn Hương Sơn đăng ký tham gia chương trình phát triển rừng bền vững. Ảnh: Thanh Nga.

Mỗi năm, có hàng nghìn hộ trồng rừng trên địa bàn Hương Sơn đăng ký tham gia chương trình phát triển rừng bền vững. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2022, mới đầu chu kỳ thu hoạch nên sản lượng đang hạn chế, dự kiến năm 2023, vùng nguyên liệu của Liên hiệp sẽ cung ứng khoảng 100 đến 120 nghìn tấn gỗ, bán với giá 800 ngàn đồng/tấn, doanh thu đem về ước đạt 80 đến 96 tỷ đồng.

Về lâu dài, để phát triển rừng bền vững, Liên hiệp HTX đang tính toán xây dựng vườn ươm, phát triển giống mới để cung ứng cho diện tích tham gia chứng chỉ; đồng thời nghiên cứu kéo dài thời gian khai thác của 400ha rừng gỗ lớn (chu kỳ 12 năm) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ, tăng chất lượng rừng. Đồng thời, xây dựng nguồn quỹ để duy trì việc đánh giá chứng chỉ thường niên, tạo việc làm cho người lao động để ai cũng có việc làm, ai cũng có thu nhập, ai cũng có trách nhiệm.

rung 2

Người dân Hương Sơn thu tiền tỷ từ trồng rừng nhờ "lệnh bài" FSC. Ảnh: Thanh Nga. 

“Mục tiêu chúng tôi hướng đến là 4 cái nhất: Không khí trong lành nhất, kinh tế phát triển nhất, môi trường an toàn nhất và tạo việc làm cho nhiều lao động nhất. Với tín hiệu khả quan trong những năm qua, chúng tôi tin từ năm 2023 trở về sau, Liên hiệp và người dân sẽ “sống khỏe”, còn rừng phát triển bền vững mãi mãi”, ông Biển kỳ vọng.

Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị ở huyện Hương Sơn có tỷ lệ diện tích rừng tham gia chứng chỉ rừng FSC đạt từ 70 đến 100%, nổi bật là các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Kim 2, Xí nghiệp chè Tây Sơn…

Đối với việc mở rộng vùng nguyên liệu, trong tổng diện tích khoảng 17.000ha keo trên địa bàn toàn huyện Hương Sơn, có khoảng 5.000ha đang có tiềm năng tham gia chứng chỉ rừng FSC.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất