| Hotline: 0983.970.780

Ông chủ tịch xã & cuộc chiến chống chuột

Thứ Tư 31/01/2024 , 11:15 (GMT+7)

Thật ‘xốn mắt’ khi thấy những đồng lúa đang thì con gái xanh mướt ở Bình Định ken dày những lá cờ trắng. Hỏi ra thì biết đó là cách đuổi chuột của nông dân…

7 sào ruộng phải mua 50 chiếc bẫy chuột

Vụ lúa vụ đông xuân 2023-2024 ở Bình Định đang thì con gái trông như tấm thảm xanh mướt trải rộng mênh mông. Cuối tuần qua, trong chuyến công tác về thị xã Hoài Nhơn, địa phương nằm phía cực Bắc của tỉnh Bình Định, chúng tôi nhận thấy màu xanh của những tấm thảm lúa đã bị những lá cờ trắng cắm ken dày trong những đám ruộng trông như những “vết bẩn” trên tấm thảm xinh đẹp.

Hỏi ra thì biết, đó là những lá cờ nông dân cắm để đuổi chuột. Hóa ra vụ lúa đông xuân ở Bình Định hiện đang bị “giặc chuột” tấn công dữ dội, thông tin của nông dân đã dẫn dụ chúng tôi đi về những cánh đồng lúa đang thì con gái đang bị lũ chuột đe dọa. Quả thật, bên trong những ruộng lúa xanh mướt là lỗ chỗ những khóm lúa bị lũ chuột cắn phá đang “chết yểu”, trông như những vết rách xơ xác trên tấm thảm.

Thảm lúa đông xuân xanh mướt ở Bình Định bị chuột cắn phá lỗ chỗ trông như những vết rách trên tấm thảm xinh đẹp. Ảnh: V.Đ.T.

Thảm lúa đông xuân xanh mướt ở Bình Định bị chuột cắn phá lỗ chỗ trông như những vết rách trên tấm thảm xinh đẹp. Ảnh: V.Đ.T.

Theo bà Lê Thị Toản (54 tuổi), nông dân đang canh tác trên cánh đồng Quy Thuận rộng cả trăm héc ta thuộc xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn), chưa bao giờ nông dân biết sợ chuột như vụ đông xuân năm nay. Không biết ở đâu ra mà chuột xuất hiện rất nhiều, chạy nhâm mặt ruộng. Bà Toản ca thán: “Cứ vào khoảng từ 7 giờ đến 9 giờ tối hàng ngày là lũ chuột túa ra ruộng cắn phá lúa. Gia đình tôi có 3 sào lúa đang thời kỳ làm đòng, suốt cả tháng nay tôi mất ăn mất ngủ để tìm mọi cách diệt chuột, xua đuổi chuột để cứu lúa”.

Bà Toản có 3 sào lúa đang thời kỳ làm đòng, ngoài mua bẫy bán nguyệt, bà còn mua cả lưới cước, bạt bao quanh ruộng để đuổi chuột nhưng vẫn không ăn thua. “Ngoài đặt bã, đặt bẫy tôi còn phải đi chợ mua cả bao ớt bột về rắc quanh ruộng để ngăn chặn chuột xâm nhập. Tốn kém và cơ cực vô cùng, nhưng không bằng mọi cách diệt chuột thì mất ăn, trong khi vụ lúa đông xuân là vụ chính trong năm, nếu mất mùa vụ này, nguy cơ năm nay gia đình tôi lúa ăn không giáp hạt”, bà Toản chia sẻ.

Bên cạnh đám ruộng bà Toản là các đám ruộng của lão nông Chín Cho, Chín Vằm (cùng ở thôn Quy Thuận) cũng đang khốn đốn vì “giặc chuột”. Riêng lão nông Chín Vằm có 3 sào ruộng, nhưng vụ đông xuân này ông đã phải gieo đi sạ lại đến 3 lần, vì cây lúa vừa nhú lên khỏi mặt đất là lũ chuột kéo đến cắn phá nát chỉ trong vài đêm. Đến nay, lão ông Vằm đã phải “mở hầu bao” để chí phí mua giống sạ lại và chi phí diệt chuột cho những đám ruộng không ít tiền.

Bà Lê Thị Toản có 3 sào lúa đang thời kỳ làm đòng, ngoài mua bẫy bán nguyệt, bà còn mua cả lưới cước, bạt bao quanh ruộng để đuổi chuột nhưng vẫn không ăn thua. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Lê Thị Toản có 3 sào lúa đang thời kỳ làm đòng, ngoài mua bẫy bán nguyệt, bà còn mua cả lưới cước, bạt bao quanh ruộng để đuổi chuột nhưng vẫn không ăn thua. Ảnh: V.Đ.T.

Nguyên nhân được nông dân giải thích là do năm 2023 trên địa bàn Bình Định vắng lũ, do đó lũ chuột “bình chân như vại”, vì không bị nước lũ làm chết ngộp, không bị nước lũ cuốn trôi. Chuột đã không bị chết, lại sinh sản nhanh cấp số nhân. Số lượng chuột phát sinh nhiều mà trên đồng vắng bóng cây lúa từ sau khi thu hoạch vụ hè thu đến nay, nên lũ chuột “đói meo”. Vì vậy, khi nông dân gieo sạ vụ đông xuân chúng mừng như kẻ đói gặp tiệc tùng, chúng khởi mừng, túa ra ruộng “chén” những cọng lúa non tơ.

Trước sự hung hãn của “giặc chuột”, nông dân Bình Định đã dùng “trăm phương ngàn kế” để xua đuổi, tiêu diệt chúng để cứu vụ lúa chủ đạo trong năm. Hết đào bắt đến đặt bã. Đặt bã chuột không còn thèm ngó ngàng nông dân lại đặt bẫy. Nhiều nông dân còn “sáng kiến” quét dầu nhớt, rắc ớt bột, cắm cờ, giăng nilon chung quanh ruộng để đuổi chuột…

Ông Lê Minh Vui ở thôn Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn) nhà có 7 sào ruộng mà phải mua đến 50 cái bẫy bán nguyệt để 'đánh chặn' lũ chuột vào ruộng của ông cắn phá. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Minh Vui ở thôn Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn) nhà có 7 sào ruộng mà phải mua đến 50 cái bẫy bán nguyệt để “đánh chặn” lũ chuột vào ruộng của ông cắn phá. Ảnh: V.Đ.T.

Hộ nông dân Lê Minh Vui (67 tuổi) ở thôn Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn) chỉ có 7 sào ruộng, mà ông Vui phải mua đến 50 cái bẫy bán nguyệt để “đánh chặn” lũ chuột vào ruộng của ông cắn phá.

“Mua 50 bẫy chuột với giá từ 5.000đ/cái tôi tiêu tốn hết khoảng 250.000đ, đó là chưa kể mua 21kg bạt để giăng quanh 7 sào ruộng, với giá 55.000đ/kg tôi tiêu tốn thêm gần 1,2 triệu đồng nữa. Chưa năm nào chuột nhiều như năm nay, mới đầu vụ đến nay đã có 200 con dính bẫy do tôi đặt. Vào thời điểm này, nhất là lúc lúa làm đòng, nếu lúa bị chuột cắn phá thì coi như trắng tay”, nông dân Lê Minh Vui bộc bạch.

Chuyện ông Tý diệt chuột

Ông chủ tịch xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) mang tên Trần Đình Tý, cái tên có vẻ “thân thuộc” với lũ chuột, bởi tý cũng là chuột. Thế nhưng chính ông Tý là “chủ soái” trong cuộc chiến chống “giặc” chuột của nông dân xã Hoài Châu Bắc.

Bẫy bán nguyệt, loại bẫy diệt chuột rất hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.

Bẫy bán nguyệt, loại bẫy diệt chuột rất hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.

Xuất thân là nông dân, hiện gia đình ông Tý cũng đang làm 5 sào ruộng, nên ngoài thời gian lo việc nước, ông Tý còn đảm việc nhà với nhiệm vụ chăm sóc những mảnh ruộng, khoảnh vườn. Năm nào trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn cũng mở lớp tập huấn diệt chuột để bảo vệ vụ mùa chủ đạo trong năm. Lẽ ra, ông Tý có thể cử cán bộ phụ trách nông nghiệp đi dự, nhưng ông đích thân đi dự để nắm bắt kỹ lưỡng kỹ thuật để về chuyển giao lại cho nông dân.

Theo ông Tý, không phải năm nay chuột xuất hiện nhiều, chính quyền xã Hoài Châu Bắc mới triển khai mạnh mẽ phong trào diệt chuột, mà công tác này duy trì hàng năm.

“Trước khi bước vào vụ đông xuân khoảng nửa tháng, chính quyền xã vận động nông dân tìm hang chuột để đào bắt, hoặc đổ nước vào hang để chúng bị ngộp chui ra khỏi hang để bắt. Đồng thời, vào thời điểm này chuột đang đói vì đồng ruộng chưa có cây lúa, chúng tôi vận động nông dân đánh bã với mồi ngon để diệt chuột. Mồi bã mà lũ chuột “khoái khẩu” nhất là lúa ngâm vừa nẩy mầm. Sau khi gieo sạ, lúc này đánh bã sẽ không còn hiệu quả, vì trên đồng đã có mồi tươi là những cây lúa non tơ, nên phải đặt bẫy bán nguyệt mới đánh bắt được chúng. Bẫy bán nguyệt trên thị trường bán rất nhiều mà lại rẻ, phù hợp với túi tiền của nông dân”, ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, chia sẻ.

Ngoài đặt bã, đặt bẫy, nông dân Bình Định còn cắm cờ giăng bạt quanh ruộng để đuổi chuột. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài đặt bã, đặt bẫy, nông dân Bình Định còn cắm cờ giăng bạt quanh ruộng để đuổi chuột. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Tý diễn giải cụ thể để chúng tôi hình dung được sự quyết tâm của nông dân trong cuộc chiến chống “giặc” chuột để bảo vệ mùa màng: Trong thời điểm đồng ruộng ngơi nghỉ để đợi sản xuất vụ mùa kế tiếp, lũ chuột đang đói, trên những mô đất cao, nơi chuột thường “định cư”, nông dân đặt bã với những mồi ngon như hạt lúa ngâm vừa nẩy mầm, hạt bắp (ngô) hoặc các loại thực phẩm “lạ miệng” để dẫn dụ chuột đến “chén”, đồng nghĩa chúng tự tìm đến với cái chết. Sau khi gieo sạ, lúc này chuột không còn màng đến chuyện ăn bã nữa, nên chính quyền xã Hoài Châu Bắc vận động nông dân mua bẫy bán nguyệt về đặt. Nông dân thì đã quá rõ tuyến đường lũ chuột di chuyển đến đám ruộng của mình, đặt bẫy “đón lỏng” trên những tuyến đường ấy sẽ rất hiệu quả.

“Chuyện diệt chuột phải vận động nông dân thực hiện đồng bộ, chứ người làm người không sẽ không hiệu quả. Bởi, lũ chuột sinh sản rất nhanh, phải diệt cùng lúc chứ nếu để chúng tồn tại thì chẳng mấy chốc đồng ruộng lại đầy dẫy chuột, cây lúa sẽ bị chúng cắn phá rất tích cực, năng suất lúa cầm chắc sẽ suy giảm”, ông Trần Đình Tý chia sẻ.

Từ đầu vụ đông xuân 2023-2024 đến nay, đã có 200 con chuột dính bẫy do nông dân Lê Minh Vui đặt quanh 7 sào ruộng của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Từ đầu vụ đông xuân 2023-2024 đến nay, đã có 200 con chuột dính bẫy do nông dân Lê Minh Vui đặt quanh 7 sào ruộng của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Tý, ngay từ đầu vụ sản xuất, chính quyền xã Hoài Châu Bắc đã “tuyên chiến” với lũ chuột bằng cách trích ngân sách 80 triệu đồng mua bã diệt chuột về cấp phát cho nông dân. Đồng thời, kích thích phong trào diệt chuột bằng cách thu mua đuôi chuột với giá 2.000đ/cái, nhờ đó đã hạn chế đáng kể diện tích lúa đông xuân trên địa bàn bị chuột cắn phá.

“Trong vụ đông xuân 2023-2024, nạn chuột phát sinh gây hại diện rộng tại các vùng lúa của các huyện, thị xã, gồm: Hoài Nhơn, An Nhơn, Hoài Ân, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát. Hiện, lúa đông xuân ở Bình Định đang thời điểm đẻ nhánh, làm đòng, nên các địa phương đang nỗ lực vận động nông dân triển khai các biện pháp để ngăn chặn chuột nhằm giảm thiểu thiệt hại”, ông Kiều Văn Ang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.