Hơn 20 năm trước ông Đỗ Văn Được (sinh năm 1975, ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngược xuôi buôn tôm nhí (tôm hùm giống) dọc các tỉnh miền Trung. Mùa đông năm trước sang xuân năm sau, ông mua tôm nhí rồi chuyển đến bán cho các hộ nuôi ở Phú Yên, Khánh Hòa. Qua đó, ông nhận thấy việc nuôi tôm hùm đem lại thu nhập khá. Thế là ông tìm hiểu cách nuôi và trở về đóng lồng bè thả nuôi tại đầm Nước Mặn Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh).
Ban đầu ông nuôi 2 lồng với diện tích mặt nước 18m2, đem lại khoản lợi nhuận đáng kể. Nhưng do nuôi trong đầm, khu vực gần nơi tàu cá neo đậu nên nhiệt độ nước khá cao, rủi ro lớn. Sau khi tìm hiểu, ông chuyển sang nuôi cá mú và nhận thấy loài này phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Rồi ông mở rộng quy mô và hiện có 40 lồng với tổng diện tích mặt nước 360m2. Trong đó có 15 lồng nuôi cá bột trong vòng 3 tháng trước khi chuyển sang 25 lồng nuôi thương phẩm. Đây là giai đoạn cá dễ mắc bệnh nên phải chú ý theo dõi để xử lý kịp thời.
Tùy kích thước cá mà mỗi lồng ông thả nuôi số lượng phù hợp. Hàng ngày, vợ chồng ông ra cảng cá Sa Huỳnh mua cá tạp từ tàu thuyền vừa cập bến mang về rửa sạch và cắt nhỏ để nuôi cá mú. Thức ăn rải xuống nước khiến lũ cá tranh nhau đớp mồi trông vô cùng thích thú.
Hàng tuần, ông cân cá nhằm theo dõi mức tăng trưởng để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau 3 tháng, ông pha thuốc vệ sinh cho cá để phòng ngừa bệnh ghẻ lở trước khi chuyển qua lồng khác phù hợp với số lượng và kích cỡ từng con.
"Nuôi cá mú không khó nhưng tránh thả cá con vào thời điểm giao mùa giữa xuân và hè. Bởi vì lúc đó cá dễ bị chết do nước thiếu oxy. Tôi thường mua và thả cá bột vào tháng 2 âm lịch, dù lúc đó giá cao gấp đôi tháng 5, tháng 6. Tôi cũng chuẩn bị sẳn máy sục khí oxy để bơm khi cần thiết...", ông cho biết.
Sau 1 năm thả nuôi, cá có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con từ 1 - 1,4kg. Đây là cá được xếp loại 1 với giá mỗi cân trên dưới 180 nghìn đồng. Cá lớn hơn được xếp loại 2 và loại 3 với mức giá thấp hơn loại 1 khoảng 20 nghìn đồng/kg. Nếu giá thấp, ông tiếp tục nuôi mà không lo quá cỡ. Bởi cá mú càng lớn thịt càng ngon.
"Do cá từ 1 - 1,4 ký phù hợp với yêu cầu gọi món của thực khách nên hàng quán mua giá cao chứ cá mú lớn ngon hơn nhiều. Tôi bán cá nhiều nơi, nhất là ở Nha Trang nên không lo bị ế. Nếu giá thấp thì chờ lên cao mới bán...", ông tâm sự.
Cá mú thật sự rất ngon. Du khách đến Sa Huỳnh xuýt xoa khen ngợi khi ăn những món chế biến từ loài cá này. Thịt cá xắt mỏng nhúng nước cốt chanh rồi cuốn cùng rau thơm với lá cải cay vô cùng hấp dẫn. Tiếp đến, chấm vào mù tạt pha loãng cùng mắm và gia vị rồi đưa vào miệng chậm rãi nhai. Vị ngọt của thịt cá hòa cùng vị mặn của mắm, chua của chanh quá đỗi là ngon. Mùi mù tạt và cải cay nồng xộc lên mũi sảng khoái lạ thường.
Da cá chiên giòn chấm nước mắm ngon đáo để. Đầu cá và xương nấu cháo rắc ít tiêu xay nhuyễn và rau thơm ngon lắm. Húp từng muỗng cháo nóng khiến mồ hôi rịn ra da, giải nhiệt cơ thể, làm vơi đi mỏi mệt sau những ngày lao động vất vả. "Vào dịp cuối tuần, tôi và bạn bè thường vào Sa Huỳnh thưởng thức món ngon từ cá mú. Sau đó, chúng tôi mua cá về để ăn dần và làm quà biếu cho người thân...", anh Võ Quang Minh ở thành phố Quảng Ngãi cho biết.
Với chừng 15 tấn cá xuất bán mỗi năm, gia đình ông Được lãi hơn 500 triệu đồng. Việc buôn tôm nhí cũng thu nhập ngần ấy mỗi năm. Nhiều năm liền, ông Được đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, được các cấp, ngành, hội nông dân tặng bằng khen và giấy khen. Năm 2024, ông là người duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc.
"Nguồn hải sản ở biển ngày càng cạn kiệt vì bị đánh bắt quá mức nên tôi nghĩ cần phải phát triển nuôi trồng. Nhưng tôi và nhiều người nuôi ở đây tạm bợ chứ chưa được cơ quan chức năng cấp phép lâu dài. Vậy nên tôi mong cơ quan chức năng quy hoạch và cho phép nuôi lâu dài ở vùng biển gần bờ. Bên cạnh đó, tôi và bà con cũng mong được vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô thả nuôi...", ông tâm sự.
"Bên cạnh việc sản xuất giỏi, anh Được còn tích cực tham gia công tác Hội nên được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân phường và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân thị xã Đức Phổ. Anh vui vẻ hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho bà con. Có xe tải nhỏ nên anh sẵn lòng mua giúp cá giống và tiêu thụ sản phẩm cho hộ nuôi...", ông Thái Thuần Lăng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh cho biết.