| Hotline: 0983.970.780

Dân ưa chuộng nuôi cá mú trân châu vì dễ nuôi, dễ bán

Thứ Hai 19/12/2022 , 10:26 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Với những ưu điểm như dễ nuôi, ít dịch bệnh, tiêu thụ thuận lợi, rất nhiều vùng ao đìa ven biển và cả nuôi lồng bè đã thả nuôi cá mú trân châu.

Xuất bán 1 tấn, "bỏ túi" 100 triệu đồng

Xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển nuôi trồng thủy sản. Toàn xã có khoảng 340ha ao, đìa. Trước đây, vùng nuôi nơi đây tập trung các đối tượng nuôi chính như tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá hồng, cá chẽm, cá mú đen…

Cá

Hiện nay vùng nuôi trồng thủy sản ở TP Cam Ranh người dân ưa chuộng nuôi cá mú trân châu thay các đối tượng cá mú khác. Ảnh: KS.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, khi cá mú trân châu (hay còn gọi là cá mú lai) được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III làm chủ công nghệ sản xuất giống đưa ra thị trường, người nuôi nơi đây đã thả nuôi rất nhiều.

Cá mú trân châu được sinh ra bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa cá mú nghệ (con đực) và cá mú cọp (con cái). Từ đó, cá mú này thừa hưởng đặc tính nổi trội của 2 loài cá mú bố me, đó là thịt thơm ngon, màu sắc đẹp, lớn nhanh và khả năng chống chịu tốt với sự thay đổi môi trường và dịch bệnh. Hơn nữa, cá mú trân châu có thể nuôi được trong ao đìa và cả lồng bè trên biển.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, một người nuôi cá mú trân châu ở thôn Hòa Diêm, trước đây gia đình ông chủ yếu nuôi ốc hương, tuy nhiên vài năm trở lại đây đã chuyển sang nuôi đối tượng này. Bởi cá mú trân châu dễ nuôi, ít rủi ro so với các đối tượng khác. Với giá cá thương phẩm hiện dao động từ 250 - 270 ngàn đồng/kg, người nuôi xuất bán 1 tấn sẽ “bỏ túi” 100 triệu đồng.

Ông

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, cá mú trân châu dễ nuôi, ít dịch bệnh. Ảnh: KS.

Với những ưu điểm cùng với hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện bà con nơi đây thả nuôi cá mú trân châu rất nhiều. Người nuôi nhiều lãi nhiều, nuôi ít lãi ít, còn nuôi thua lỗ rất hiếm. Cá nuôi ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, giá cá bán trung bình 220 ngàn đồng/kg, có lúc lên đến 270 - 280 ngàn đồng/kg. Với giá 220 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư (140 ngàn đồng/kg), bà con thu hoạch lãi 70 - 80 ngàn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cho biết, cá mú trân châu bắt đầu nuôi trên địa bàn từ năm 2019 với diện tích vài ha, tuy nhiên đến nay đã lên đến 120ha. Đây là loài cá dễ nuôi, dễ bán, thị trường tiêu thụ rộng nên mang lại kinh tế cho người nuôi trên địa bàn và dần thay thế các đối tượng nuôi như ốc hương, tôm thẻ chân trắng, cá mú đen... kém hiệu quả. Do đó trong thời gian tới, cá mú trân châu rất có tiềm năng nuôi biển.

Cho thu hoạch tỉa quanh năm

Ông Huỳnh Văn Hưng, Phó phòng Kinh tế TP Cam Ranh cho biết, toàn Thành phố có 11 xã, phường ven biển, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy hải sản và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hiện nguồn lợi thủy sản có xu hướng cạn kiệt nên bà con có xu hướng chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

cA

Cá mú trân châu có giá trị kinh tế cao. Ảnh: KS.

Theo ông Hưng, hiện nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có 2 hình thức đó là nuôi lồng bè và nuôi trong ao đìa. Trong đó, nuôi lồng bè chủ yếu là các đối tượng như tôm hùm, cá chim, cá bớp, cá mú, còn nuôi trong ao đìa phổ biến là tôm thẻ, ốc hương, cá chẽm, cá mú. Riêng đối tượng cá mú hiện bà con trên địa bàn nuôi các loại như mú cọp, mú nghệ, song ưa chuộng và nuôi phổ biến là cá mú trân châu.

Hiện tổng diện tích thả nuôi cá mú trên địa bàn gần 180ha và 1.000 ô lồng, tập trung chủ yếu tại các xã Cam Thịnh Đông, Cam Lập và các phường Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Thuận, Cam Linh. Điều thuận lợi khi nuôi cá mú trân châu là bà con thả nuôi và thu hoạch tỉa quanh năm. Vì cứ nuôi cá đạt trọng lượng từ 1 - 1,2kg trở lên là có thể xuất bán (sau 10 - 12 tháng thả nuôi).

Empty

Người dân ở xã Cam Thịnh Đông thu hoạch cá mú trân châu cung cấp cho thị trường. Ảnh: KS.

Hiện cá mú trân châu thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nhà hàng trong nước. Với giá cá mú hiện tại 265 ngàn đồng/kg loại 1, người nuôi lãi khá.

Theo Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, hiện bà con chủ yếu nuôi cá mú trân châu là chính. Cá mú này thị trường tiêu thụ dễ hơn các loại cá mú khác. Chẳng hạn cá mú nghệ nuôi size mười mấy ký, thời gian nuôi kéo dài, thị trường tiêu thụ không bằng cá mú trân châu, vì vậy người dân thả nuôi cá mú này phổ hiến hơn các loài cá phú khác. Hơn nữa, giống cá mú này nuôi tỷ lệ sống cao hơn các loài cá khác.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.