Rệp sáp bột hồng là dịch hại nguy hiểm trên cây sắn, sống cộng sinh với kiến, gây hại trên ngọn, lá và thân nhưng sống chủ yếu ở chùm ngọn.
Rệp nằm kín trong các kẹ lá, dưới mặt lá, bám trên thân cây sắn và hút dinh dưỡng sắn làm cho ngọn sắn bị chùn lại, thân cây bị rối loạn phát triển cong queo.
Rệp có khả năng nhân nhanh quần thể trên đồng ruộng do chúng sinh sản đơn tính, số lượng trứng dao động từ 300 - 500 quả/con cái và thích ứng trong điều kiện nhiệt độ nắng nóng, phát triển mạnh vào mùa khô.
Để phòng trừ rệp sáp bột hồng, việc sử dụng thuốc hóa học để phun trừ đem lại hiệu quả rất thấp chỉ đạt 5% do rệp sống ở những vị trí kín trên cây sắn, hơn nữa rệp có lớp sáp và bột trắng bao phủ trên thân làm thuốc không bám dính hết vào cơ thể, chỉ khuyến cáo người dân ngâm hom giống sắn bằng thuốc hóa học trước khi trồng.
Do vậy, để phòng trừ hiệu quả cần áp dụng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp sinh học là sử dụng các loài thiên địch sẵn có trên ruộng sắn để phòng trừ.
Trong đó ong ký sinh Anagyrus lopezi là loài có nguồn gốc từ Nam Mỹ đã được các nước trong khu vực sông Mê Kông như Thái Lan, Lào, Campuchia…nhân nuôi và phóng thích ra ngoài ruộng sắn đem lại hiệu quả phòng trừ rệp cao, đạt trên 80%.
Ong ký sinh đẻ trứng lên rệp
Ong Anagyrus lopezi thuộc bộ cánh màng Hymenoptera, họ Encyrtidae có cơ thể màu đen, kích thước từ 1,2 - 1,4 mm, con đực nhỏ hơn con cái, điểm khác biệt giữa con đực và con cái là toàn bộ râu đầu con đực màu đen, còn râu đầu con cái có màu trắng đen xen kẽ.
Ong trưởng thành vừa chích hút rệp vừa dùng vòi để đẻ trứng vào cơ thể rệp, mỗi ngày 1 con ong cái vừa chích hút rệp, vừa đẻ trứng khoảng 50 con rệp sáp bột hồng, ong đực chích hút rệp khoảng 20 - 30 con/ngày.
Ong đực vũ hóa trước ong cái, ong có khả năng sinh sản đơn tính, nếu con ong cái không giao phối vẫn có thể đẻ trứng, nhưng trứng đó nở ra toàn ong đực.
Trong điều kiện thời tiết lạnh ong ký sinh không hoạt động và chúng phát triển thích hợp nhất trong điều kiện nhiệt độ 28 độ C. Ong hoạt động ban ngày, ban đêm trú ẩn dưới mặt lá sắn.
Để có nguồn ong ký sinh phóng thích ra ngoài ruộng, trước hết phải thu thập nguồn ong ngoài đồng ruộng đưa về phòng, nhà lưới nhân nuôi với thức ăn là mật ong pha loãng 5 - 10% và con mồi là rệp sáp bột hồng, rệp được nuôi trên hom sắn và quả bí đỏ đã đến giai đoạn chín nhưng màu sắc quả còn xanh.
Khi ong phát triển với số lượng quần thể lớn tiến hành thu thập ong vào chai nhựa với tỷ lệ 1 con đực, 1 con cái và phóng thích ra đồng ruộng. Căn cứ vào mức độ ruộng sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng nặng hay nhẹ để thả ong. Nếu diện tích sắn bị nhiễm nhẹ thì thả 300 - 600 cặp ong/ha, bị nhiễm nặng thả 1.200 - 3.000 cặp ong/ha.
Khi phóng thích ong ra ruộng sắn phải theo hướng gió, không thả ong khi trời mưa, sắp mưa, nên thả vào sáng sớm. Thông báo cho người dân không phun thuốc hóa học vào những vùng trồng sắn đã phóng thích ong ký sinh Anagyrus lopezi.
Sau thả ong 9 - 10 ngày sẽ tìm thấy xác của rệp sáp bột hồng, triệu chứng xác của rệp sáp bị ký sinh có màu xám và có lỗ đục trên lưng rệp để ong vũ hóa chui ra.