| Hotline: 0983.970.780

Ông Lê Huy Ngọ - người đi trong bão lũ

Thứ Năm 16/02/2023 , 14:29 (GMT+7)

Cuốn sách 'Người đi trong bão lũ' là tuyển tập các bài viết phản ánh những góc nhìn chân thực, khách quan về ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu cuốn sách 'Người đi trong bão lũ'. Ảnh: NTV.

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu cuốn sách "Người đi trong bão lũ". Ảnh: NTV.

1.

Thay mặt ban biên soạn cuốn sách “Người đi trong bão lũ”, Tiến sĩ Trần Quang Hoài chia sẻ: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai. Nhìn lại chặng đường lịch sử, mỗi một thời kỳ, công tác phòng, chống thiên tai luôn đối mặt với những thách thức lớn và biến đổi không ngừng theo chiều hướng ngày một khó lường và cực đoan hơn của thiên tai.

Tầm nhìn chiến lược và những quyết sách đúng đắn, quyết liệt, phù hợp, kịp thời trong những trận chiến thiên tai lịch sử của các đồng chí lãnh đạo, nhất là “Tư lệnh ngành” là những kinh nghiệm, bài học quý báu cho những thế hệ cán bộ tiếp bước.

Giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2007, nước ta liên tiếp phải đối mặt những trận thiên tai lớn lịch sử như cơn bão Linda năm 1997; trận mưa lũ lịch sử tại khu vực miền Trung năm 1999; đợt ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2000; trận lũ quét, sạt lở đất xã Du Tiến; Du Già huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang năm 2004; cơn bão Damrey năm 2005; cơn bão Chan Chu 2006 đã gây mất mát to lớn về người và tài sản…

Trong bối cảnh sức chống chịu của hệ thống các công trình đê điều, hồ đập, phòng chống thiên tai chưa được tu bổ để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhận thức và sự chủ động phòng ngừa ứng phó với thiên tai của cộng đồng, người dân còn nhiều hạn chế, công tác phòng, chống thiên tai trong giai đoạn này đứng trước những thách thức và khó khăn to lớn.

Để đúc kết về những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các trận thiên tai lớn lịch sử trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2007 và nhấn mạnh vai trò, tầm nhìn của người đứng đầu cơ quan điều phối liên ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tiến hành tổng kết 10 năm thiên tai, bão lũ và biên soạn cuốn sách “Người đi trong bão lũ”.

Cùng với một số cuốn sách “75 năm công tác phòng, chống thiên tai, thành tựu và thách thức”, “Lịch sử đê điều”, “Kỷ yếu 20 năm lũ lớn khu vực miền Trung”, “Định mệnh và đam mê”… Ban biên soạn hi vọng cuốn sách này mang đến những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm hữu ích đã được thử thách qua thực tiễn.

"Người đi trong bão lũ" là tuyển tập các bài viết phản ánh những góc nhìn chân thực, khách quan về tư tưởng chiến lược, kinh nghiệm, tâm huyết của vị Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ tín nhiệm giao trọng trách làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương - ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

2.

Nhiều người gọi ông Lê Huy Ngọ là “Bộ trưởng nông dân”, “Bộ trưởng lụt bão”… Trong 10 năm công tác tại Bộ NN-PTNT với cương vị là Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương ông Lê Huy Ngọ đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả 67 trận thiên tai khác nhau ở hầu khắp các vùng miền tổ quốc.

Nói về tư duy, tầm nhìn phòng chống thiên tai và phát triển nông nghiệp, nông thôn của ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kể: Năm 1997 anh Lê Huy Ngọ được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương. Nhận nhiệm vụ mới được vài ngày đã phải trực tiếp tham gia chỉ đạo phòng chống cơn bão số 5 (Linda) ở Nam bộ.

Ông Lê Huy Ngọ trực tiếp chỉ đạo ứng cứu trận lũ lịch sử miền Trung năm 1999. Ảnh: TL.

Ông Lê Huy Ngọ trực tiếp chỉ đạo ứng cứu trận lũ lịch sử miền Trung năm 1999. Ảnh: TL.

Đây được xem là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực này trong khoảng 100 năm và cũng là cột mốc khởi đầu quá trình 10 năm anh Lê Huy Ngọ lăn lộn trên mặt trận phòng chống thiên tai với tư cách là người chỉ đạo chính. Và anh đã làm tốt bằng tất cả tấm lòng với nhân dân và đất nước.

Những năm tháng ấy, điều kiện vật chất và phương tiện phòng chống thiên tại của nước ta còn rất nghèo nàn, thông tin liên lạc còn nhiều hạn chế, nhất là giữa các tàu cá và bờ, đê điều còn yếu, thiếu ngay cả nhà cửa của dân cũng còn nhiều nhà tạm, chưa được xây dựng kiên cố, nhất là ở Nam Bộ. Chính vì vậy, mỗi khi có thiên tai, để tránh thiệt hại lớn phải có sự chuẩn bị kỹ càng để ứng phó. Anh Lê Huy Ngọ đã cùng với Ban Chỉ đạo Phòng, chống bão lụt Trung ương chỉ đạo ráo riết thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.

Bản thân Bộ trưởng cứ mỗi khi nơi nào có bão lụt lại đích thân đến tận nơi để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống, phối hợp chỉ đạo cứu trợ, khắc phục hậu quả. Sự nỗ lực của anh đã thúc đẩy cả hệ thống vào cuộc cùng với Nhân dân, giúp dân vượt qua những lúc gian nguy. Hình ảnh Bộ trưởng quần xắn đến quá đầu gối, mặc áo đi mưa, đầu đội mũ cối, lặn lội khắp nơi trong bão lụt trong nhiều năm tháng đã gây xúc động đối với nhiều đồng nghiệp và người dân.

Năm 2000, Liên Hợp Quốc đã tặng Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương do anh là Trưởng ban Bằng khen vì những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai. Nhưng với anh Lê Huy Ngọ có lẽ phần thưởng lớn nhất là sự ghi nhận của người dân. Nhiều năm sau đi bên anh thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy hai tiếng "Bác Ngọ" ai đó nói một cách trìu mến khi nhận ra anh.

Năm 2006, Chính phủ phê duyệt “Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam”. Năm 2007 là “Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tại đến năm 2020” được ban hành mà đến nay những giải pháp trọng tâm mang tầm chiến lược dài hạn đó vẫn được kế thừa trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, một trong những khu vực có cơ sở hạ tầng và nhận thức của người dân trong phòng, chống thiên tai, lũ lụt còn nhiều hạn chế, song anh Lê Huy Ngọ đã tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chương trình “Sống chung với lũ”, nhất là các dự án thoát lũ ra biển Tây. Đồng thời đã chỉ đạo quy hoạch, khảo sát, xây dựng và huy động nguồn lực triển khai thực hiện nhiều công trình phòng, chống thiên tai, thủy lợi, nâng cấp hệ thống đê điều trên địa bàn cả nước…

10 năm làm Trưởng ban Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, cùng với anh Ngọ còn có các anh Phạm Hồng Giang, Nguyễn Ngọc Thuật, Nguyễn Ty Niên, Đặng Quang Tính cùng một số lãnh đạo Bộ, ngành là lãnh đạo thành viên Ban chỉ đạo như Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Tiến sĩ Lê Công Thành...

Đã kề vai sát cánh cùng anh trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả nhiều trận thiên tai, bão, lũ lịch sử trong phạm vi cả nước, trong đó “phương châm 4 tại chỗ” được anh đốc thúc các địa phương thực hiện cụ thể và thực chất hơn; nhiều nội dung, sách lược và tầm nhìn về công tác phòng chống thiên tai được cụ thể hóa vào nội dung chiến lược và luật pháp sau này.

Về nông nghiệp, nông thôn, ở Bộ NN-PTNT những năm đó, các anh Lê Huy Ngọ, Hồ Xuân Hùng, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Phượng Vĩ, Tăng Minh Lộc là những người đã có rất nhiều đóng góp trong việc tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy thành phong trào rộng khắp trong nước.

Anh Lê Huy Ngọ đã nêu chỉ tiêu đánh giá quan trọng nhất hiệu quả của Chương trình Xây dựng Nông thôn mới là Sự hài lòng của người dân - Người dân làm chủ - Người dân tự đánh giá về Nông thôn mới. Chỉ có người tâm luôn hướng về dân mới có cách nhìn nhận như vậy.

3.

Cuốn sách “Người đi trong bão lũ” còn là tập hợp nhiều bài viết của các chính khách, lãnh đạo từng có nhiều năm sát cánh với ông Lê Huy Ngọ trong công tác phòng, chống lụt bão, vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điển hình có Viện sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng: “Giản dị nhưng quyết đoán, gần dân, hiểu dân và được nhân dân tin yêu… Hình ảnh Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, “bộ trưởng bão lụt” mặc áo phao trên chiếc ca nô đi trong mưa gió là hình ảnh đẹp, gần gũi, sống động đối với nhân dân, cán bộ phòng chống thiên tai và lực lượng vũ trang”, Tướng Hiệu viết.

Hay Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cũng chia sẻ: Trận “đại hồng thủy” tháng 11/1999, lũ lụt kinh hoàng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Mễ và chúng tôi mặc áo phao vượt sóng giúp đỡ bà con bị nạn. Nhiều người biết anh Lê Huy Ngọ kêu to: Bác Ngọ đây rồi, chúng ta sống rồi bà con ơi. Bác Ngọ nhớ giữ sức khỏe nhé.

Ba phần của cuốn sách gồm: Tầm nhìn và tư duy về phòng, chống thiên tai; Người đi trong bão lũ; Bộ trưởng của nông dân dù chưa thể lột tả hết cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là quãng thời gian làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT của ông Lê Huy Ngọ nhưng phần nào đó đã phác họa nên phẩm chất của một hào kiệt xứ Thanh như nhiều người nói.

Ông Lê Huy Ngọ được nhiều người gọi thân mật là 'Bộ trưởng nông dân', 'Bộ trưởng lụt bão'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Lê Huy Ngọ được nhiều người gọi thân mật là “Bộ trưởng nông dân”, “Bộ trưởng lụt bão”. Ảnh: Phạm Hiếu.

Điều đọng lại sau khi gấp cuốn sách “Người đi trong bão lũ” không chỉ là tình cảm của đồng chí, đồng đội, của những con người đã sát cánh cùng ông Lê Huy Ngọ suốt những năm tháng vì sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn là niềm tin yêu vô bờ bến của người dân dành cho ông “Bộ trưởng lụt bão”.

Có một người nông dân ở tỉnh Kiên Giang viết thư cho ông Lê Huy Ngọ, trong đó có những đoạn thế này: Bác Ngọ ơi, bác phải sống thật khỏe nghe bác, khi nào con ra Hà Nội con sẽ đến tận nhà bác để thăm bác, sẽ được nhìn thấy bác thực sự, được nắm tay chuyện trò cùng bác... Khi nào có dịp bác về Kiên Giang nếu có điều kiện con mời bác ghé thăm con. Con sẽ đãi bác một bữa cơm đạm bạc của vùng quê Nam Bộ… Đây là tấm lòng của một người dân gửi đến thăm bác. Con chúc bác và gia đình mạnh khỏe và hạnh phúc.

Và rất nhiều tình tình cảm dạt dào của những người chưa một lần tiếp xúc với ông. Có lẽ đó sẽ còn là giá trị lớn lao nhất với một người “nom kham khổ cả khi ngồi với bạn” nhưng “cái gì lợi cho dân thì cố sức vun vào” như trong một bài thơ ông Lê Huy Mai viết về ông Lê Huy Ngọ.

Và cũng bằng những tình cảm đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Người đi trong bão lũ” do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai biên soạn.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.