| Hotline: 0983.970.780

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Huy Ngọ: Phải lo cái bao tử trước

Thứ Tư 17/08/2011 , 10:28 (GMT+7)

Nguyên bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã có cuộc trò chuyện với NNVN về một số vấn đề khi xây dựng NTM.

Ông Lê Huy Ngọ thăm xã Lý Nhơn, Cần Giờ, TPHCM

Mới đây, nguyên Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Huy Ngọ, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã có chuyến thăm và kiểm tra việc xây dựng NTM tại TP. HCM. Nhân dịp này, ông đã có cuộc trò chuyện với NNVN về một số vấn đề khi xây dựng NTM.

Sau khi thăm và kiểm tra tình hình xây dựng NTM ở TP.HCM, ông có nhận xét gì?

Từ xưa đến nay, TP.HCM vẫn luôn là một thành phố năng động, sáng tạo trong công cuộc đổi mới, bằng chứng là đã đạt tốc độ phát triển cao, liên tục trong nhiều năm. Điều đó cho thấy, việc TP. HCM đặt mục tiêu “về đích trước” trong Chương trình xây dựng NTM là có cơ sở vững chắc. Thực tế cho thấy, dẫu rằng TP. HCM vẫn tồn tại những câu chuyện buồn về ngập lụt, tắc đường... nhưng ở góc độ là một người dân thường, chúng ta vẫn rất tự hào trước sự phát triển vượt bậc và không ngừng của TP.HCM. Vấn đề bây giờ là ta phải làm sao để niềm vui ấy lan tỏa từ từ thành phố đến nông thôn.

Xây dựng NTM là chủ trương của Ðảng, Chính phủ nhằm giảm dần khoảng cách chênh lệch về mức hưởng thụ vật chất, văn hóa tinh thần ở địa bàn nông thôn so với nội thành. TP.HCM có 5 huyện với 5 thị trấn, 58 xã, hơn 400 ấp và khoảng 1,4 triệu dân nông thôn, một con số không nhỏ. Nhưng, sự quan tâm, đầu tư khá tốt của chính quyền các cấp, đặc biệt qua Chương trình NTM đã làm cho đời sống người dân ngoại thành ngày càng được nâng cao.

 Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách khá lớn về đời sống vật chất, tinh thần giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, áp lực về sự phát triển, hiện đại cũng rất lớn, đòi hỏi lãnh đạo và đội ngũ thực thi nhiệm vụ duy trì sự phát triển ấy phải vượt qua. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề cho người nông dân vùng nông thôn còn chậm. Một khó khăn rất lớn hiện nay đối với nông thôn là hầu hết lực lượng trí thức trẻ có năng lực, trình độ đều tìm đường ra thành phố lập nghiệp, không mặn mà với đồng quê.

Theo ông, trong xây dựng NTM, những yếu tố nào quan trọng cần làm trước?

Mục tiêu của NTM là nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống và phát huy vai trò của người nông dân. Như vậy thì phải “xây” cái gì trước? Theo tôi, tiêu chí đầu tiên cần thực hiện là phải nâng cao đời sống vật chất và hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân lên trước.

Nói cách khác là lo cho cái bao tử trước rồi mới lo quần áo sau. Bởi chính họ là chủ thể thực hiện, trực tiếp hưởng thụ, trực tiếp chịu trách nhiệm với NTM của họ. Nếu NTM của họ tốt thì họ là người hưởng thụ đầu tiên, nếu chưa tốt thì họ cũng sẽ có trách nhiệm với nó vì đó là nơi họ ăn đời ở kiếp.

Muốn làm tốt được điều đó thì phải phát huy vai trò chủ thể của người nông dân. Phải tuyên truyền cho họ hiểu rằng họ làm cho chính mình. Khi đó, vai trò chủ thể của người nông dân được phát huy, họ được tham gia bàn bạc, góp ý trong việc xây dựng chương trình từ đầu, được tham gia quyết định cái gì cần đầu tư làm trước, cái gì làm sau cho phù hợp với thực tiễn, nguồn lực của địa phương. Để họ trực tiếp tham gia xây dựng một số công trình vừa tầm với khả năng, vừa làm vừa kiểm soát.

Tóm lại, NTM phải là sản phẩm của tính tích cực, năng động của từng người, từng hộ, từng ấp và cả xã. Đồng thời NTM phải là sự lan tỏa tính năng động - sáng tạo - nỗ lực vượt bậc từ thành phố về. 

Trong tiến trình xây dựng NTM, theo ông chúng ta cần có tầm nhìn và quy hoạch chiến lược thế nào để đạt được mục tiêu nhanh và bền vững?

"Cần lưu ý là mỗi địa phương, mỗi vùng miền có những đặc trưng riêng về phong tục, tập quán, kinh tế, văn hóa. Cho nên, không nên coi 19 tiêu chí về NTM là “khuôn vàng thước ngọc” để tất cả các địa phương rập khuôn, thực hiện một cách máy móc.

“Tiêu chí là chỗ dựa, thực tiễn là cơ sở, hiệu quả là mục tiêu”, nên cần áp dụng các tiêu chí một cách linh hoạt, biết “liệu cơm gắp mắm”, đừng cố gồng mình khi chưa đủ lực. Địa phương nghèo, tiền ít mà muốn làm nhiều, làm nhanh thì dễ dẫn đến tình trạng “dục tốc bất đạt”, đến khi làm xong lại thiếu kinh phí duy trì", ông Lê Huy Ngọ.

Xây dựng NTM là một chương trình kinh tế - xã hội lâu dài. Vì vậy, phải bắt đầu từ qui hoạch, phát triển bền vững phù hợp với tầm nhìn của thành phố và khu vực. Từng bước đầu tư xây dựng, hiện đại hóa về cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước… nhằm phục vụ cho sản xuất, đời sống dân cư và quan trọng hơn là có thể kết nối thông suốt với vùng đô thị.

 

Phải dần dần xóa bỏ phương thức sản xuất nông nghiệp vụn vặt, manh mún, thay vào đó là những hình thức sản xuất hiện đại, mang tính tập thể, chuyên nghiệp cao. Phải đưa nông nghiệp đi lên trên cơ sở khoa học tiên tiến, tiêu biểu cho nền nông nghiệp của cả khu vực. Từng bước giảm dần khoảng cách về hưởng thụ so với thành phố.

Có một thực tế ai cũng thấy rất rõ là văn hóa nông thôn nói chung (kể cả những xã đang xây dựng NTM) đang mai một dần đi. Phải chăng trong quá trình xây dựng NTM chúng ta chú tâm xây dựng những công trình hiện hữu mà quên mất việc rất quan trọng là duy trì, phát triển bản sắc văn hoá truyền thống Việt Nam ở vùng nông thôn? Một trong những đặc trưng cơ bản của nền văn hoá ấy là ý thức cộng đồng, nó thể hiện ở tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau. Những yếu tố này đã tạo nên lòng yêu nước, tinh thần nhân văn, đạo lý làm người.

 Do đó, bảo tồn, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc là một tiêu chí rất quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Người nông dân không chỉ làm ra sản phẩm nông nghiệp phục vụ con người nói chung, họ còn là nhân tố tổ chức và duy trì hoạt động đời sống văn hoá truyền thống.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 3/2024

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã thống nhất và quyết định đánh giá 28 sản phẩm đủ điều kiện để trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT công nhận đạt OCOP 5 sao.