Chia sẻ trên kênh Telegram của mình hôm 11/1, ông Medvedev cho biết "một số kẻ hiếu chiến Ukraine" đã gợi ý rằng biện pháp tốt nhất để đánh bại Nga là phá hủy các bãi phóng tên lửa của nước này bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp.
Theo ông Medvedev, kết cục duy nhất cho những hành động trên sẽ là một cuộc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân theo điều 19 trong các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước Nga về răn đe hạt nhân.
Điều 19 trong học thuyết hạt nhân năm 2020 của Nga quy định tổng thống Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả khi xảy ra cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga.
"Đây không phải là quyền tự vệ, mà là cơ sở trực tiếp và rõ ràng để chúng tôi sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một quốc gia như vậy", ông Medvedev viết. Ông cũng cảnh báo rằng "Ukraine và các nước phương Tây đang ủng hộ chính quyền Kiev nên nhớ điều này".
Cựu Tổng thống Nga không nêu tên các chỉ huy Ukraine đề xuất tấn công các bãi phóng tên lửa của Nga. Tuy nhiên, trước đó cùng ngày, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yuri Ignat tuyên bố rằng Kiev không có đủ nguồn lực để bắn hạ hàng nghìn tên lửa S-300 đang được lưu trữ trong các kho quân sự của Nga và có thể bắn vào Ukraine.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Ignat cho rằng "biện pháp tốt nhất" để phòng thủ trước các cuộc tấn công như vậy là phá hủy các bãi phóng tên lửa được đặt trên lãnh thổ Nga. Để thực hiện điều này, ông Ignat tuyên bố rằng Kiev sẽ cần sử dụng vũ khí chính xác cao.
Ông Medvedev từng nhiều lần đề cập đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nhưng đây là lần đầu tiên ông nêu ra một trường hợp cụ thể Nga có thể đáp trả bằng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga và Mỹ là hai các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga sở hữu 5.889 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.244 đầu đạn hạt nhân.