Theo dự kiến, ngày mai 10/12, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước), và Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic, cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đáng chú ý, trước ngày hầu tòa, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP Hà Nội về vụ án. Cụ thể, việc tìm kiếm công nghệ xử lý ô nhiễm cho ao hồ Hà Nội mới là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thành ủy và Hội đồng nhân dân TP. Theo đó, qua quan sát thì rõ ràng việc đưa Redoxy-3C vào sử dụng là một chủ trương đúng hiệu quả với thực tế, có lợi nhất cho ngân sách nhà nước.
Trong bản khiếu nại, ông Nguyễn Đức Chung phủ nhận việc chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng phải mua Redoxy-3C của Arktic. Cùng với đó, ông Chung cũng phủ nhận việc nói ông Giang phải bán Redoxy- 3C cho Công ty Thoát nước.
Trong đơn, ông Chung còn nhắc đến việc phải đi mổ ung thư phổi tại Pháp từ tối ngày 15/10/2016 đến 10/11/2016. Trong khi đó, Công ty thoát nước ký hợp đồng mua lô hàng thứ 3 vào ngày 31/10/2016, nên ông đề nghị xem xét lại vai trò của mình trong vụ án.
Cuối đơn khiếu nại 16 trang, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng bản cáo trạng kết luận số tiền thiệt hại và nhiều nội dung khác là không chính xác. Do đó, ông Chung đề nghị với Chánh án cần trưng cầu giám định lại xem thiệt hại là bao nhiêu?
Theo cáo trạng, năm 2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp. Bị can Nguyễn Đức Chung khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại TP Hà Nội.
Tuy nhiên, sau đó ông Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH như chỉ đạo bằng văn bản. Cùng với đó, ông Chung yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thử nghiệm và chưa có cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy-3C.
Trong giai đoạn này, bị can Nguyễn Trường Giang dù không phải cán bộ của UBND TP Hà Nội nhưng trong suốt quá trình đi thăm, làm việc, khảo sát, trao đổi, đàm phán, có vị thế ký độc quyền, nhập khẩu từ Watch Water GmbH và bán cho UBND TP Hà Nội chế phẩm Redoxy 3C do chính UBND TP Hà Nội đặt hàng. Khi Công ty Thoát nước chưa ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Arktic, ông Chung yêu cầu bị can Võ Tiến Hùng ứng trước tiền mua. Thực hiện chỉ đạo của ông Chung, bị can Võ Tiến Hùng dùng tiền của gia đình chuyển cho bị can Nguyễn Trường Giang 4,6 tỉ đồng ứng trước để mua chế phẩm Redoxy-3C.
Theo đó, chỉ đạo bằng văn bản tiêu thụ độc quyền chế phẩm Redoxy-3C đã được hãng Watch Water GmbH đồng ý bán với giá 8,5 Euro/1kg, mang lại lợi ích cho TP. Tuy nhiên, bị can Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng làm trái pháp luật mua qua Công ty Arktic (với giá 295.000 đồng/1kg đến 326.000 đồng/1kg), mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic
Cơ quan tố tụng cáo buộc hành vi phạm tội của ông Chung có động cơ vụ lợi trong vụ án này. Cụ thể, Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị can Chung) bỏ 100% vốn (5 tỷ đồng) và lấy tên con trai Nguyễn Đức Hạnh đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh. Sau đó, bà Hoa nhờ một người khác đứng tên sở hữu 40% vốn điều lệ thay cho gia đình bị can Chung, còn bị can Nguyễn Trường Giang đứng tên sở hữu 60% vốn điều lệ.
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic để công ty này được hưởng khoản lợi nhuận hơn 36 tỷ đồng.