Việc Nga tái tham gia thỏa thuận ngũ cốc Ukraine hôm 2/11 được coi là một sự hồi sinh của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, nhằm giảm bớt lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Động thái trên diễn ra khi Washington cho biết, "ngày càng lo ngại" việc Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch của mình tại Ukraine.
Trước đó vào hôm thứ Bảy, Moscow cho biết “tạm thời rút lui” khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine, và cáo buộc Kiev sử dụng một hành lang vận chuyển hàng hóa được thiết lập theo thỏa thuận đã ký để tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hạm đội Biển Đen của họ ở quân cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea hôm 29/10.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hiện đã nhận được “các bảo đảm thực sự” từ Kiev rằng nước này sẽ không sử dụng hành lang hàng hải trên để thực hiện các cuộc tấn công.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Nga tiếp tục tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc bốn bên do Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7.
Trên Twitter cá nhân, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì vai trò của ông trong việc duy trì thỏa thuận ngũ cốc. Nhà lãnh đạo Ukraine sau đó đã ca ngợi việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc trên là "một thành quả ngoại giao quan trọng đối với đất nước chúng tôi và toàn thế giới".
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn ra điều kiện khi nói rằng Nga có thể rời bỏ thỏa thuận này một lần nữa nếu Ukraine vi phạm các cam kết của họ, mặc dù Moscow sẽ không can thiệp vào bất kỳ hoạt động giao hàng ngũ cốc nào ngay cả khi điều đó xảy ra.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo tuyến đường thủy này là nguy hiểm đối với các chuyến hàng mà nước này không tham gia vào thỏa thuận, tuy nhiên một số chuyến hàng từ Ukraine vẫn được tiến hành trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba.
Một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hành lang ngũ cốc Biển Đen đã mở cửa trở lại từ 09:00 GMT, mặc dù không có chuyến khởi hành nào từ Ukraine được lên kế hoạch vào thứ Tư.
Trong khi đó Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nói, Moscow vẫn chưa quyết định liệu họ có tiếp tục là một phần của thỏa thuận sau ngày 18/11 hay không.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết, thỏa thuận sẽ được gia hạn vào ngày 19 tháng 11, nhưng việc gia hạn lại là một vấn đề khác và quyết định đó sẽ được đưa ra khi đã "tính đến tất cả các yếu tố đi kèm".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price, hôm thứ Tư đã hoan nghênh động thái tái gia nhập thỏa thuận ngũ cốc của Nga, đồng thời nói rằng điều này sẽ tạo ra một sự ổn định hơn cho khu vực và quan trọng nhất là gây sức ép giảm giá thực phẩm toàn cầu.
Thỏa thuận do Trung tâm Điều phối chung của Liên Hợp quốc đóng ở thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) giám sát đã cho phép hơn 9,7 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm khác rời các cảng biển của Ukraine xuất khẩu.
Điều này đã góp phần làm giảm bớt căng thẳng cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu gây ra bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu trên toàn cầu.
Dự kiến, vụ thu hoạch này nông dân Ukraine sẽ bị chất đống thêm 20 triệu tấn ngũ cốc tồn đọng trong các kho chứa do không thể xuất khẩu. Chi phí vận chuyển hiện đã tăng lên 130-230 USD một tấn, từ mức khoảng 35 USD hồi trước xung đột. Trong khi đó, giá ngũ cốc ở Ukraine đã sụt giảm khoảng 2/3, do nông sản tồn đọng quá nhiều.