Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ "ổn định, lành mạnh và bền vững" với Washington, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Lima, Peru hôm 16/11.
"Là hai cường quốc lớn trên thế giới, cả Trung Quốc và Mỹ đều không nên tìm cách thay đổi nước kia theo định hướng của mình, đàn áp bên kia khỏi thứ gọi là 'vị thế sức mạnh', hay tước đi quyền phát triển hợp pháp của bên kia để duy trì vị thế dẫn đầu của mình", ông Tập Cận Bình nói.
Ông cũng phản đối những nỗ lực nhằm kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
"Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không nên diễn ra và sẽ không có bên nào giành chiến thắng. Kìm hãm Trung Quốc là điều không khôn ngoan, không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ thất bại", ông nói.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh điều quan trọng là hai nước phải đối xử bình đẳng với nhau. Ông Tập thừa nhận rằng mặc dù việc các cường quốc có những bất đồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều cần thiết là phải tôn trọng những lợi ích cốt lõi nhất định của nhau.
"Vấn đề Đài Loan, dân chủ và nhân quyền, đường lối và thể chế của Trung Quốc và quyền phát triển là 4 lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc. Mỹ không nên đi quá những giới hạn này. Đây là những 'lưới an toàn' quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung", ông Tập Cận Bình tuyên bố.
Bắc Kinh và Washington có thể đạt được tiến bộ đáng kể nếu hai bên "đối xử với nhau như đối tác và bạn bè" và tránh "cạnh tranh quyết liệt", ông Tập nói.
Mỹ đã chính thức ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc", công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington cũng thể hiện sự ủng hộ với Đài Loan, bán vũ khí và cam kết hỗ trợ quân sự trước nguy cơ xung đột với Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh coi là vi phạm chủ quyền của mình.
Ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chính phủ sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách bảo hộ cứng rắn của mình nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của Mỹ, đặc biệt là trước Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã khơi mào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khi cả hai nước liên tục áp đặt thuế quan và lệnh trừng phạt với nhau. Chính quyền Tổng thống Biden đã tiếp tục những gì ông Trump đã bắt đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua.
Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2023 ở San Francisco, khi căng thẳng hai nước leo thang sau vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay sang Mỹ. Trong cuộc thảo luận kéo dài 4 giờ đó, ông Biden rời đi sớm và sau đó gọi ông Tập là "nhà độc tài" trong một cuộc họp báo.