Chính phủ Pakistan đã điều động 650.000 binh sĩ, lực lượng bán quân sự và cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh cho cuộc tổng tuyển cử ngày 8/2 sau 2 vụ nổ gần các điểm bầu cử khiến 26 người thiệt mạng ở tỉnh Balochistan hôm 7/2.
Theo giới chức địa phương, vụ tấn công đầu tiên xảy ra gần văn phòng một ứng cử viên độc lập ở huyện Pishin, tỉnh Balochistan, khiến 16 người thiệt mạng và 25 người bị thương. Trong khi đó, vụ nổ thứ hai xảy ra gần văn phòng bầu cử của một ứng cử viên thuộc đảng Islamist Jamiat Ulema-e-Islam-F (JUI-F) ở thị trấn Qilla Saifullah gần biên giới giáp Afghanistan, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ đánh bom.
"Các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Pakistan đã khiến nhiều người dân thiệt mạng, các biện pháp an ninh là cần thiết để duy trì tình hình trật tự và đối phó với các mối đe dọa có thể xảy ra. Chúng tôi đã quyết định tạm thời dừng dịch vụ viễn thông trên toàn quốc", Bộ Nội vụ Pakistan chia sẻ trên mạng xã hội X.
Bộ Ngoại giao Pakistan cũng thông báo đóng cửa biên giới trên đất liền với các nước láng giềng Iran và Afghanistan trong ngày 8/2 trong một nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh cuộc tổng tuyển cử.
Sáng 8/2, khoảng 127 triệu cử tri Pakistan đã đi bỏ phiếu bầu Quốc hội nhiệm kỳ mới trong bối cảnh các vụ tấn công của phiến quân leo thang. Đây là cuộc bầu cử lần thứ 12 trong lịch sử 76 năm kể từ khi quốc gia Nam Á này giành độc lập.
Hơn 90.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước Pakistan đã mở cửa từ 8h (giờ địa phương) đến 17h cùng ngày, với hơn 650.000 nhân viên quân đội, bán quân sự và cảnh sát đảm bảo an ninh.
Các đảng được dự đoán giành được nhiều phiếu nhất lần lượt là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, Đảng Tehreek-e-Insaf Pakistan (PTI) của cựu Thủ tướng đang bị kết án Imran Khan và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cựu Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari.
Mặc dù số liệu bầu cử sẽ bắt đầu có vào tối 8/2, song kết quả chính thức sẽ được công bố một ngày sau đó.
Sau cuộc bầu cử này, Quốc hội mới được bầu sẽ bầu ra Thủ tướng. Nếu không có đảng nào giành được đa số, đảng giành được tỷ lệ ghế lớn nhất trong Quốc hội có thể thành lập chính phủ liên minh.
Chính phủ sắp tới của Pakistan được cho là sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm quản lý tình trạng bất ổn nội bộ, giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và tình trạng di cư bất hợp pháp.
Lạm phát đang tăng vọt ở mức gần 30%, với đồng rupee giảm mạnh trong 3 năm qua và thâm hụt cán cân thanh toán đáng kể đã dẫn đến việc ngừng nhập khẩu, cản trở đáng kể việc mở rộng công nghiệp.