PGS.TS Phạm Kim Đăng (Học viện Nông nghiệp VN) |
Từ khi bệnh DTLCP xuất hiện trên thế giới (1921) và hiện nay là Việt Nam, các nhà khoa học đều khẳng định virus này không có khả năng lây sang người. DTLCP chỉ gây hậu quả làm chết vật nuôi, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và người chăn nuôi.
Khi phát hiện dịch bệnh, biện pháp tiên quyết là tiêu hủy ổ dịch, đồng thời giám sát khu vực xung quanh để khống chế. Theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, có thể khi người dân nhìn thấy những hình ảnh tiêu hủy đã hiểu sai bản chất vấn đề. Thực chất việc tiêu hủy chỉ nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh chứ không hề nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Về cơ chế lây lan, PGS.TS Phạm Kim Đăng cho rằng, theo một số nghiên cứu, dịch bệnh lây lan nhanh là do nhiễm qua đường thức ăn, đặc biệt là thức ăn tận dụng. Trong khi, tại nước ta, nền chăn nuôi vẫn chủ yếu là nông hộ, nhỏ lẻ nên việc này vô cùng khó kiểm soát.
Nói về xu hướng tẩy chay thịt lợn, PGS.TS Phạm Kim Đăng chia sẻ, đây thực sự là điều đáng buồn, vì nền chăn nuôi của nước ta hiện nay đang phát triển. Lượng thịt lợn luôn đảm bảo tiêu thụ nội địa, đứng top 6 trên thế giới về tổng đàn. “Tôi cho rằng, về việc này, có thể do người dân chưa nhận thức chính xác về dịch bệnh. Ở các nước như châu Âu, bao năm họ vẫn sống chung với dịch bệnh, không hề có chuyện tẩy chay. Theo tôi, người dân cần thay đổi nhận thức, không nên quay lưng với thịt lợn. Thực tế, nếu người dân sử dụng nguồn thịt lợn được kiểm soát, đảm bảo an toàn, uy tín kinh doanh như các siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch thì hoàn toàn yên tâm về sức khỏe”, PGS.TS Phạm Kim Đăng nhấn mạnh.