| Hotline: 0983.970.780

Phá táo, trồng nho

Thứ Ba 26/03/2013 , 10:16 (GMT+7)

Sau vài năm ồ ạt trồng táo, nhiều hộ dân ở Ninh Thuận phải ăn “trái đắng”. Khi chuyển sang trồng nho, nhờ thời tiết, giá cả ổn định... nên trúng đậm.

Sau vài năm ồ ạt trồng táo, nhiều hộ dân ở Ninh Thuận phải ăn “trái đắng”. Khi chuyển sang trồng nho, nhờ thời tiết, giá cả ổn định... nên trúng đậm.

Lãi 50 triệu/sào

Chúng tôi về xã Nhơn Sơn, vùng trồng nho nhiều nhất huyện Ninh Sơn. Không như những địa phương khác "chạy theo" cây táo khi nho bị sâu bệnh và mất giá, người dân ở đây vẫn trung thành với cây nho truyền thống. Trên cánh đồng, người mua, kẻ bán tấp nập, tiếng cười rộn rã. Không vui sao được, khi mà giá nho đang ở trên “đỉnh” cùng với năng suất cao hơn năm trước.

Mặc dù đã quá trưa, vợ chồng bác Trần Thị Em, thôn Đắc Nhơn 2 vẫn miệt mài cắt nho chín để kịp bán cho thương lái. "Năm nay thời tiết thuận lợi, từ ngày cắt cành đến ngày thu hoạch (3 tháng) không có mưa nên năng suất nho cao hơn các vụ trước, giá cũng cao hơn trước tết khoảng 3.000 đ/kg và cao hơn so với cùng thời kỳ 10.000 đ/kg", bác Em nói.

Với 2 sào (2.000 m2) nho đỏ (cardinal) đang cho thu hoạch, bác Em đã thu được 2 tấn quả, bán ngay tại ruộng với giá 27.000 đ/kg, số còn lại trên giàn cũng còn khoảng 2 tấn, thương lái đã đặt tiền mua. Như vậy, riêng vụ này bác Em thu được khoảng 110 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, thuốc BVTV và thuê nhân công hết 20 triệu, lãi ròng 90 triệu.

Bác Em cho biết thêm, nhà còn 2 sào nho đang ra quả con, khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch, diện tích này năng suất hơn và khả năng giá còn cao hơn bởi tháng 3 âm lịch nho tại Ninh Thuận thường được giá nhất trong năm. Như vậy nếu không có gì bất thường thì vụ ĐX năm nay, gia đình bác Em thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ 4 sào nho.

Gần ruộng nho nhà bác Em, anh Mai Tư Hùng đang mải miết cắt tỉa những quả nho còi cọc để khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Anh Hùng phấn khởi: Nhà tôi có 1,6 sào nho, năm nay thời tiết thuận nên dự kiến thu được khoảng 4 tấn quả, với giá hiện nay thì chắc chắn có lãi gần 100 triệu đồng, bởi chi phí cũng chỉ hết 15 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay giá nho đỏ được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá từ 25.000 - 28.000 đ/kg, còn nho xanh (NH01 - 48) có giá từ 35.000 - 40.000 đ/kg. Mặc dù năng suất 2 giống nho này tương đương nhau nhưng nho xanh SX khó hơn nên người dân chủ yếu trồng nho đỏ.

Anh Hùng cho biết: Tại Ninh Thuận, không có cây gì cho thu nhập cao hơn cây nho, trồng nho mỗi năm thu hoạch được 3 vụ. Vụ ĐX là vụ chính, năng suất và giá rất cao, còn các vụ sau do mưa nhiều nên năng suất thường thấp, mỗi sào thường chỉ lãi 10 - 15 triệu đồng. Như vậy mỗi năm 1 sào nho lãi từ 50 - 60 triệu đồng là chuyện bình thường, nhiều hộ trồng giỏi thu được cả trăm triệu.

Lại phá táo trồng nho

Xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước là địa phương có phong trào chuyển đổi từ cây nho sang táo diễn ra mạnh mẽ. Nhưng giờ đây nhữn gốc táo được phá bỏ, thay vào đó là nho mới trồng, xanh mơn mởn. Anh Nguyễn Văn Trúc, thôn Thuận Hòa đang cột những ngọn nho trồng được hơn 1 tháng sắp leo giàn. "Đám ruộng này trồng nho từ năm 1995, sau hơn 10 năm cây già cỗi phải phá bỏ trồng lại. Thời gian này người ta trồng táo thắng lớn, thấy mà phát ham nên tôi phá nho làm táo", anh than thở.

Ông Lưu Khoan, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận:

Trước sự “xâm lấn” của cây táo, tỉnh đã có chính sách khuyến khích người trồng nho như hỗ trợ toàn bộ cây giống. Đến nay đã hỗ trợ SX 183 ha nho với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng và sẽ tiếp tục có thêm chính sách để phát triển cây nho, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nông dân…

Tuy nhiên, cây táo cũng không dễ ăn như anh Trúc nghĩ, bị nhiều sâu bệnh, đặc biệt là ruồi vàng đục quả; chỉ để làm thức ăn cho dê, cừu. Gần 20 triệu đồng cùng công sức đổ vào ruộng táo mà không thu hoạch được bao nhiêu, năm nào cũng lỗ hoặc hòa vốn. Thất bại với táo nên cuối năm 2012 anh Trúc đã quyết định chặt bỏ để trồng lại cây nho.

Không bị thua lỗ như gia đình anh Trúc, nhưng gia đình bác Ngô Văn Tánh (thôn Thuận Hòa) có gần 2 sào táo trồng từ năm 2009, hằng năm bác chỉ thu lãi được 15 - 20 triệu đồng. Thấy táo cho thu nhập kém hơn nhiều cây nho, sau tết bác Tánh đã chặt bỏ để trồng lại. Bác Tánh cho biết: Trước đây toàn bộ diện tích này đều được trồng nho, tuy vất vả hơn táo nhưng cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đ/năm.

Ông Nguyễn Thành Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Trước đây xã có diện tích nho lớn nhất tỉnh, năm 1992 đạt 397 ha; giai đoạn này chỉ cần bán 1 tạ nho là mua được 1 chỉ vàng, do vậy nhiều hộ đã nhanh chóng giàu lên. Tuy nhiên, đến năm 2008 diện tích nho bắt đầu giảm, do nhiều vườn đến thời kỳ phải trồng lại cùng giá cả thiếu ổn định, thời tiết thất thường, dịch bệnh liên miên. Đỉnh điểm năm 2009 cây nho bị thu hẹp diện tích xuống còn 60 ha, còn táo đã tăng lên 189 ha.

Theo ông Đức thì cây táo cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên do dịch bệnh nhiều và giá bán thấp trong năm 2011 và 2012, nhiều hộ dân đã quay trở lại trồng nho, đến nay diện tích nho đã tăng lên được 120 ha.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.