| Hotline: 0983.970.780

Tiếc cho một nghị quyết hụt về hỗ trợ cấp mã số vùng trồng

Thứ Tư 04/08/2021 , 07:40 (GMT+7)

Mới đây, nhiều người làm trong ngành nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình tỏ ra tiếc cho một dự thảo Nghị quyết đầy tâm huyết, mang tính tiên phong đã không được ban hành.

Đã được Luật hóa

Thời gian tới, khi Bộ NN-PTNT triển khai đồng loạt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng theo quy định của Luật Trồng trọt thì hoạt động cấp mã số vùng trồng không chỉ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu mà còn cả cho nội địa.

Đồng thời, Luật Trồng trọt cũng quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên cho tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng; UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Chanh leo, một cây ăn quả mới có nhiều tiềm năng phát triển và xuất khẩu của Hòa Bình. Ảnh: DĐT.

Chanh leo, một cây ăn quả mới có nhiều tiềm năng phát triển và xuất khẩu của Hòa Bình. Ảnh: DĐT.

Để được cấp mã số, vùng trồng phải đáp ứng nhiều yếu tố như: Tập trung, diện tích phù hợp và được định vị, áp dụng quy trình đồng nhất về canh tác, GAP, phòng trừ dịch bệnh, ghi chép nhật ký, đặc biệt là xử lý thuốc bảo vệ thực vật...

Sản phẩm sau khi thu hoạch cần phải sơ chế, đóng gói trước khi đưa ra thị trường. Cơ sở đóng gói cũng cần phải được chuẩn hóa, nhất là cho mục đích xuất khẩu theo quy định của kiểm dịch thực vật như diện tích nhà xưởng, trang thiết bị, nguồn nước sơ chế, hàng luân chuyển theo nguyên tắc 1 chiều, không có côn trùng, lao động đảm bảo sức khỏe và bảo hộ...

Ở Hòa Bình, hoạt động hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được thực hiện thí điểm từ năm 2019. Theo thống kê từ ngành nông nghiệp của tỉnh này, đến hết 2020 đã được cấp 9 mã số vùng trồng với diện tích canh tác 76,3 ha và 6 mã số cơ sở đóng gói. Nhờ đó đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi và 180 tấn chuối của Thành phố Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục các sản phẩm trồng trọt chủ lực của mình gồm cam, quýt, bưởi, lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, Hòa Bình có nhiều sản phẩm đã và đang phát triển thành sản xuất hàng hóa như nhãn, thanh long, chuối, bí xanh, bí đỏ, dưa hấu và nhiều sản phẩm lợi thế vùng miền như mía tím, mía trắng, chè, ngô nếp, quả ôn đới (hồng, mận, đào), cây gia vị và cây dược liệu.

Hòa Bình có dư địa rất lớn để sản xuất chuối, nhưng việc xuất khẩu còn rất hạn chế. Ảnh: Trung Quân. 

Hòa Bình có dư địa rất lớn để sản xuất chuối, nhưng việc xuất khẩu còn rất hạn chế. Ảnh: Trung Quân. 

Một phần trong số chúng đã và đang được xuất khẩu, tuy nhiên hầu hết do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện còn chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn chưa theo dõi, thống kê được đầy đủ về đường xuất ngoại của sản phẩm do chính nông dân mình làm ra.

Qua thực tế có thể thấy, việc cấp mã số vùng trồng đã bước đầu tác động tới việc xuất khẩu nông sản của tỉnh Hòa Bình nhưng số lượng, diện tích thực hiện chưa đáng kể, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sản xuất. Hoạt động sơ chế, đóng gói sản phẩm đúng quy định mới chỉ được thực hiện ở một số ít doanh nghiệp cho một số sản phẩm rau, chuối, chè.

Phần lớn việc sơ chế đóng gói sản phẩm trồng trọt của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp diễn ra ngay trên đồng ruộng hay tại những cơ sở nhỏ hẹp, không được trang bị dụng cụ, thiết bị phù hợp, khiến chất lượng, mẫu mã không đồng đều.

Năng lực bảo quản cũng rất hạn chế, chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Đó là những rào cản ngăn cơ hội xuất khẩu trực tiếp nông sản nói chung, sản phẩm trồng trọt nói riêng của tỉnh Hòa Bình.

Vạn sự khởi đầu nan

Trong phạm vi cả nước, đến nay chuyện cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mới ở giai đoạn ban đầu, chỉ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Tại miền Bắc, một số tỉnh đã thực hiện khá thành công việc này trên các vùng trồng nhãn, vải, chuối, dưa hấu, thanh long... như Hải Dương có 95 mã số vùng trồng và 120 mã số cơ sở đóng gói, Bắc Giang có 215 mã số vùng trồng và 289 mã số cơ sở đóng gói, Sơn La có 130 mã số vùng trồng và 37 mã số cơ sở đóng gói.

Nhãn cũng là một trong những cây ăn quả mà Hòa Bình có tiềm năng, song chưa được chú trọng bài bản cho khâu xây dựng mã số vùng trồng và xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Nhãn cũng là một trong những cây ăn quả mà Hòa Bình có tiềm năng, song chưa được chú trọng bài bản cho khâu xây dựng mã số vùng trồng và xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Dù một số tỉnh thành đã chi khá nhiều tiền cho việc hỗ trợ các hoạt động cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhưng để thành một nghị quyết hỗ trợ nó, để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với nó thì chưa có.

Chính vì vậy những người làm dự thảo "Nghị quyết về hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt nhiều hi vọng.

Khi được triển khai, Nghị quyết này sẽ giúp nông sản của mình chủ động trước những yêu cầu thay đổi hàng ngày trên thị trường và đưa Hòa Bình trở thành tỉnh đầu tiên thực hiện đồng bộ hoạt động cấp mã số vùng trồng. Từ đó tỉnh có thể quản lý tốt các vùng trồng cây chủ lực và lợi thế của mình cũng như kiểm soát được các loài sinh vật hại, truy xuất được nguồn gốc nông sản.

Mục tiêu cụ thể của dự thảo đến năm 2025, sẽ hỗ trợ cấp và quản lý khoảng 300 - 500 mã số vùng trồng, tương ứng 3.000 - 5.000 ha canh tác và khoảng 50 cơ sở đóng gói, trong đó ít nhất 10 cơ sở có đủ năng lực cho hàng xuất khẩu. Có đủ sơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, được số hóa và khai thác hiệu quả phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối giao thương và quảng bá thương hiệu.

Đến năm 2030, ít nhất 85% diện tích canh tác các cây trồng chủ lực, có lợi thế của tỉnh, đáp ứng về quy mô sẽ được cấp và duy trì mã số vùng trồng; mở rộng quy mô của các cơ sở đóng gói theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, gắn liền với bảo quản và chế biến.

Việc cấp và quản lý vùng trồng không chỉ có ý nghĩa chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu, mà còn phục vụ cho yêu cầu quản lý, truy xuất đối với nông sản tiêu thụ nội địa. Ảnh: DĐT.

Việc cấp và quản lý vùng trồng không chỉ có ý nghĩa chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu, mà còn phục vụ cho yêu cầu quản lý, truy xuất đối với nông sản tiêu thụ nội địa. Ảnh: DĐT.

Cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được quản lý, khai thác hiệu quả, trở thành một loại hình sàn giao dịch giữa người sản xuất với khách hàng trong và ngoài nước.

Hàng loạt các giải pháp cũng được Hòa Bình đề ra một cách đồng bộ gồm thông tin tuyên truyền, tăng cường quản lý nhà nước, khoa học - công nghệ, cơ chế, chính sách… Về nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) chiếm khoảng 10%; vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế hã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi chiếm khoảng 20%; vốn của doanh nghiệp, HTX và người sản xuất, hỗ trợ, vốn ODA chiếm khoảng 70%. Trong đó, các nguồn vốn ngân sách tập trung hỗ trợ, đầu tư cho các nội dung mà người sản xuất không tự làm được hay làm không hiệu quả.

Khi mọi trình tự thực hiện đã xong, dự kiến Nghị quyết trên sẽ được Hòa Bình ban hành trong tháng 4 năm 2021 nhưng rồi lại thôi, bởi khó khăn về nguồn lực. Nội dung hỗ trợ cấp mã số vùng trồng về sau chỉ được gói gọn, gộp chung vào trong một đề án.

Theo một số cán bộ trong ngành, việc cấp mã số vùng trồng nếu làm bài bản, công khai minh bạch, gắn liền với số hóa và không chạy theo thành tích sẽ thành công, còn nếu không sẽ như VietGAP ở nhiều nơi bị thả lỏng, trở thành một “lá bùa” mất thiêng.

Lý do, thứ nhất VietGAP do tổ chức chứng nhận được chỉ định công nhận nhưng trong quá trình thực hiện lại không chú ý đến việc thanh tra, kiểm tra xem có đảm bảo chất lượng hay không. Thứ hai, cứ nói VietGAP dễ làm, hiệu quả nhưng thực tế thì tỷ lệ chứng nhận đến nay chẳng đáng là bao và lại khó duy trì.

Người sản xuất không mặn mà với chúng bởi các loại nông sản được chứng nhận đem bán giá lại không cao hơn so với nông sản thường trong khi làm thì mất nhiều công đoạn hơn. Thứ ba là người tiêu dùng còn thờ ơ với VietGAP bởi khi mua bán chỉ thấy tấm giấy chứng nhận được photo không hơn, không kém còn lại vẫn phải mua bán bằng niềm tin giống như hàng ngoài chợ.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.