| Hotline: 0983.970.780

Phận bạc con cá trắng bạc trên Hồ Thác Bà

Thứ Ba 16/10/2007 , 08:15 (GMT+7)

Dự án Đầu tư nuôi trồng-khai thác và chế biến cá trắng bạc trên hồ Thác Bà được tỉnh Yên Bái cho phép Trung tâm Thuỷ sản liên doanh với Cty Gia Phong-Trung Quốc đầu tư. Sau gần hai năm triển khai, hơn 3 tỷ đồng ném xuống hồ, dự án dừng lại vì không hiệu quả.

Một dự án với nhiều tai tiếng

Năm 1999 được sự giới thiệu của Văn phòng Công ty CMEC tại Hà Nội, ông Hoàng Tuấn Xuyên, GĐ Cty hữu hạn công mậu Gia Phong-Vân Nam-Trung Quốc (gọi tắt là Cty Gia Phong) đến Yên Bái khảo sát, thăm dò và đề nghị hợp tác đầu tư nuôi cá trắng bạc trên hồ Thác Bà. Tháng 4/2001 tỉnh Yên Bái cử một đoàn công tác sang thăm và khảo sát việc nuôi cá trắng bạc tại Vân Nam từ ngày 5/5/2001 đến 9/5/2001, sau đó có báo cáo lên Thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái và được đồng ý để Trung tâm Thuỷ sản liên doanh với Cty Gia Phong lập tờ trình báo cáo Bộ thuỷ sản xin ý kiến. Ngày 4/6/2001, Bộ thuỷ sản có công văn số 1568/TS.KHCN nhất trí với đề nghị của tỉnh Yên Bái xây dựng dự án Đầu tư nuôi trồng-khai thác và chế biến cá trắng bạc trên hồ Thác Bà.

Theo dự án này thì cá trắng bạc trưởng thành kích thước dài 7-10cm, trọng lượng 250-300con/kg, thịt cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều Protit và các nguyên tố vi lượng, được gọi là “sâm nước”. Giá bán cá đông lạnh trên thị trường Nhật Bản, EU, Bắc Mỹ từ 10-12USD/kg, tương đương 150.000-180.000đ/, hiện mới chỉ đáp ứng 8-10%. Hồ Thác Bà có diện tích mặt nước 19.050 ha, với dung tích 2,9 tỷ m3 nước, nhiệt độ trung bình từ 13-220C, đáy hồ có nhiều phù du rất phù hợp nuôi cá trắng bạc. Tổng mức đầu tư cho dự án là 11,15 tỷ, trong đó đầu tư phát triển cá trắng bạc 4,45 tỷ, khai thác đánh bắt 1,3 tỷ, xây dựng nhà máy chế biến 4,1 tỷ… hàng năm khai thác chế biến 400 tấn cá, nguồn thu khai thác từ cá trắng bạc đạt 48 tỷ, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động, sau 4 năm sẽ hoàn trả vốn đầu tư, thời gian thực hiện dự án 10 năm.

Theo hợp đồng giữa Trung tâm Thuỷ sản và Cty Gia Phong, phía Yên Bái góp 51% vốn, Cty Gia Phong góp 49% tiền mua trứng cá trắng bạc với giá 10.000 USD/1 triệu trứng. Trung tâm đã nhập 4 đợt trứng cá với tổng số 112 triệu trứng. Theo một số cán bộ thuỷ sản, việc nhập trứng cá trắng bạc về Việt Nam đựng trong các can nhựa, sau khi vận chuyển trên quãng đường cả ngàn cây số đổ vào các lồng ương trên hồ, khi mở nắp can ra thấy mùi nồng nặc, nhiều người nói vui: Chưa biết chừng trứng cá trắm cỏ lại đổi thành trứng cá trắng bạc cũng nên? Số tiền mà tỉnh Yên Bái đã chi vào dự án là 3,514 tỷ, trong đó thanh toán mua trứng cá 3,196 tỷ. Bộ Thuỷ sản (cũ) hỗ trợ dự án 601,766 triệu nhập công nghệ sản xuất giống cá trắng bạc. Trung tâm Thuỷ sản đã hai lần tổ chức đánh bắt, sau nhiều giờ thắp đèn giăng lưới, lần 1 bắt được 1 con, lần 2 không được con nào. Dự án tan vỡ, buộc phải dừng lại không tiếp tục đầu tư. Trước sức ép của dư luận, cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc, một số quan chức của Yên Bái và những người có liên quan của Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái đã phải bỏ tiền túi hơn 3 tỷ để khắc phục hậu quả.

Con cá trắng bạc đã qua hồi phận bạc?

Không ai có thể ngờ con cá trắng bạc lại có thể sống và phát triển trong lòng hồ Thác Bà với rất nhiều cá tự nhiên, trong đó có không ít loại cá tạp hung dữ. Với bản năng sinh tồn, loài cá trắng bạc mình tròn, con trưởng thành dài chỉ 7-10cm, to bằng chiếc đũa ăn cơm thân trắng muốt chỉ có đôi mắt đen rất dễ lẫn vào trong làn nước trong xanh, chúng chỉ sống trong môi trường nước trong không ô nhiễm, ăn phù du, lục tảo dưới đáy hồ mà ngày càng sinh sôi nảy nở, làm phong phú và nối dài danh sách cư dân sống trong lòng hồ Thác Bà mang lại nguồn lợi thuỷ sản cho người dân sống ven hồ.

Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái qua những điểm đánh bắt thì cá trắng bạc phân bố hầu khắp cả vùng hồ, tuy nhiên chúng sống tập trung từng đàn lớn và phát triển mạnh ở những khu vực nước trong có nhiều phù du. Do trước đây người dân đánh bắt cá với những loại mắt lưới lớn nên cá trắng bạc thoát nạn, nhưng nửa năm nay người dân sử dụng dụng cụ đánh bắt là những vàng lưới, hay gọi là đánh bắt theo kiểu vó đèn, mắt lưới dày từ 0,8-1cm, kích thước 20m x20m (400m2), có vàng lưới rộng trên 1.000m2. Với công nghệ đánh bắt cá về đêm, thả lưới dưới đáy hồ dùng đèn công suất 500W để dụ cá tạp: tép dầu, ngão, mương, thiểu…trong số đó có cá trắng bạc về kiếm ăn. Mỗi đêm hai lần kéo lưới, đêm càng tối thì số lượng cá về càng nhiều, mỗi mẻ cất được trung bình từ 30-50 kg cá tạp, trong đó có 10% cá trắng bạc, mà người dân gọi là cá bống bạc. Cá trắng bạc được bán tại bến với giá 30.000-40.000đ/kg, trong khi đó cá tạp chỉ bán được với giá 3.000-5.000đ/kg.

Anh Nguyễn Trung Cường ở xã Mông Sơn đã đầu tư mua một vàng lưới rộng 400m2 hết 7 triệu, mỗi đêm cất lưới được từ 30-50kg cá các loại, trong đó chọn ra khoảng 4-5kg cá trắng bạc và được bán hết ngay khi thuyền cập bến. Xã Mông Sơn hiện có hơn 10 hộ gia đình đánh bắt cá bằng vó đèn, bến cá Mông Sơn mỗi sáng cung cấp ra thị trường từ 20-50 kg cá trắng bạc. Ông Đỗ Nho Nhượng ở tổ 17-thị trấn Yên Bình làm nghề chài lưới từ khi hồ Thác Bà dâng nước, ông rất ngạc nhiên khi sử dụng vó đèn đánh bắt được loài cá này, hiện đang bán rất chạy, ông cho biết có mẻ lưới cất được đến 30- 40kg cá trắng bạc, nhất là những đêm không trăng.

Theo Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái hồ Thác Bà hiện có khoảng trên 100 vàng lưới đánh bắt cá bằng đèn công suất lớn, trung bình mỗi đêm số vàng lưới đó đánh bắt từ 300- 500kg cá trắng bạc thì nguy cơ loài cá mới này sẽ bị xoá tên trong danh sách những loài cá đang có mặt trên hồ Thác Bà rất cao.

Dự án Đầu tư nuôi trồng-khai thác và chế biến cá trắng bạc trên hồ Thác Bà mặc dù đã đổ vỡ tan tành, tuy nhiên tỉnh Yên Bái cần phải đánh giá lại dự án này một cách khách quan, nhất là cần có phương án bảo vệ loài cá trắng bạc đang trong quá trình sinh sôi nảy nở trên hồ Thác Bà.

Thái Sinh

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.