| Hotline: 0983.970.780

Phân bổ 5.000 lít và 20 tấn hóa chất dập dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 08/12/2023 , 06:06 (GMT+7)

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phân bổ một số lượng lớn hóa chất hỗ trợ các địa phương tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, ngăn dịch tả lợn Châu Phi lan rộng.

Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh tại Hà Tĩnh từ đầu tháng 11 đến nay. Ảnh: TN.

Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh tại Hà Tĩnh từ đầu tháng 11 đến nay. Ảnh: TN.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đầu tháng 11/2023, dịch tả lợn Châu Phi tái phát tại Hà Tĩnh với ổ dịch đầu tiên ở huyện Nghi Xuân.

Đến nay, dịch bệnh đã “gọi tên” 46 hộ chăn nuôi của 20 thôn thuộc các xã Cẩm Dương, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên); Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ); phường Trung Lương, Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh); Tân Lâm Hương, Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà), làm 166 con lợn ốm chết, buộc phải tiêu huỷ, với khối lượng hơn 12.700 kg.

Ngành chuyên môn cho rằng, nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan nhanh trên địa bàn chủ yếu do dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn.

Hiện tại, dịch bệnh ở huyện Nghi Xuân đã qua 21 ngày không phát sinh thêm; các xã Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên), phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) dịch qua 15 ngày không phát sinh thêm; phường Đậu Liêu, xã Tân Lâm Hương dịch qua 10 ngày không phát sinh thêm.

“Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng trong bối cảnh môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm do các đợt lũ lụt hồi tháng 10. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tăng đàn phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán, hoạt động mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật gia tăng.

Trong khi virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi có khả năng đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và khó kiểm soát; bệnh chưa có thuốc đặc trị nên khả năng diễn biến phức tạp trong thời gian tới vẫn rất cao”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Quang Thọ cảnh báo người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh (người cầm chai) chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Thạch Hà. Ảnh: TN

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh (người cầm chai) chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Thạch Hà. Ảnh: TN

Để ứng phó với dịch bệnh gần một tháng nay, các địa phương có dịch tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các trục giao thông chính, thức ăn, trang thiết bị chăn nuôi.

Tiến hành lập hội đồng xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, đảm bảo chính xác về số lượng, khối lượng tiêu huỷ, hồ sơ, thủ tục theo quy định, xử lý các hố chôn lợn bệnh và vùng xung quanh để không phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra môi trường.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho hay, khi phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại xã Tân Lâm Hương và Thạch Ngọc, huyện nhanh chóng triển khai tiêu hủy theo quy định, tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, lập chốt canh gác và khử trùng các phương tiện giao thông ra, vào vùng có dịch. Đồng thời chỉ đạo các xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp thực hiện quyết liệt công tác tiêm phòng bổ sung các loại vacxin nhằm tăng sức đề kháng cho gia súc.

“Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện tương đối lớn, trong đó có những trang trại chăn nuôi lợn nái là “đầu kéo” lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh nên việc ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Thời điểm này, muốn chống dịch hiệu quả, ngoài yếu tố vào cuộc của chính quyền và ngành chuyên môn, bà con nông dân cần nâng cao ý thức trong việc thông tin kịp thời biến động tổng đàn; báo cáo cán bộ thú y ngay khi phát hiện lợn có dấu hiệu ốm, không tự mua thuốc điều trị, không vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh”, ông Sáu nói.

Trong tháng 12 này, các địa phương sẽ đồng loạt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Ảnh: TN.

Trong tháng 12 này, các địa phương sẽ đồng loạt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Ảnh: TN.

Trước mắt, để hạn chế virus dịch tả lợn Châu Phi lây lan, tạo môi trường chăn nuôi sạch sẽ, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương triển khai đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật.... đồng loạt trong tháng 12/2023.

Để thực hiện nội dung này, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phân bổ từ nguồn dự trữ quốc gia 5.000 lít hóa chất Benkocid và 20 lít hóa chất Chlorine 65% cho 13 huyện, thị xã, thành phố. Từ nguồn hóa chất này, các địa phương cân đối để phân bổ cho các xã, trường hợp cần thiết trích ngân sách huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp để khống chế dịch hiệu quả.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.