Lĩnh vực an toàn thực phẩm ngày càng được TP Hà Nội chú trọng. |
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 749 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong đó bán công nghiệp 46 cơ sở, công nghiệp 7 cơ sở.
Lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát chiếm khoảng 65% phần còn lại được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong khu dân cư. Giết mổ nhỏ lẻ là hệ lụy của chăn nuôi nhỏ lẻ với phương thức hoạt động rất đa dạng, không có địa điểm cố định mà rải rác ở hầu hết các khu dân cư của các huyện, thị xã (trừ huyện Thanh Trì không còn giết mổ nhỏ lẻ).
Một số chủ yếu hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y vào kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mấy an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trái ngược với việc nở rộ của giết mổ nhỏ lẻ là cảnh đìu hiu, đắp chiếu của các cơ sở giết mổ công nghiệp. Thành phố có 4 cơ sở giết mổ lợn công nghiệp quy mô lớn, được Nhà nước đầu tư hệ thống xử lý môi trường hiện đại trị giá hàng chục tỉ đồng thì duy nhất còn cơ sở Vinh Anh là đang tồn tại với khoảng 100-200 con/công suất 600 con/ngày, còn lại Minh Hiền, Hapro, Foodex đều đóng cửa để đấy, cho thuê hoặc từ công nghệ giết mổ dây chuyền quay trở về giết mổ sàn.
Có mấy lý do, thứ nhất là có cơ sở giết mổ nằm trong quy hoạch, được chính quyền địa phương cho phép thì lại liên quan đến vấn đề đất đai. Kể cả những nơi có đủ điều kiện như ở Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố đã đầu tư đất đai, hạ tầng thì doanh nghiệp lại không chịu vào bởi đầu tư quá lớn trong khi chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, khó mà thu hồi nổi vốn.
Thứ hai là các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động vì vậy cơ quan thú y không thể vào kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y. Thứ ba là các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ của khâu chế biến sau giết mổ và chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh tranh.
Thứ tư là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm đa số, thiếu các cơ sở giết mổ tập trung là nguyên nhân chính cho sự tồn tại của phương thức giết mổ nhỏ lẻ, thậm trí giết mổ tại hộ chăn nuôi. Thứ năm là sự vào cuộc của cấp chính quyền địa phương cơ sở chưa quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ; thiếu chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, mất an toàn thực phẩm;
Cuối cùng nhưng quan trọng nhất là nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp nuôi dưỡng cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nên rất khó xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các quận nội thành.
Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tích cực tham mưu giúp Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Sở Quy hoạch - kiến trúc, các Sở ngành liên quan của thành phố trên cơ sở các văn bản đề xuất của UBND các huyện, thị xã tổ chức tiến hành rà soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên toàn địa bàn thành phố, trình UBND thành phố phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cụ thể: Giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp: 08 cơ sở; Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: 08 cơ sở; Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ: 13 cơ sở; Giết mổ gia súc, gia cầm cho phép hoạt động đến năm 2030: 06 cơ sở. |