Ngôi chùa cổ nhất Tây nguyên
Theo sổ sách ghi lại, vào năm Tân Mùi (1931), một nạn đói lớn xảy ra tại các tỉnh miền Trung khiến nhiều người dân kéo nhau lên Kon Tum kiếm kế sinh nhai. Nhưng cũng tại nơi này, người dân đã gặp nhiều điều không lường trước với nạn thú dữ, sốt rét, dân tình hoang mang hoảng sợ.
Năm 1933, sau khi lên nhậm chức quan Quản đạo tỉnh Kon Tum, ông Võ Chuẩn (1896 - 1956) đã phát nguyện lập “Âm Linh Miếu” để thờ những nạn nhân xấu số trên phần đất nghĩa địa ở phía Bắc của TP. Kon Tum.
Mặt khác, để an lòng dân, ông Võ Chuẩn đã thỉnh Hòa thượng Hoằng Thông, Thủ tọa chùa Bạch Sa (Quy Nhơn) lên làm lễ cầu siêu và cung thỉnh khai tự. Ngôi chùa Tổ Đình Bác Ái sau đó được dựng lên trên nền rừng khai hoang, vách đất mành tre. Đây được xem là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất tại Tây Nguyên, trở thành nơi thờ phụng đầu tiên của cả phật tử người Kinh và Thượng quanh vùng.
Trong chuyến tuần du lên Tây Nguyên vua Bảo Đại đã đích thân đến viếng chùa. Trong dịp đó, nhà vua đã ban sắc tự cho chùa và đặt tên là Tổ Đình Bác Ái Tự. Đến nay, hoành phi 5 chữ “Sắc tứ Bác Ái tự” vẫn còn giữ nguyên màu vàng óng trên nền đỏ rực, trang trọng nằm ngay lối vào gian chính điện.
Không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, chùa Tổ Đình Bác Ái còn có giá trị về lịch sử khi trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong sân chùa vẫn còn gốc cây cà chít làm dấu mốc nơi 7 sĩ quan quân đội Nhật Bản tự tử khi quân đội Nhật đầu hàng quân Đồng minh năm 1945.
Năm 1968, chùa bị bom đạn đã đánh sập ngõ tam quan cũng như làm hư hại tường vách và cả hình tượng “lưỡng long chầu nhật” rất đẹp trên nóc gian chính điện. Đạn bom cũng phá hỏng chiếc chuông đồng cổ do Hoàng hậu Nam Phương đích thân trao tặng, phải thay thế bằng một chiếc khác.
Tuy nhiên, Tổ đình Bác Ái vẫn còn giữ nguyên vẹn lối kiến trúc mang dáng dấp những ngôi chùa Huế.
Theo ông Phạm Bình Vương, phòng di sản Sở Văn hóa Thể thao- Du lịch tỉnh Kon Tum, Chùa Tổ Đình Bác Ái là một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng có mặt đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn.
Chùa Tổ Đình Bác Ái đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa Tây Nguyên với nhiều di sản văn hóa vật chất, tinh thần phong phú và độc đáo.
Điệp sớ dài 12m với hơn 5.000 kí tự
Vừa qua, trong thời gian nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ công nhận Tổ Đình Bác Ái là di tích lịch sử cấp Quốc gia, ông Phạm Bình Vương đã phát hiện 1 điệp sớ đặc biệt với chiều dài 12m, rộng 0,45m và có hơn 5.000 kí tự. Điệp sớ này là bản ghi chép tên những dòng họ ở Kon Tum bằng chữ Hán, Nôm.
Theo Hòa thượng Thích Chánh Quang, trụ trì đời thứ 4 tại Tổ Đình Bác Ái, năm 1931, khi người dân các tỉnh miền Trung đổ xô lên Kon Tum kiếm sống đã có hơn 70 % bị chết đói dọc đường. Những người còn lại đến được Kon Tum đã bắt tay vào khai hoang, lập làng.
“Cuộc sống của người dân lúc bây giờ rất khổ, thú dữ rình rập, đêm đêm từ trong rừng sâu vẳng lại tiếng gầm gừ kinh hãi. Từ ngày có chùa, âm thanh rùng rợn kia vơi bớt đi phần nào”, Hòa Thượng Thích Chánh Quang kể lại.
Vào rằm tháng bảy năm 1953, chùa Tổ đình Bác Ái tổ chức cúng Vu Lan, cầu siêu báo hiếu. Điều đặc biệt trong đại lễ năm đó, các phật tử đã soạn bản điệp sớ dài 12m, ghi chép họ, tên, gia phả những người đã khuất ở Kon Tum với gần 5.000 chữ.
Theo ông Phạm Bình Vương, điệp sớ này có ý nghĩa cầu siêu cho những người có công, những người khai hoang, lập ấp. Thông qua bản điệp sớ, có thể xác định hệ thống dòng họ của nhóm người di dân đến vùng đất Kon Tum đầu và giữa thế kỷ XX. Bản điệp sớ có giá trị về phục vụ nghiên cứu sự hình thành và phát triển vùng đất Kon Tum. Bên cạnh đó, nó còn là 1 di sản Hán Nôm có giá trị được lưu truyền đến ngày nay.