| Hotline: 0983.970.780

Phát hiện sốc quanh "Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh"

Thứ Ba 14/10/2014 , 09:21 (GMT+7)

Cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất (với nhiều ấn bản của nhiều NXB khác nhau) khiến bạn đọc sốc.

Sốc vì nội dung bên trong cuốn từ điển với những định nghĩa ngờ nghệch, dở khóc dở cười. Xin nêu một vài ví dụ: Bản sắc: màu tự nhiên; Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả; Bế mạc: hết dứt buổi hát; Bồ bịch là bạn bè thân thích; Lâu đài là lầu và đền đài...

Cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất gây sốc hiện được lưu trong Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội) gắn mác NXB Trẻ, khổ 8x13cm, số đăng ký kế hoạch xuất bản 15/67 do Cục Xuất bản cấp ngày 4/1/2001 và giấy trích ngang KHXB số 106/2001, số lượng in 1.000 cuốn.

Ngoài ra, qua tìm hiểu, PV Báo NNVN còn được biết thêm một bản in “Từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, gắn mác NXB Thanh Niên, số đăng ký kế hoạch xuất bản 247-153 do Cục Xuất bản cấp ngày 1/03/1999, in tại Xí nghiệp in Bến Tre. In xong và nộp lưu chiểu tháng 8/2000.

Tuy sách xuất bản 14 năm qua nhưng hiện nay, theo thông tin của một bạn đọc ở Quảng Bình, sách vẫn được bày bán trên kệ các nhà sách với giá bán 40.000 đồng.

Trong “Lời Nhà xuất bản”, NXB Thanh Niên cho biết đây là cuốn sách “đã được xuất bản hàng mấy chục năm về trước”, vì vậy, “NXB Thanh niên chỉ mong góp thêm cho bạn đọc một tài liệu tham khảo quý trên trường học tập, nghiên cứu”.

Trong lần tái bản năm 2000 “cuốn Việt Nam tự điển của học giả Vũ Chất”, NXB Thanh Niên: “Có chỉnh lí việc giải nghĩa một số từ cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế sử dụng tiếng Việt hiện nay, nhưng hầu như vẫn giữ nguyên tác”.

Gần đây nhất "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của tác giả Vũ Chất được NXB Hồng Đức in năm 2013 và phát hành với số lượng kỷ lục 15.000 cuốn.

Tác giả Vũ Chất là ai?

PV Báo NNVN đã liên hệ tới nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực từ điển học và ngôn ngữ học để có thêm thông tin về tác giả Vũ Chất.

PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho biết, ông không hề biết đến tác giả Vũ Chất và cũng chưa nghe thấy tên trong làng từ điển bao giờ.

PV cũng đã liên hệ với lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), lãnh đạo Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, câu trả lời đều là hai chữ: không biết.

Qua tìm hiểu trong giới sưu tầm sách, PV được biết, tác giả Vũ Chất đã từng đứng tên trên một ấn phẩm mang tên “Việt Nam tự điển” được xuất bản ở miền Nam trước năm 1975, cụ thể là bản in đầu tiên năm 1969 và bản in năm 1971.

Trong bản in năm 1971, thông tin cho biết, cuốn “Việt Nam tự điển” của Vũ Chất được in ấn bởi giấy phép số 597 BTT/PHNT, ngày 20-2-[19] 71 (thời Chính phủ Việt Nam Cộng hòa).

Thư viện Quốc gia có lưu sách lậu?

Trao đổi với PV Báo NNVN trước sự việc cuốn sách gắn mác cơ quan mình, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết: "NXB Trẻ đang kiểm tra mọi thông tin để trả lời cho Cục Xuất bản và bạn đọc các vấn đề liên quan đến cuốn sách này”.

Sự việc đã 13 năm, ông Nhựt đã chỉ đạo nhân viên kiểm tra toàn bộ hồ sơ lưu trữ tại NXB nhưng không thể tìm thấy các chứng từ của NXB Trẻ liên quan đến việc xuất bản sách, cũng như không có cuốn sách này trong kho lưu chiểu NXB.

PV đã trao đổi với ông Nguyễn Trường, người có tên trên trang xi-nhê là biên tập viên và sửa bản in cuốn sách “Từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh” của tác giả Vũ Chất (NXB Thanh Niên, 2000). Ông Nguyễn Trường đề nghị cung cấp các bản chụp cuốn sách cùng trang xi-nhê để ông kiểm tra lại và sẽ hẹn trả lời PV lần sau.

Đồng thời, ông cũng cho người đi tìm ngoài thị trường và tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy cuốn sách gắn mác NXB Trẻ nêu trên.

Còn đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Quản lý xuất bản, cũng khẳng định không có thông tin cuốn sách này được nộp lưu chiểu ở Cục Xuất bản.

Trong khi đó, với ấn bản lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam để phục vụ bạn đọc, bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc cơ quan này khẳng định sách này do NXB Trẻ nộp lưu chiểu.

Điều ngạc nhiên là, chiểu theo Thông tư 38/TT-XB ngày 7/5/1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin về Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/CP ngày của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản 1993 (Luật này được thay thế vào năm 2004 - PV), khoản 2, điều 9 về Nộp lưu chiểu, ghi rõ: “Xuất bản phẩm in từ Thừa Thiên- Huế trở ra nộp cho Cục Xuất bản ở Hà Nội. Xuất bản phẩm in từ Quảng Nam- Đà Nẵng trở vào nộp cho đại diện Cục Xuất bản tại TP. HCM”.

Như vậy, theo đúng quy định của pháp luật, cuốn sách phải được nộp lưu chiểu cho đại diện Cục Xuất bản tại TP. HCM, tức là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.

Khi PV đề nghị cung cấp thông tin nộp lưu chiểu cuốn sách, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia trả lời chung chung: Sách nộp lưu chiểu năm 2001, còn tên người nộp thì không nắm được.

Điều này không thể khẳng định được đó là sách của NXB Trẻ nộp lưu chiểu. Trong khi đó, hằng năm Thư viện Quốc gia Việt Nam vẫn có một nguồn vốn của Nhà nước cung cấp để mua bổ sung văn hóa phẩm (sách, báo, tạp chí... ) phục vụ bạn đọc.

Vì vậy, khả năng chính Thư viện Quốc gia đã mua phải sách lậu ngoài thị trường cũng là một trường hợp xảy ra.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm