| Hotline: 0983.970.780

Phát triển 8 giống lúa có giá trị thương mại gạo trên 600 USD/tấn

Thứ Sáu 01/01/2021 , 16:44 (GMT+7)

Nhiều giống lúa thuần phẩm cấp cao đã được mở rộng, nhờ các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn, tạo giá trị gia tăng cao cho nông dân.

Nông dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vui mừng khi được hỗ trợ giống, vật tư đầu vào để nhân rộng sản xuất giống lúa VTNA6. Ảnh: Minh Phúc.

Nông dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vui mừng khi được hỗ trợ giống, vật tư đầu vào để nhân rộng sản xuất giống lúa VTNA6. Ảnh: Minh Phúc.

Bắt đầu từ khâu sản xuất giống phẩm cấp cao

Theo tính toán của Cục Trồng trọt, với diện tích khoảng 7,8 triệu ha gieo trồng lúa hằng năm, nhu cầu sử dụng giống lúa của nông dân nước ta khoảng 500 nghìn tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ mới đủ năng lực cung ứng hơn 300 nghìn tấn giống mỗi năm. Như vậy, hiện vẫn có khoảng 150 nghìn tấn giống từ nguồn các nông hộ sản xuất.

Ngày nay, sử dụng máy móc trong sản xuất lúa là một nhu cầu tất yếu và bức thiết trong sản xuất. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp.

Nhằm triển khai chương trình sản phẩm quốc gia về lúa gạo, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã chủ trì thực hiện dự án “Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ”.

Mục tiêu của dự án là liên kết cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận đối với các giống chất lượng và lúa thơm mới đang sản xuất thử nghiệm, có giá trị thương mại cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp hóa.

Các giống lúa mới được chuyển giao bản quyền cho các doanh nghiệp để phục vụ sản xuất. Đồng thời xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất lúa thương phẩm có giá trị thương mại gạo 600 USD/tấn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa bền vững phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ.

Sau quá trình đánh giá, tuyển chọn khắt khe, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông cùng các đơn vị đã tìm ra được 8 giống lúa triển vọng, có phẩm chất cao và có tiềm năng phát triển thành các vùng hàng hóa quy mô lớn.

Đó là các giống lúa: Đông A 1, LTH 31, BT 09, QP 5, Bắc Hương 9, An Sinh 3199, VTNA 6.

Sản xuất lúa QP 5 tại cánh đồng thôn An Lại, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Sản xuất lúa QP 5 tại cánh đồng thôn An Lại, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Qua 3 năm triển khai, dự án đã thực hiện sản xuất được 18ha hạt giống siêu nguyên chủng, với tổng sản lượng gần 58 tấn, vượt 128% so với mục tiêu ban đầu đề ra.

Điều đặc biệt là từ nguồn hạt giống siêu nguyên chủng quý giá này, các đơn vị đã thực hiện nhân nguyên chủng được 2.700 tấn lúa. Đây là nguồn giống chất lượng để triển khai các mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn.

Đến nhân rộng quy mô sản xuất

Tại tỉnh Thanh Hóa, kể từ khi những hạt giống lúa LTH 31 được Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An hỗ trợ cho bà con sản xuất, nông dân rất phấn khởi, vì đây là giống có chất lượng tốt và năng suất cao.

Chị Lê Thị Huê, cán bộ kỹ thuật HTX Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Giống LTH 31 đã đưa vào sản xuất ở Định Tường 3 vụ rồi. Ban đầu nhiều hộ nông dân chưa biết rõ mới đưa vào sản xuất 15ha, nhưng nay đã lên 30ha. Giống có khả năng kháng bệnh tốt, chất lượng gạo ngon và thích nghi với đồng đất ở đây nên dân phấn khởi đưa vào”.

Ngoài Thanh Hóa, Dự án cũng đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất thương phẩm giống lúa LTH 31 với quy mô 30ha tại Nghệ An. Sau khi thu hoạch, toàn bộ thóc sẽ được doanh nghiệp bao tiêu để làm nguyên liệu sản xuất rượu Sô-chu của Nhật Bản, đồng thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên thị trường.

Mô hình liên kết sản xuất giống lúa LTH31 theo chuỗi hàng hóa tại xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Mô hình liên kết sản xuất giống lúa LTH31 theo chuỗi hàng hóa tại xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Võ Thị Nhung – Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An cho biết: “Trên cơ sở kết quả dự án thực hiện, năm 2020 tỉnh Nghệ An đã có chính sách mở rộng sử dụng giống lúa mới chất lượng, hỗ trợ bà con mở rộng diện tích giống lúa LTH 31, điển hình như huyện Thanh Chương trong vụ hè thu đã hỗ trợ một phần giống LTH 31 với hơn 40 tấn giống để triển khai và một số huyện”.

Tại nhiều tỉnh của miền Trung, những năm qua, giống lúa VTNA6 cũng đã bén rễ và không ngừng được nông dân tin tưởng mở rộng diện tích. Để góp phần thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa giống lúa này, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông đã phối hợp với Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An xây dựng mô hình liên kết cánh đồng mẫu sản xuất thương phẩm giống VTNA 6, với quy mô 50ha. Đồng thời, công ty cũng đã kết hợp với một số hợp tác xã để sản xuất lúa giống, phục vụ nhu cầu tại chỗ cho người dân.

Nhiều nông dân được hưởng lợi từ dự án. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều nông dân được hưởng lợi từ dự án. Ảnh: Minh Phúc.

Theo ông Hồ Thúc Khiêm – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, đến thời điểm này, trong khuôn khổ dự án, công ty đã thực hiện sản xuất được 10ha giống lúa siêu nguyên chủng và gần 400ha giống lúa nguyên chủng. Đồng thời sản xuất 100ha giống lúa xác nhận và gần 10 cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo với quy mô từ 50ha/cánh đồng trở lên.

Kết hợp “4 nhà” để tạo sức lan tỏa thương hiệu lúa gạo

Có thể khẳng định, để phát triển được thương hiệu lúa gạo, thì một trong những mắt xích quan trọng, không thể thiếu được chính là sự tham gia của các doanh nghiệp. Bởi, dù chúng ta có giống lúa tốt đến đâu, mà không được chuyển giao vào sản xuất, thì đó mãi chỉ là một sản phẩm khoa học, không phải là sản phẩm thương mại.

Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho rằng: “Chúng ta phải hiểu một nhận thức đúng là thương hiệu quốc gia phải bắt đầu từ thương hiệu sản phẩm. Nếu chúng ta nói ở thương hiệu quốc gia tức là một thương hiệu rất lớn, nếu nói về một ngành hàng nào đó thì bắt đầu phải từ sản phẩm.

Mà sản phẩm phải bắt đầu từ doanh nghiệp, chứ không phải sản phẩm bắt đầu từ một nơi nào đó chung chung. Khi nhiều doanh nghiệp có sản phẩm như vậy thì nó tạo thành một ngành hàng của sản phẩm của đất nước”.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đánh giá cao kết của những mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn gieo cấy các giống lúa thuần triển vọng, trong khuôn khổ dự án. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đánh giá cao kết của những mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn gieo cấy các giống lúa thuần triển vọng, trong khuôn khổ dự án. Ảnh: Minh Phúc.

Trong số rất nhiều giống lúa tốt mà Thái Bình Seed đang nắm giữ bản quyền, công ty đã chọn giống lúa thơm Đông A 1 để xây dựng mô hình liên kết cánh đồng mẫu. Bởi đây là giống lúa mới được công nhận, có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là có lợi thế xuất khẩu với giá trị cao.

Mục tiêu của dự án là nâng năng suất lúa Đông A 1 đạt trên 60 tạ/ha vào vụ xuân và trên 55 tạ/ha vào vụ mùa, đồng thời đạt tiêu chuẩn thương mại với giá 600 USD/tấn. Đến nay, những mục tiêu này đã đạt và vượt.

Bên cạnh đó, rất nhiều giống lúa khác cũng đã được dự án xây dựng mô hình liên kết cánh đồng mẫu để sản xuất, điển hình như giống BT 09 (60ha); An Sinh 1399 (100ha); LH 12 (100ha); Bắc hương 9 (100ha)… đã cho kết quả rất tốt, khi năng suất bình quân trong vụ xuân đạt trên 65 tạ/ha; vụ mùa đạt trên 55 tạ/ha.

Sau khi kiểm tra các mô hình sản xuất giống lúa Indica phẩm cấp cao, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao kết mà các đơn vị triển khai.

Ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), đánh giá: “Sự phối hợp của các cơ quan nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, các hợp tác xã và bà con nông dân đã tạo ra được một hệ thống sản xuất lúa rất bài bản, rất khép kín. Và như vậy đã tạo nên được chuỗi giá trị phát triển lúa trong giai đoạn hiện nay”.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.