Tại Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc”.
Hiện nay, một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm.
Tổng diện tích cây có múi của cả vùng (miền Bắc) năm 2019 khoảng 103,3 nghìn ha, sản lượng 894,5 nghìn tấn (chiếm 52,7% diện tích cam, bưởi cả nước và bằng 48,7% sản lượng so cả nước).
Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, từ năm 2011 đến nay chương trình khuyến nông về cây có múi đã triển khai nhiều mô hình đạt kết quả tốt.
Thông qua thực hiện mô hình trình diễn, người nông dân trực tiếp được tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng canh tác, hưởng lợi trực tiếp từ mô hình; kết quả trình diễn khuyến nông có tác động tích cực tới cộng đồng dân cư nơi xây dựng mô hình và những khu vực lân cận. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, được người dân áp dụng nhân ra diện rộng.
Điển hình có thể kể đến mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP, tổng quy mô 50 ha, triển khai tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, thực hiện trên cây bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch và bưởi Thanh Trà.
Mô hình áp dụng quy trình thâm canh bưởi an toàn thực phẩm có sử dụng túi bao quả, bẫy bả, thuốc sinh học trong phòng trừ ruồi hại quả bưởi. Biện pháp này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tác nhân gây hại, nâng cao năng suất, chất lượng quả đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Việc bao quả giúp cho mẫu mã quả bưởi sáng đẹp, giảm tới 100% ruồi vàng hại quả, khắc phục được hiện tượng rám nắng do thời tiết. Do đó, việc sử dụng túi bao quả chuyên dụng là biện pháp kỹ thuật rất cần thiết.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, những năm gần đây sản xuất vải, nhãn, na ở Bắc Giang có xu hướng duy trì ổn về diện tích, nâng cao về chất lượng, giá trị. Riêng cây có múi được người dân trồng, phát triển mở rộng. Năm 2013, diện tích cây ăn quả có múi khoảng 1.800 ha, đến nay đạt 10.803 ha (trong đó cam 5.100 ha, bưởi 5.300 ha), tăng 600%. Diện tích cây có múi được cấp chứng nhận VietGAP 1.850 ha chiếm 17% tổng diện tích.
Các đối tượng cây có múi được lựa chọn trồng phát triển chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam đường Canh, cam Vinh ngoài ra còn có bưởi đỏ Luận Văn, Tân Lạc, bưởi Hoàng; cam V2, cam CS1... Hiện 4 đối tượng chính là bưởi Diễn khoảng 3.500 ha; bưởi da xanh khoảng 700 ha; cam đường Canh 2.500 ha; cam Vinh 2.000 ha... chiếm trên 80% diện tích cây có múi của tỉnh. Theo ước tính, giá trị cây ăn quả có múi khoảng 1.400 tỷ đồng.
Theo ông Lê Bá Thành, bên cạnh công tác chỉ đạo sản xuất cây ăn quả có múi, có thể khẳng định mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp hết sức quan trọng mà tỉnh Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo.
Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo và xác định liên kết chuỗi giá trị, liên kết hộ nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Hàng năm, lễ hội trái cây huyện Lục Ngạn được tổ chức để tạo mối liên kết giữa 4 nhà. Các doanh nghiệp được huyện mời tham quan vườn trái cây để họ tiếp cận nhà vườn, ký kết hợp đồng liên kết...