| Hotline: 0983.970.780

Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững

Thứ Hai 27/07/2020 , 09:12 (GMT+7)

Những năm qua, chăn nuôi gia cầm không chỉ tăng trưởng về số lượng, mà còn có nhiều bước tiến về phương thức nuôi, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi.

Chăn nuôi gia cầm từ hình thức nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chăn nuôi gia cầm từ hình thức nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tăng tốc

Trong những năm qua, nhờ không có dịch bệnh lớn xảy ra nên đàn gia cầm trên cả nước tăng trưởng mạnh.

Theo Cục Chăn nuôi, đến cuối năm 2019, tổng đàn gia cầm đạt trên 481 triệu con; trong đó, đàn gà gần 383 triệu con, chiếm 79,5%; đàn thủy cầm gần 99 triệu con, chiếm 20,5%. Trong tổng đàn gà, gà thịt chiếm 79,9%, gà đẻ chiếm 20,1%. Đối với gà thịt thì gà công nghiệp trắng chiếm 23,4%, gà lông màu chiếm 76,6%.

Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm số lượng gia cầm trên cả nước tăng trên 10%, trong đó đàn gà tăng trưởng trên 11,5%, sản lượng thịt gia cầm tăng bình quân gần 11%/năm.

Năm 2019 sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt trên 1,3 triệu tấn, trong đó thịt gà chiếm 76%; trứng đạt trên 13,28 tỷ quả. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng đàn gia cầm trên cả nước đạt khoảng 510 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 410 triệu con, chiếm 80% và 100 triệu con thủy cầm, chiếm 20%”.

“Chăn nuôi gia cầm ở nước ta đã có những bước phát triển nhảy vọt. Từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát chuyển sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều.

Chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương đã trở thành một trong những nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp, giúp xoá đói giảm nghèo bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định tại hội thảo nâng cao chất lượng và hiệu quả chăn nuôi gia cầm vừa tổ chức tại Bình Định vào cuối tuần qua.

Số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm cũng tăng trưởng mạnh. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện trên cả nước có khoảng 11.000 trang trại chăn nuôi gia cầm.

Vùng có nhiều trang trại nhất là đồng bằng sông Hồng, chiếm đến 49,19%, tiếp đến là vùng Đông Nam bộ chiếm 18,21%, vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 11,55%, vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 8,45%, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 7,67%, thấp nhất là khu vực Tây Nguyên chỉ chiếm gần 5%.

Hình thức chăn nuôi nông hộ đang tồn tại hầu khắp các địa phương trong cả nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hình thức chăn nuôi nông hộ đang tồn tại hầu khắp các địa phương trong cả nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chăn nuôi trang trại là hình thức chăn nuôi quy mô tập trung, chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp; có đầu tư lớn về chuồng trại, thiết bị chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ kiểm soát được dịch bệnh.

Bên cạnh đó là hình thức chăn nuôi nông hộ đang tồn tại hầu khắp các địa phương trong cả nước. Hình thức chăn nuôi này có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết sử dụng thức ăn hỗn hợp và tận dụng sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Con giống được sử dụng là giống ngoại, giống lai hoặc giống địa phương cho năng suất và giá thành sản phẩm không cao”, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện chăn nuôi gia cầm có mức độ tăng trưởng lớn nhất trong các loại vật nuôi với đa dạng con giống. Người chăn nuôi biết dựa vào lợi thế vùng miền, tận dụng lợi thế của địa phương mà chọn giống gia cầm để nuôi; chiếm nhiều nhất là gà và vịt, sau đó là ngan, ngỗng, bồ câu, đà điểu…

“Hiện cả nước có gần 70% tổng số xã, phường có chăn nuôi gia cầm với hơn 12 triệu hộ tham gia. Trong đó, có trên 65% số hộ nuôi gia cầm quy mô nhỏ lẻ, việc áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong hình thức chăn nuôi này chưa nhiều.

Vì vậy, việc xây dựng và tuyên truyền các mô hình khuyến nông có hiệu quả và bền vững là 1 trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến nông”, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho hay.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo bà Hạnh, trong 10 năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai 28 dự án và nhiệm vụ khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với 11.431 hộ tham gia.

Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 17.095 lượt nông dân, ngoài ra còn tổ chức tham quan cho 12.295 nông dân để nhân rộng mô hình. Thông qua các mô hình, nông dân đã được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, nhờ đó làm tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 15% so với chăn nuôi đại trà.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh đã dẫn chứng mô hình khuyến nông chăn nuôi gia cầm hiệu quả.

Ví như mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ. Mô hình này đã tạo ra sản phẩm thịt gia cầm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, chuỗi liên kết đã giúp người chăn nuôi an tâm đầu tư và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nói trên đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Quảng Nam.

Những mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thường đặt nặng về chọn con giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thường đặt nặng về chọn con giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để đàn gia cầm thoát nỗi ám ảnh về dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại nhiều địa phương.

Hộ chăn nuôi tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học với 3 nguyên tắc: Cách ly và kiểm soát người vào ra khu chăn nuôi; vệ sinh và khử trùng chuồng trại với các tài liệu đã được soạn thảo sao cho nông dân dễ làm theo với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông- Lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam.

Đặc biệt, mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng đến xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận và hanh thông trên thị trường tiêu thụ.

“Tính đến hiện tại trên địa bàn cả nước có 2.000 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên cạn được công nhận an toàn dịch bệnh với bệnh đăng ký. Trong đó, có 145 cơ sở do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ triển khai, chiếm 7,25% trong tổng số cơ sở được công nhận trên toàn quốc”, bà Hạnh, cho hay.

“Giai đoạn 2020 – 2025, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chăn nuôi công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực như giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi.

Đặc biệt là tăng cường xây dựng các mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ưu tiên phát triển những mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ”, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm