| Hotline: 0983.970.780

Năm 2020 chăn nuôi gia cầm đặt mục tiêu tăng trưởng 11%

Thứ Ba 12/05/2020 , 10:35 (GMT+7)

Sau khi tăng trưởng 16,5% lên xấp xỉ 500 triệu con gia cầm năm 2019, chăn nuôi gia cầm vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, song điều chỉnh còn 11%.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Nguyên Huân.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Nguyên Huân.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi về vấn đề này.

Tháng 2/2019, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Bộ NN-PTNT đã định hướng phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm để bù đắp lượng thiếu hụt thịt ợn do tiêu hủy dịch, vậy ông cho biết kế quả đạt được đến nay ra sao?

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên năm 2019 tăng trưởng lĩnh vực gia cầm rất cao, tăng 16,5%, sản lượng trứng tăng 14%. Gia súc cũng tăng, trâu mặc dù số lượng giảm nhưng sản lượng vẫn tăng 3,2%, sản lượng thịt bò tăng 4,2%.

Lượng gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản tăng trưởng năm 2019 đã bù đắp một phần thiếu hụt của lợn, tất nhiên không thể bù đắp 100% bởi sản lượng thịt lợn chiếm rất lớn, chiếm gần 70% tổng các loại thịt.

Đúng là việc gia cầm phát triển quá nhanh, quá mạnh thời gian vừa qua cũng có thời điểm khiến thị trường dư thừa, mất cân đối. Nguyên nhân, bởi gà công nghiệp lông trắng thời gian nuôi nhanh, tái đàn nhanh, khoảng 35 ngày là có sản phẩm. Do đó, sau 35 ngày một số hộ bị dịch tả lợn Châu Phi chuyển đổi sang nuôi gia cầm nên sản lượng tăng mạnh.

Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cả thất thường, trong đó giá gia cầm xuống khá sâu.

Đây là điều kiện bất khả kháng bởi theo yêu cầu của Chính phủ về việc giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp công nhân giảm, một số nhà máy gần như đóng cửa, lượng học sinh nghỉ học trên toàn quốc nên việc tiêu thụ gia cầm giảm mạnh. Trong khi gà công nghiệp tiêu thụ trong bữa ăn trưa rất nhiều, nên cầu giảm xuống, cung dư ra dẫn đến mất cân đối.

Theo tôi, trong một năm, cung cầu có những thời điểm mất cân đối, giá lên xuống cũng là điều hoàn toàn bình thường theo quy luật kinh tế thị trường, miễn sao tổng kết lại cả một năm, người chăn nuôi gia cầm vẫn có lãi là ổn.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển đường hàng không quốc tế bị gián đoạn, trong khi nguồn giống gia cầm ông bà, bố mẹ của Việt Nam phụ thuộc chính vào nhập khẩu, như gà lông trắng phải nhập khẩu 100%, ông cho biết ngành chăn nuôi thích ứng ra sao với vấn đề phát sinh này?

Đúng là đối với gà công nghiệp lông trắng, cơ bản giống ông bà, bố mẹ nhập khẩu là chính. Trong tổng số gần 500 triệu con gia cầm của Việt Nam hiện nay, gà lông trắng chiếm khoảng trên 100 triệu con.

Hiện tại, con giống, nguồn giống gà lông trắng không thiếu nguồn cung mà chủ yếu bởi không vận chuyển về Việt Nam được. Do dịch Covid-19 nên các chuyển bay từ quốc tế về nước ta hiện vẫn chưa mở cửa trở lại, trong khi gà giống 100% được nhập khẩu, vận chuyển bằng đường hàng không.

Tuy nhiên, những lô gà giống ông bà, bố mẹ nhập khẩu về từ năm 2019 hiện vẫn đang sản xuất, nên về cơ bản trong ngắn hạn đối với giống gà chúng ta vẫn chủ động được nguồn giống cung cấp cho sản xuất.

Kế hoạch nhập thêm giống gia cầm năm 2020 hiện cũng đã sẵn sàng, chỉ cần thời gian tới nếu hàng không quốc tế mở cửa, việc nhập khẩu con giống sẽ được ngành chăn nuôi thực hiện nối lại.

Để không mất cân đối quá lớn về mặt cung cầu ở một thời điểm, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi cho các tỉnh, thành định hướng vẫn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, nhưng nuôi chủ yếu là các giống gà nội (gà lông màu, gà thả vườn) là chính, bởi loại gà này thường ổn định về giá, có xuống cũng không đáng kể, bên cạnh đó chúng ta cũng chủ động được nguồn giống với các giống gà nội này.

Năm 2020 ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng khu vực gia cầm là 11%. Ảnh: Nguyên Huân.

Năm 2020 ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng khu vực gia cầm là 11%. Ảnh: Nguyên Huân.

Sau khi giảm mạnh bởi những nguyên như như ông vừa nêu ở trên, thời gian gần đây giá gia cầm lại tăng trở lại khá tốt, theo ông liệu gia cầm thời gian tới có xảy ra hiện tượng khan hiếm như thịt lợn hay không, nhất là những ảnh hưởng hậu Covid-19?

Trong thời gian khoảng mấy tuần gần đây, giá gia cầm tăng trở lại, nhưng không phải tăng vượt quá mức cho phép bởi với mức tăng này là mức trung bình, vẫn đang hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tôi khẳng định, giá gia cầm sẽ tăng tốt hơn nữa trong thời gian tới, song khó có thể tăng cao như thịt lợn bởi nguồn cung gia cầm tương đối phong phú và đã được chủ động ngay từ năm 2019, tổng đàn gia cầm thời điểm này vẫn đang được duy trì ổn định.

Theo kế hoạch đề xuất của ngành chăn nuôi, năm 2020 không để gia cầm tăng trưởng cao giống như năm 2019 (16,5%). Tuy nhiên, năm 2020 ngành chăn nuôi vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng với khu vực gia cầm, nhưng cố gắng điều chỉnh hạ về mức khoảng 11% để cân đối với các sản phẩm khác.

Trong khi nguồn gia cầm trong nước đang rất dồi dào, giá cả phải chăng, chất lượng cao, nhưng số liệu gần đây cho thấy sản lượng thịt gia cầm nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 và đầu 2020 tăng rất mạnh, theo ông lí do tại sao?

Thực tế, việc xuất nhập khẩu thịt gia cầm cơ bản là thị trường tự do, thị trường mở, trên cơ sở đó tất cả thị trường đã ký kết Hiệp định thú y với Việt Nam đều có thể xuất khẩu, nhập khẩu. Chúng ta bán cá, bán tôm, rau củ quả sang nước bạn thì nước bạn cũng bán thịt trâu, bò, lợn, gà sang ta.

Việc nhập khẩu thịt hay thịt gà hiện nay là không có hạn ngạch. Việc nhập bao nhiêu, nhập như thế nào là do nhu cầu có bán được hay không quyết định. Tuy nhiên, qua tìm hiểu kỹ chúng tôi nhận thấy nhập khẩu thịt gà của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm phụ.

Thống kê cho thấy, 60% sản lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam là phần thịt đùi, thịt cánh rồi chân gà. Cái này nó thuộc về văn hóa, thói quen tiêu dùng, trong khi nước ngoài họ coi ức là sản phẩm chính, đùi cánh là sản phẩm phụ nên có giá bán rất rẻ thì người Việt Nam lại thích ăn đùi, cánh, chân gà nên mới có số liệu nhập khẩu thịt đùi chiếm 60%.

Nhưng tôi cho rằng, với số lượng nhập như vừa qua hầu như không ảnh hưởng lớn đến thị phần gia cầm trong nước, bởi thời điểm cao nhất nhập khẩu cũng chỉ lên tới 17%, còn bình thường giao động khoảng 10-15%.

Bên cạnh đó, chúng ta nhập khẩu thịt gà, nhưng chúng ta cũng xuất thịt gà đi một số nước như Nhật Bản, Mỹ,... Nói chung, tùy theo nhu cầu thị hiếu và khẩu vị của người tiêu dùng nên hàng hóa, trong đó có gia cầm luôn đáp ứng được phân khúc, thị trường khác nhau.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...