Ngày 28/3, Sở NN-PTNT Ninh Thuận phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản hướng đến xuất khẩu.
68 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện khí hậu khô hạn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 3.358km2, trong đó hơn 83.736ha đất sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Cương, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ rệt, có nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định được đầu ra của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, nho, táo, mía, mỳ, bắp (ngô) giống, hành tỏi, nha đam, măng tây, dê, cừu, heo, vịt thịt... đã được tổ chức liên kết theo chuỗi chặt chẽ dưới nhiều hình thức.
Các sản phẩm nông - lâm - thủy sản tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tiến triển tốt, được tổ chức liên kết ngày càng chặt chẽ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như: Hệ thống chợ, thương lái, hợp đồng thương mại hay hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở có sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng an toàn, chuỗi giá trị liên kết, sản phẩm OCOP... đã tham gia vào các siêu thị, chợ đầu mối tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, năm 2022, toàn tỉnh đã hình thành 68 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trong đó duy trì 61 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ năm 2021 và phát triển thêm 7 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, đạt 100% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, nhìn chung số lượng chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Ninh Thuận chưa nhiều so với lượng sản phẩm đặc thù của tỉnh. Mặt khác, việc quảng bá và thúc đẩy, kết nối thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm các chuỗi chưa được quan tâm đúng mức…
Diễn đàn 970 tạo kênh thúc đẩy kết nối, tiếp thụ nông sản
Tại hội nghị, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng và cơ hội trong phát triển nông nghiệp vì có bờ biển dài và khí hậu đặc trưng, tạo ra nhiều sản phẩm đặc hữu như nho, táo, cừu...
Theo ông Đảm, thời gian qua, Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN-PTNT đã tạo kênh quan trọng giúp các địa phương kết nối, tiêu thụ nông sản, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng như duy trì đến hiện tại. Tính đến nay, Diễn đàn do Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tổ điều hành Diễn đàn đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các địa phương tổ chức hàng trăm phiên diễn đàn.
Nhiều địa phương đã được Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản rất tốt. Mới đây nhất, Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản sang thị trường Trung Quốc đã được tổ chức tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh và Lạng Sơn nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản sau khi các cửa khẩu của Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhờ vậy, dù các lĩnh khác xuất khẩu có thể chậm lại, nhưng các mặt hàng nông sản xuất sang sản thị trường Trung Quốc vẫn rất sôi động.
Đối với phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng theo ông Lê Trọng Đảm, hiện các địa phương rất chú ý đến vấn này vì nước ta đã phát triển nhanh về sản lượng nông thủy sản, song việc phát triển theo chuỗi chưa nhiều và còn tự phát.
Do đó, để chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển bền vững, cần cách làm thực chất, chắc chắn và không làm theo hình thức, trong đó vai trò doanh nghiệp là trọng tâm dẫn dắt bà con nông dân. Còn các địa phương phải có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã hỗ trợ, giúp cho địa phương, doanh nghiệp, HTX và nông dân trong việc kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông cũng mong rằng, Diễn đàn trong thời tới sẽ giúp cho Ninh Thuận trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản.
Nhiều doanh nghiệp muốn "bắt tay" với nông dân
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận chuyên trồng, thu mua măng tây, hành tím và đậu bắp phục vụ xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Singapone cho biết, hiện Công ty đang liên kết với nông dân trong tỉnh trồng măng tây khoảng 40ha, hành tím 600 - 700 tấn/vụ và bắp từ 7 - 10 tấn/ngày.
Theo ông Tuấn, đối với sản phẩm măng tây và sản phẩm khác, việc liên kết tiêu thụ là rất cần thiết. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, để việc tiêu thụ bền vững, cần có doanh nghiệp đầu tàu cũng như xây dựng vùng nguyên liệu lớn.
Hiện doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ măng tây rất lớn, tuy nhiên nhiều bà con vẫn chưa liên kết với đơn vị nên đầu ra bấp bệnh. Từ đầu năm đến nay, trong khi măng tây ngoài thị trường tự do tiêu thụ chậm, giá thấp thì nông dân trồng măng tây có liên kết với doanh nghiệp vẫn được thu mua với giá cao, thu nhập ổn định.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu liên kết Việt Nam, đơn vị chuyên trồng và chế biến cây dược liệu tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho biết, hiện doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu hơn 70ha, trong đó tại tỉnh Ninh Thuận khoảng 10ha, cùng với đó đã đầu tư công nghệ chế biến sâu cây đinh lăng như trà đinh lăng, rượu đinh lăng, nước uống đinh lăng. Sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại làm cao đinh lăng nhằm phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Bình, cây đinh lăng trồng một lần có thể thu hoạch đến 10 năm. Cây trồng 1 năm có thể thu hoạch và 6 tháng sẽ thu hoạch một lần. Tại Ninh Thuận, cây này được đánh giá có tính dược liệu cao nhất cả nước. Vì vậy từ nay đến 2025, Công ty có nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu tại đây với diện tích khoảng 200ha. Do đó, ông muốn được hợp tác, liên kết sản xuất với bà con trong tỉnh. Công ty có đủ năng lực về vốn, cũng như công nghệ chế biến và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Còn ông Phan Thanh Bút, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi cho biết, Công ty có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu chuối công nghệ cao tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) với quy mô ban đầu 50 - 60ha. Nếu hiệu quả, Công ty sẽ mở rộng diện tích. Tuy nhiên để phát triển vùng nguyên liệu này, Công ty mong muốn được xây dựng trung tâm đóng gói đạt chuẩn với quy mô 20 - 30ha, vốn đầu tư 30 - 50 triệu USD tại chỗ để đảm bảo chất lượng, giảm chi phí vận chuyển cũng như thu mua sản phẩm cho bà con cao hơn.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, việc phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là cần thiết và tất yếu. Khi làm được chuỗi như vậy, cả nông dân, HTX và doanh nghiệp sẽ cùng nhau đi xa hơn, bền vững hơn và thành công hơn trên việc bảo vệ uy tín, thương hiệu sản phẩm. Chuỗi liên kết cũng sẽ giúp tổ chức lại sản xuất, khắc phục hạn chế quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, đầu ra tiêu thụ không ổn định.
Do đó thời gian tới, Ninh Thuận sẽ ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để mở rộng không gian sản xuất, trong đó ưu tiên nghiên cứu, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc thù. Cùng với đó, tập trung rà soát để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất nhằm mục đích gắn kết chặt chẽ chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Tại hội nghị, các đơn vị tiêu thụ và đơn vị sản xuất tỉnh Ninh Thuận đã ký kết hợp tác về kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản. Theo đó, có 9 hợp đồng kinh tế và 1 biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên để phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản hướng tới xuất khẩu.